Thêm 05 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa

Ngày đăng : 14:24, 27/09/2018

(Kiemsat.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp phép cho 05 Nhà xuất bản (NXB) được xuất bản sách giáo khoa.

Vệc thực hiện “Một chương trình nhiều bộ SGK” sẽ tạo ra cơ chế mới thúc đẩy nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia biên soạn (Ảnh: Báo lao động)

Theo ghi nhận của Vietnamnet, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ này đã cấp bổ sung thêm chức năng xuất bản sách giáo khoa cho 05 nhà xuất bản, nâng tổng số Nhà xuất bản có chức năng này lên 06 Nhà xuất bản.

05 Nhà xuất bản nói trên bao gồm: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Vinh và Nhà xuất bản Đại học Huế .

Lâu nay, việc xuất bản sách giáo khoa vẫn theo mô hình cũ, chỉ có một bộ sách giáo khoa và chỉ một Nhà xuất bản chịu trách nhiệm này. Với Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tới đây sẽ thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”.

Như vậy, việc in sách giáo khoa sẽ không còn là việc của một Nhà xuất bản, một bộ phận độc quyền mà tạo ra cơ chế, động lực, nguồn lực cho xã hội biên soạn bộ sách mới, tạo ra sự phong phú cho người sử dụng.

Sài Gòn giải phóng thông tin, hiện các Nhà xuất bản trên đã tích cực chuẩn bị điều kiện về nhân lực, vật lực để tham gia thực hiện chức năng mới. Về phía cơ quan quản lý, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở thêm một lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ biên tập viên cho các Nhà xuất bản này.

Trước đó, trong số 37 Nhà xuất bản mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp, đổi giấy phép thành lập, chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có chức năng xuất bản sách giáo khoa.

Việc “độc quyền” và “khép kín từ sản xuất đến phát hành” này đã làm nảy sinh tình trạng khan hiếm sách giáo khoa khi các Công ty sách - thiết bị trường học địa phương năm nay đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho. Nhiều trường hợp phải mua đắt gấp đôi, gấp ba giá bìa, gây bức xúc trong dư luận.

Để chấm dứt tình trạng khan hiếm sách, không còn cách nào khác là “xã hội hóa” việc biên soạn sách giáo khoa và trao quyền tự chủ chọn sách dạy và học cho các trường phổ thông.

Xem thêm>>>

Kiểm tra việc in và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục

 Công bố đường dây nóng về cung ứng sách giáo khoa

Cẩm Thi (tổng hợp)