Nữ Kiểm sát viên trên trận tuyến thầm lặng

Ngày đăng : 14:00, 08/02/2019

(Kiemsat.vn) - Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trong đó có những Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân. Nói đến những Kiểm sát viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ, họ được ví như hình ảnh của những dũng sỹ trên mặt trận không tiếng súng...

Nhắc đến thành công của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng trong giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, chức vụ thời gian qua, chúng tôi ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của nữ Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan, chị cũng là một nữ Bí thư Chi bộ, một Phó trưởng phòng của Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng (Phòng 3) thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hồ Chí Minh.

Chân dung nữ Kiểm sát viên

Trong những ngày trung tuần tháng 10/2018, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại VKSND thành phố Hồ Chí Minh, ấn tượng in đậm trong mắt chúng tôi là hình ảnh các cán bộ Kiểm sát viên của VKSND thành phố miệt mài nghiên cứu với những tập hồ sơ vụ án được chất cao trước mặt, trong số đó có những vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng, chức vụ đang được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân. 

Do đã trực tiếp trao đổi qua điện thoại nhiều lần, chúng tôi cũng đã phần nào cảm nhận được ở chị Lan với vai trò là một đảng viên, là một Bí thư Chi bộ luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng trong Chi bộ của mình để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, động viên... Ở chị Lan đã thể hiện được sự kiên quyết của một nữ đảng viên, một nữ Bí thư chi bộ và đặc biệt sự công minh, thận trọng, khách quan nhưng cũng rất khiêm tốn của một nữ Kiểm sát viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Song khi chúng tôi tìm đến chị Nguyễn Quỳnh Lan, trực tiếp trao đổi với nữ Kiểm sát viên trung cấp này, chúng tôi bắt gặp một con người đầy nhiệt huyết, đam mê, trách nhiệm với công việc của mình được giao, một con người yêu ngành, yêu nghề đến thế, có thể chấp nhận một sự hy sinh nào đó của cá nhân bản thân mình để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố tin tưởng giao cho.

Chị sinh ra tại Hà Nội, theo bố mẹ vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, chị đã vào công tác tại VKSND Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh kể từ 01/02/1999. Trải qua các công khâu công tác từ những ngày đầu vào ngành với công việc đầu tiên được giao là thực hiện nhiệm vụ tổng hợp và kiểm sát chung, chị đã làm tốt từ công tác tổng hợp, giao nhận, quản lý hồ sơ cẩn thận, chặt chẽ, lập hệ thống sổ sách đầy đủ, quản lý án khoa học nên đã tham mưu tốt cho lãnh đạo trong việc quản lý án, tập hợp theo dõi các vi phạm của Cơ quan điều tra, Tòa án để kiến nghị kịp thời, đồng thời xây dựng kiến nghị tổng hợp các vi phạm, tham mưu với lãnh đạo xây dựng các báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết, chuyên đề như chuyên đề “nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị”, chuyên đề “đấu tranh phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản”.

Năm 2006, chị được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Đây là nhiệm vụ mới đối với chị, nhưng chị đã cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo hủy bỏ các quyết định không có căn cứ của Cơ quan điều tra, yêu cầu khởi tố nhiều bị can, kiến nghị kịp thời với Cơ quan điều tra về các vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm sát điều tra. 

Sau khi được bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp vào năm 2007, chị đã trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nhiều vụ án. Mặc dù, bước đầu khi tham gia kiểm sát xét xử còn nhiều bỡ ngỡ nhưng chị đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước, tích cực nghiên cứu tài liệu chuyên môn nhằm hoàn thiện kiến thức cho mình nhiều hơn, quá trình tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử chị đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, chuẩn bị luận tội, đề cương xét hỏi, dự kiến các tình huống phát sinh nên chưa để xảy ra trường hợp nào phải hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung cũng như không có trường hợp nào bị cấp phúc thẩm hủy, sửa hoặc kháng nghị... 

