Chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con có phải chịu lãi không?

Ngày đăng : 11:15, 05/11/2018

(Kiemsat.vn) - Trong thực tiễn, không phải lúc nào người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cũng thực hiện theo đúng quyết định của Tòa án. Vậy, trong trường hợp bố (mẹ) chậm cấp dưỡng thì có phải chịu lãi suất không vẫn còn ý kiến khác nhau.

Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quan hệ cấp dưỡng thường được Tòa án giải quyết trong các vụ án hôn nhân và gia đình là giữa cha hoặc mẹ với con. Trong thực tiễn, không phải lúc nào người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cũng thực hiện theo đúng quyết định của Tòa án.

Sự chậm trễ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây ảnh hưởng đến đến quyền lợi của con là người được cấp dưỡng. Vấn đề đặt ra là nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ (cấp dưỡng) hay không. Hiện nay vẫn còn quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Quan điểm thứ nhất cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần (Theo Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nghĩa vụ thực hiện theo định kỳ theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ (Điều 282 Bộ luật Dân sự). Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện bằng tiền nên chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng có tính chất như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên người chậm thực người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Do đó người có nghĩa vụ phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ “trả tiền” tại Điều 357 mà không có quy định nào khác về chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nên Tòa án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là không đúng. 

Tác giả rất mong quý đồng nghiệp, bạn đọc cùng thảo luận, trao đổi.

Xem thêm>>>

Về quyền tự định đoạt của đương sự trong việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Có tính án phí cấp dưỡng nuôi con đối với việc hôn nhân gia đình không?

Vợ yêu cầu cấp dưỡng vì…. chồng cũ “lơ” con

Dương Thanh