Đề xuất các ban, văn phòng thuộc Chính phủ có tối đa 3 cấp phó

Ngày đăng : 13:30, 24/10/2018

(Kiemsat.vn) - Các ban (vụ), văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên có trên 20 người làm việc thì được bố trí không quá 3 cấp phó.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Đó là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016 ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ này.

Theo Bộ Nội vụ, Nghị định 10/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Điểm đáng chú ý tại Dự thảo này là sửa đổi các quy định liên quan đến số lượng phòng, ban và số lượng cấp phó tối đa của tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất chỉ thành lập ban (vụ) khi khối lượng công việc cần phải bố trí tối thiểu 15 người làm việc là công chức, viên chức trở lên.

Quy định tối thiểu 15 người làm việc là công chức, viên chức khi thành lập ban nhằm đảm bảo số công chức, viên chức tối thiểu của ban lớn hơn 2 lần số công chức, viên chức tối thiểu của phòng thuộc ban (vụ) trong cơ quan thuộc Chính phủ.

“Việc bỏ quy định cụ thể số lượng phòng trực thuộc ban trong Nghị định là để phân cấp cho cơ quan thuộc Chính phủ trong việc quyết định sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức, đơn vị thuộc các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định của Chính phủ” – Dự thảo nêu rõ.

Một điểm mới khác tại dự thảo Nghị định này là bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó tối đa của tổ chức, đơn vị thuộc các cơ quan của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất đối với các ban (vụ) và văn phòng có từ 20 người làm việc là công chức, viên chức trở xuống thì được bố trí không quá 2 cấp phó. Có trên 20 người làm việc thì bố trí không quá 3 cấp phó.

Tương tự, với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, nếu có 20 người làm việc là công chức, viên chức trở xuống thì có không quá 2 cấp phó. Và trên 20 nhân sự thì có không quá 3 cấp phó.

Riêng các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư thì được thực hiện số lượng cấp phó theo đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Nội vụ cho rằng, việc bổ sung quy định số lượng cấp phó tối đa của các ban, văn phòng được áp dụng tương tự như đối với vụ thuộc bộ. Riêng số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ năm 2015.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề nghị bổ sung về số lượng cấp phó của phòng thuộc ban (vụ), văn phòng. Cụ thể, phòng có dưới 10 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí 1 Phó trưởng phòng, có 10 người làm việc là công chức, viên chức trở lên thì bố trí không quá 2 Phó trưởng phòng.

Theo Bộ Nội vụ, việc quy định số lượng cấp phó của phòng thuộc ban, văn phòng nhằm bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo quản lý và số lượng công chức, viên chức thực thi thừa hành thuộc phòng.

Dự thảo nêu rõ: Trường hợp sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà làm tăng số lượng cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị so với quy định tại Nghị định này thì trong thời hạn đến năm 2020, cơ quan thuộc Chính phủ phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó, bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định này; chỉ được bổ sung khi số lượng cấp phó thấp hơn quy định tại Nghị định này.

Xem thêm>>>

Tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn

Phê duyệt 259.598 biên chế công chức nhà nước năm 2019

Cẩm Thi