Với sự cố gắng nỗ lực, tâm huyết với công việc được giao, trong suốt 15 năm từ năm 2003 đến nay, chị đều đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, năm 2006, 2009, 2012 và năm 2016 được Viện trưởng VKSND tối cao công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”, năm 2008 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc “trong công tác xã hội từ năm 2003 đến năm 2007, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và được tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2012 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2007 đến năm 2011, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2015, chị vinh dự được VKSND tối cao chọn là một trong các đại biểu tiên tiến của ngành Kiểm sát dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Trải qua gần 20 năm công tác, chị đã trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử trên 700 vụ án thuộc lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Gần đây nhất, vào năm 2016 chị đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Đây là vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo và VKSND tối cao phân công cho VKSND thành phố Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. Kết quả xét xử, Hội đồng xét xử đã chấp nhận hầu hết các quan điểm, mức án tuyên phù hợp với đề nghị của Viện kiểm sát. Trò chuyện với nhóm phóng viên chúng tôi, chị Lan đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong giai đoạn thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Chị đã cho chúng tôi biết rất tường tận quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn nghiên cứu hồ sơ đến việc chuẩn bị bản luận tội, đề cương xét hỏi và phần tranh luận tại phiên tòa.

Tranh tụng đến cùng...

Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ khi được phân công giải quyết vụ án, chị Lan đã cùng các đồng nghiệp của mình tập trung nghiên cứu vụ án một cách toàn diện để báo cáo quan điểm, các vướng mắc, cũng như đường lối giải quyết vụ án. Với một vụ án lớn, phức tạp, có 36 bị cáo, nhiều hành vi phạm tội nên hồ sơ vụ án có rất nhiều tài liệu, bên cạnh đó còn là sự tham gia của 45 luật sư bào chữa, song chị đã cùng với các đồng nghiệp hệ thống, sắp xếp các bị can, nhóm hành vi phạm tội theo tội danh để thuận lợi trong việc nghiên cứu, đồng thời báo cáo lãnh đạo Viện phân công cụ thể công việc để thực hiện nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hỗ trợ nhau khi thực hiện nhiệm vụ giữa hai Kiểm sát viên chính giữ quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa với Tổ nghiên cứu, giúp việc. Do thời gian chỉ có hơn 2 tháng nghiên cứu hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử, nên chị và các đồng nghiệp của mình đã tập trung tuyệt đối, thận trọng nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết các liên quan đến vụ án để xây dựng đề cương xét hỏi chi tiết, phân công cụ thể, rõ ràng việc xét hỏi tại phiên tòa; các Kiểm sát viên thay nhau thực hiện việc xét hỏi, bổ sung cho nhau và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh mới tại phiên tòa. 

Với việc chuẩn bị tốt như trên, phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa diễn ra đầy đủ, đúng trọng tâm, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo các bị cáo được trình bày rõ về hành vi phạm tội, nguyên nhân, động cơ, mục đích... Có nhiều bị cáo (20 bị cáo) thay đổi lời khai không thừa nhận hành vi phạm tội đã được đại diện Viện kiểm sát xét hỏi cụ thể hành vi phạm tội và các vấn đề liên quan, cho đối chất tại phiên tòa nhằm củng cố chứng cứ khi luận tội. Các đối tượng liên quan đều được xét hỏi đầy đủ, làm rõ hành vi nhằm xác định vai trò liên quan trong vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Qua đó, tại phiên tòa đã xác định được một số đối tượng liên quan có hành vi phạm tội nhưng chưa được xử lý để kịp thời báo cáo đề xuất hướng xử lý. Quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên đã bám sát diễn biến phiên tòa, ghi chép đầy đủ phần xét hỏi của Hội đồng xét xử cũng như phần xét hỏi của 45 luật sư để kịp thời xét hỏi bổ sung, làm rõ các vấn đề mới phát sinh, mâu thuẫn và để bổ sung cho phần luận tội. Sau mỗi phần xét hỏi, Kiểm sát viên thực hiện việc báo cáo đồng chí Viện trưởng kết quả xét hỏi, diễn biến tại phiên tòa, các vướng mắc phát sinh và dự kiến hướng luận tội.

