Cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho Kiểm sát viên và Người bào chữa tại phiên tòa
Ngày đăng : 15:11, 26/07/2018
Điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về Phòng xử án quy định:
“1. Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này”.
Ngày 28/7/2017 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án. Trong đó tại điều 4 Thông tư số 01 quy định về Hình thức phòng xử án. Cụ thể:
“… 2. Phòng xử án phải được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Vị trí của Hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất, bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.
3. Phòng xử án phải đảm bảo không gian để tiến hành phiên Tòa, phiên họp và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với khu vực của những người tham dự phiên tòa, phiên họp, phải bố trí lối đi riêng của Hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp, lối đi của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp, tường trong phòng xử án có màu vàng”.
Thông tư trên có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, từ khi áp dụng quy định về phòng xử án, các Tòa án đã tiến hành sắp xếp, bố trí lại vị trí phòng xử án theo đúng quy định tại thông tư số 01.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Tuy nhiên khi bố trí, sắp xếp lại phòng xử án thì đa số các địa phương chưa có kinh phí để xây dựng nên thường tận dụng phòng xử án cũ, diện tích đã nhỏ, lại hẹp nên khi Kiểm sát viên ngồi ngang hàng cùng Luật sư, người bào chữa thì gần như vị trí bàn của Kiểm sát viên và Người bào chữa đã chiếm gần hết khoảng không trong phòng xử án.
Bên cạnh đó do tận dụng lại phòng xử cũ nên trừ Hội đồng xét xử có lối đi riêng còn Kiểm sát viên, Người bào chữa, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa không có lối đi riêng mà dùng chung một lối đi. Khoảng cách từ vị trí của bị cáo, Nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự đến vị trí Kiểm sát viên, Người bào chữa rất gần. Trong quá trình xét xử không thể tránh khỏi những bất đồng phát sinh trong quá trình xét hỏi, tranh luận giữa Kiểm sát viên, Người bào chữa với người tham gia tố tụng, từ đó dễ phát sinh những hệ lụy khi người tham gia tố tụng có hành vi bạo lực đối với Kiểm sát viên và người bào chữa. Sự việc xảy ra ở TAND huyện Bình Chánh cho thấy còn có nhiều bất cập trong việc bố trí vị trí của Kiểm sát viên, Người bào chữa gần vị trí của Bị cáo, Nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự.
Thực tế cho thấy, khi Kiểm sát viên tiến hành xét hỏi, tranh luận với bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì luôn tiềm ẩn nguy cơ bị bị tấn công bởi các chủ thể này. Đối với Luật sư bảo vệ cho bị cáo thì thì luôn bị bị hại và gia đình bị hại đe dọa và ngược lại. Vì vậy, cần phải có sự phân cấp về vị trí ngồi của Thư ký, Kiểm sát viên, người bào chữa để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối khi tham gia phiên tòa. Ngoài ra tiếp tục kiến nghị TAND tối cao bố trí nguồn kinh phí để xây dựng lại phòng xử án theo hướng bố trí lối đi riêng cho Kiểm sát viên, Người bào chữa theo đúng quy định tại khoản 3 điều 4 Thông tư số 01.
Xem thêm>>>