Tử tù xin hiến xác: “nút thắt” không dễ cởi

Ngày đăng : 13:55, 12/07/2018

(Kiemsat.vn) - Cần có cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho tử tù được hiến tạng, hiến xác, vì đó là một ước nguyện mang tính nhân văn, thể hiện sự sám hối, sự hướng thiện của con người.

Khi tử tù muốn hiến xác cứu người

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình (Ảnh: Tuổi trẻ)

Tuổi trẻ đưa tin, ngày 9/7/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tình (sinh ngày 29/1/2000, quê huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trong vụ án giết người, cướp tài sản gây xôn xao dư luận. Theo cáo trạng, bị cáo giết nhiều người và giết người dưới 16 tuổi với hành vi hết sức dã man, tàn nhẫn. HĐXX nhận định hành vi của bị cáo đã đi đến tận cùng của tội ác, không để bị hại có cơ hội nào sống sót nên tuyên phạt Nguyễn Hữu Tình mức án tử hình. Khi được nói lời sau cùng, Tình xin lỗi gia đình bị hại và xin pháp luật cho bị cáo hiến xác để được thanh thản phần nào. 

Nguyện vọng đó của Tình làm dấy lên những quan điểm trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, người bị kết án tử hình phải chịu thi hành bản án nghiêm khắc của pháp luật, nhưng nguyện vọng được hiến tặng thân xác để phục vụ cho khoa học hoặc cứu sống người bệnh của họ là chính đáng và nhân văn. Đây không phải lần đầu tiên người bị kết án tử hình xin được hiến xác cho y học nhưng đều không được cơ quan chức năng chấp nhận.

Trước đó, là trường hợp Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi) - kẻ đâm cả nhà gia chủ trong lúc lẻn vào ăn trộm khiến hai người tử vong, hai người bị thương ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Khi bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án tử hình với hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”, Kỳ bày tỏ mong muốn được hiến tạng, theo báo Pháp luật TPHCM.

Tử tù Nguyễn Hải Dương (25 tuổi), thủ phạm thảm sát 6 người trong gia đình người yêu ở tỉnh Bình Phước năm 2017, cũng từng có nguyện vọng được hiến xác.

Bị cáo Nguyễn Hải Dương (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Thông tin từ báo Đời sống pháp luật cũng cho biết, tại phiên tòa ngày 09/10/2017, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) - người bị tuyên án tử hình vì hành vi vận chuyển 3kg heroin đề đạt nguyện vọng được thi hành án sớm để hiến xác cho khoa học.

Các bị cáo trên đều hy vọng cơ thể mình sẽ giúp người khác có cơ hội được sống để phần nào chuộc lại lỗi lầm. Tuy nhiên, họ rất khó thực hiện được di nguyện này bởi các cơ chế pháp lý hiện hành.

Nhân văn nhưng khó thực hiện

Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”.

Việc hiến xác là một quyền của công dân cụ thể tại Điều 35 Bộ luật dân sự 2015 về Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau: “Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.”

Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 cũng quy định: “người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Xung quanh vấn đề này, bình luận trên Dân trí, luật sư Lê Thị Thúy Hà (Đoàn luật sự TPHCM) cho rằng pháp luật không cấm tử tù hiến xác, hiến tạng cho y học. Tuy nhiên, muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể “sạch”, đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định. Theo quy định tại Điều 59 Luật Thi hành án hình sự năm 2010,  thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Khi đã tiêm thuốc độc vào người thì các bộ phận cơ thể bị nhiễm độc, không đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa. Như vậy, quyền này của tử tù sẽ khó được thực thi.

Bên cạnh đó, mục đích của việc thi hành án tử hình là nhằm trừng trị tội ác mà tử tù đã gây ra. Luật thi hành án hình sự chỉ quy định 1 phương thức tử hình. Do đó, tử tù không thể hiến tạng trước khi tiêm thuốc độc.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, đây là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi, đã được đề cập và thảo luận nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý nào để thực hiện. Thiếu tướng Quân khẳng định, nếu tiến hành việc này chắc chắn sẽ có vướng mắc, băn khoăn về luật, điển hình như việc nếu đồng ý cho tử tù hiến tạng thì sẽ cho hiến trước hay sau khi thi hành án? Hoặc nếu thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc thì làm sao để nguồn tạng được đảm bảo?

“Trước đây, khi thi hành án bằng hình thức xử bắn, trong quá trình xây dựng Luật Thi hành án hình sự cũng tính đến việc này, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu xử bắn thì thường sẽ bị chấn động, ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận. Nên dù là trước đây hay bây giờ, nếu thực hiện việc này cũng sẽ có vướng mắc”, Thiếu tướng Quân cho hay.

Thực tế ở các quốc gia khác, việc đồng ý cho tử tù hiến xác còn đặt ra một bài toán quan trọng cho các cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý việc hiến xác, cơ chế xác định ai là người được nhận hiến tạng,… tránh những trường hợp các cá nhân tiến hành trục lợi cho bản thân khi quản lý việc hiến xác tử tù, buôn bán nội tạng.

Chính vì vậy, để có cơ sở pháp lý cho việc hiến mô, bộ phận cơ thể và xác của tử tù và nhằm nâng cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của tử tù, cũng như để đảm bảo chất lượng của các mô, bộ phận cơ thể, cần có các quy định đảm bảo việc thi hành án và hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Năm 2009, khi thảo luận tại diễn đàn Quốc hội về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, câu hỏi có nên cho tử tù hiến xác, hiến tạng hay không đã được nhiều đại biểu nêu ra. 

Năm 2010 , Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua và nội dung trên không được đề cập đến.

Năm 2015, câu hỏi "tử tù có thể hiến xác được không?" một lần nữa được đặt ra tại hội thảo về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức.

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an cho biết một số trường hợp tử tù có nguyện vọng hiến xác cho y học sử dụng vào mục đích nhân đạo nhưng do thi hành án bằng tiêm thuốc độc và pháp luật cũng chưa quy định về vấn đề này nên chưa thể đáp ứng.

Đại diện Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cũng nói việc thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc nên nội tạng tử tù sẽ bị hỏng, kể cả có cơ sở pháp luật cũng không thể lấy mô tạng ghép cho người bệnh.

Có người thì gợi ý nên chăng nghiên cứu có thêm một hình thức tử hình khác phù hợp để có thể cho phép tử tù được hiến xác, mô, bộ phận cơ thể theo tâm nguyện.

Xem thêm >>>

 Đâu là giải pháp cho nạn mua bán nội tạng?

Nữ giám đốc ngân hàng Agribank tham ô 2.600 lượng vàng xin hiến xác

Cẩm Thi (tổng hợp)