Trên cơ sở cáo trạng truy tố và kết quả xét hỏi tại phiên tòa, chị và đồng nghiệp của chị đã cùng nhau xây dựng bản luận tội và thay nhau trình bày tại phiên tòa. Phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đã được trình bày đầy đủ nội dung, lập luận có căn cứ, chắc chắn, thuyết phục, không chỉ tập trung buộc tội các bị cáo, bản luận tội đã đề cập đến tất cả các vấn đề của vụ án, trong đó chú trọng đến việc thu hồi tài sản thiệt hại, kiến nghị khởi tố vụ án tại Tòa án để điều tra đối với một số cá nhân có dấu hiệu phạm tội và kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật. Mức án đề nghị đối với các bị cáo đã phân hóa, xem xét vai trò, tính chất hành vi phạm tội để đề nghị mức án nghiêm minh nhưng vẫn đảm bảo tính nhân đạo và đúng căn cứ pháp luật.

Phần tranh luận tại phiên tòa trong vụ án Phạm Công Danh là điển hình cho việc tranh tụng dân chủ giữa đại diện Viện kiểm sát với 45 Luật sư bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã thể hiện được tính dân chủ, thẳng thắn, không hạn chế về mặt thời gian, đảm bảo văn hóa tranh tụng, thực hiện việc tranh tụng đến cùng nhằm làm sáng tỏ nội dung, bản chất vụ án, hành vi phạm tội của các bị cáo, các vấn đề liên quan... 

Trao đổi với Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan, chị cho biết, đây là vụ án có số tài sản phải thu hồi rất lớn, vì vậy, riêng nội dung thu hồi tài sản và kiến nghị khởi tố đã được thực hiện trong thời gian 5 ngày xét xử tại phiên tòa, việc đối đáp được thực hiện 3 lần dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Vụ nghiệp vụ (Vụ 3 VKSND tối cao) và của Viện trưởng VKSND thành phố Hồ Chí Minh. Qua phần tranh luận, chị và đồng nghiệp của chị đã chủ động thẩm vấn, dùng các luận điểm, căn cứ pháp luật tranh tụng với luật sư, bị cáo và kể cả Hội đồng xét xử để bác bỏ quan điểm bảo vệ của các luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội, phạm tội danh khác...; làm rõ nguồn gốc, chứng minh đường đi của dòng tiền, từ đó có những biện pháp kiến nghị thu hồi tài sản về cho nhà nước, cuối cùng chị và các đồng nghiệp đã bảo vệ thành công quan điểm truy tố cũng như phần kiến nghị khởi tố các vụ án khác và đề nghị thu hồi tài sản, được Hội đồng xét xử chấp nhận và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Và chính sự tranh tụng công khai, dân chủ, đối đáp đến cùng tại phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh cũng là điều chị Nguyễn Quỳnh Lan tâm đắc nhất khi chia sẻ với chúng tôi: “Bản thân khi giữ quyền công tố cảm thấy đã làm tròn nhiệm vụ khi bảo vệ quan điểm truy tố, kiến nghị thu hồi tài sản và đặc biệt là phát huy được kỹ năng tranh tụng, đối đáp của Kiểm sát viên để khẳng định vị trí, vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự”. Nhiều Luật sư đánh giá thái độ, không khí tranh tụng, đối đáp đã diễn ra dân chủ, công khai, tranh tụng đến tận cùng, như trong bài báo “Tranh luận đến cùng...” của Luật sư Phan Trung Hoài đăng trong chuyên mục “Khung cửa tư pháp” trên một tờ báo đã có đoạn viết: “Đồng hồ đã chỉ sang 19 giờ tối mà nữ Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan vẫn cố gắng đưa ra quan điểm với từng luật sư về những ý kiến bào chữa đã nêu trong phần đối đáp diễn ra hai ngày qua... Ông chủ tọa và Hội đồng xét xử vẫn kiên trì lắng nghe, không hạn chế thời gian để các Luật sư và Kiểm sát viên đối đáp đến lần thứ ba, cho đến khi không ai phát biểu gì thêm thì mới kết thúc phần tranh luận... Từ ngày 16/8/2016 bắt đầu phần phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát, cuộc tranh luận và đối đáp tại phiên tòa xét xử vụ “đại án” kéo dài gần hai tuần, với nhiều đổi mới về tinh thần và phong cách tranh tụng, trong đó pháp đình là nơi thể hiện sâu sắc văn hóa trong ứng xử nghề nghiệp giữa bên buộc tội và gỡ tội mà bấy lâu nay mọi người kỳ vọng. Chúng tôi lắng nghe lời đối đáp của Viện kiểm sát, không còn điệp khúc “giữ nguyên quan điểm buộc tội” vẫn thường được bên công tố nêu lên… trước đây. Dường như có một bước chuyển về mặt nhận thức và ứng xử của hai vị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trước Tòa khi dành một thời lượng thích đáng để phân tích, đưa ra các lý lẽ, căn cứ nhằm đồng thuận hoặc bác bỏ các yêu cầu, kiến nghị của Luật sư”.  

Cuối cùng, sau 53 ngày kể từ ngày khai mạc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án và chấp nhận hầu hết các quan điểm, mức án tuyên phù hợp với đề nghị của Viện kiểm sát như kiến nghị thu hồi hơn 6.500 tỷ đồng và đã ban hành 03 quyết định khởi tố vụ án hình sự, kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bản lĩnh Kiểm sát viên

Cũng trong buổi trò chuyện, chị Lan đã chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm về kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng tranh tụng trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, chị nói: Đây là vụ án do VKSND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị khởi tố trong quá trình xét xử vụ án Phạm Công Danh với hậu quả thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng, có 28 bị cáo và 52 Luật sư tham gia phiên tòa và thành phần Kiểm sát viên thực hành quyền công tố là 3 Kiểm sát viên, trong đó có 01 Kiểm sát viên cao cấp được biệt phái từ VKSND tối cao. Đây cũng là vụ án đầu tiên có sự phối hợp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giữa Kiểm sát viên biệt phái của Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao với Kiểm sát viên của VKSND thành phố Hồ Chí Minh. Khi xét xử vắng mặt bị cáo Hứa Thị Phấn là chủ mưu đầu vụ nhưng có 5 Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo này. Đáng chú ý, trong vụ án có bị cáo Bùi Thị Kim Loan là đồng phạm giúp sức tích cực nhất cho Hứa Thị Phấn cũng tìm mọi cách hoãn phiên tòa như làm đơn xin hoãn, khi Hội đồng xét xử chấp nhận cho xét xử vắng mặt thì không đồng ý, bị cáo Loan bế con nhỏ mới sinh hơn 1 tháng tuổi đến phiên tòa để gây khó khăn và tạo áp lực cho Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên; chồng bị cáo Loan là bị cáo Nguyễn Kim Thanh giả vờ mắc bệnh tâm thần; trong phần thủ tục phiên tòa thì các Luật sư của bị cáo Hứa Thị Phấn liên tục khiếu nại xin hoãn phiên tòa và cho rằng thành phần Hội đồng xét xử không đúng quy định của pháp luật... Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa và Hội đồng xét xử đã lập luận, đấu tranh bác bỏ các yêu cầu không có căn cứ của Luật sư bảo vệ cho bị cáo Hứa Thị Phấn về việc vắng mặt của bị cáo cũng như về thành phần của Hội đồng xét xử là đúng quy định của pháp luật.

Cuối cùng, chị đã chia sẻ kinh nghiệm của chị trong phần tranh luận tại phiên tòa với chúng tôi rằng: Một phương pháp Kiểm sát viên vận dụng trong các vụ án lớn, đông bị cáo là luận tội theo nhóm tội danh và kết luận chung hành vi phạm tội bám sát nội dung cáo trạng, khi phần luận cứ của Luật sư bào chữa và phần tự bào chữa của bị cáo đưa ra thì Kiểm sát viên đối đáp cụ thể, phương pháp này là cách để phần đối đáp đầy đủ, toàn diện và đó cũng là để giúp cho phần tranh luận đạt kết quả tốt nhất, phần đối đáp đúng trọng tâm, đầy đủ, sắc bén, toàn diện và ứng xử tình huống nhanh nhạy và đúng quy định của pháp luật.

Trong buổi trò chuyện với đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải, Viện trưởng của VKSND thành phố Hồ Chí Minh đầy nhiệt huyết, trách nhiệm cao trong công tác, nhất là trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, trực tiếp nghe báo cáo việc giải quyết các vụ án, chúng tôi cảm nhận được trong lời nói cảm giác xúc động, chia sẻ khi đánh giá, nhận xét của người Viện trưởng đối với nữ Kiểm sát viên: “Nói về Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan, đây là một Kiểm sát viên có năng lực trình độ, có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích đánh giá, có kỹ năng rất tốt trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử; có nhạy bén và xử lý các tình huống tốt trong giai đoạn kiểm sát điều tra cũng như giai đoạn kiểm sát xét xử. Các vụ án được VKSND tối cao phân công, những vụ án mà Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo thì Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan được chọn để phân công giải quyết những vụ án lớn, điển hình là vụ Hứa Thị Phấn và vụ Phạm Công Danh. Khi được giao nhiệm vụ, Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan đã thể hiện được bản lĩnh nghiệp vụ của mình, khả năng nghiên cứu, đánh giá, nắm bắt vấn đề rất nhanh để báo cáo xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt thể hiện vai trò trách nhiệm rất cao và phải nói rằng cần phải có sự hy sinh những quyền lợi cá nhân vì thường khi giải quyết những vụ án này không thể về nhà sớm, có khi cả tháng trời phải 9, 10 giờ tối mới được trở về nhà và liên tục như vậy cho đến khi kết thúc vụ án. 

Không chỉ được cơ quan Tòa án đánh giá cao mà trong giới Luật sư cũng đánh giá cao về bản lĩnh, khả năng trong tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan. Với những thành tích trong công tác, Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen trong giải quyết vụ án Hứa Thị Phấn và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong giải quyết vụ án Phạm Công Danh. Ngoài ra, Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan còn có sự đóng góp rất nhiều trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ không những của Phòng 3 mà của ngành Kiểm sát nhân dân thành phố trong việc thực hiện những khâu đột phá, ví dụ như những chuyên đề lớn của VKSND thành phố như chuyên đề về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chuyên đề về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao... Tất cả những chuyên đề này là chính Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan chắp bút, đồng thời thông qua công tác kiểm sát VKSND thành phố xác định được những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tạo điều kiện cho hành vi thực hiện tội phạm để thực hiện kiến nghị phòng ngừa tội phạm thì Kiểm sát viên này là người nghiên cứu, tổng hợp, từ đó tham mưu cho Lãnh đạo Viện những vấn đề lớn, đó là kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác quản lý lĩnh vực kinh tế, bảo hiểm, lĩnh vực hải quan, ngân hàng, phòng chống tham nhũng... và nhiều vấn đề khác nữa. Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan xứng đáng với phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, là Kiểm sát viên điển hình của VKSND thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu!”./.

Xem thêm >>>

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên qua học tập kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm
VKSND huyện Châu Thành với công tác đào tạo cán bộ tại chỗ

Hương Nhung - Thanh Huyền - Trần Len