Chuyện đời thường
Ngày đăng : 09:10, 12/07/2018
Trước mặt Vũ là người đàn ông dáng người nhỏ bé, đôi mắt trũng sâu trông thật khắc khổ. Vũ liếc nhìn vào lá đơn khiếu nại trước mặt Trần Văn Thi 49 tuổi. Vũ ngờ ngợ lẽ nào người ngồi trước mặt mình là ông Thi, gần 6 năm không gặp, ông cũng không nhận ra Vũ. Chính ông cũng thay đổi khá nhiều, mái tóc đã đốm bạc, gầy yếu.
Ông Thi tỏ vẻ nôn nóng: “Chú giúp tui, đến nước này phải trắng đen rõ ràng” rồi vội vã lôi trong giỏ sách ra một lô giấy tờ. Ông đẩy về phía Vũ, do không chú ý, đẩy tách nước Vũ mới mời làm văng nước tung toé. Toàn là giấy ghi nợ, tổng cộng số tiền vừa tròn 5 triệu đồng. Đọc xong lá đơn khiếu nại, Vũ cảm thấy thương cảm với ông Thi. Làm lụng cả đời chắt chiu được một số vốn lại cho cháu họ mượn không tính lãi vậy mà năm lần bảy lượt đòi cũng không được trả một đồng. Vũ xếp lại xấp giấy ghi nợ và giấy hẹn trả của cháu họ ông Thi trả lại cho ông, vừa hỏi thêm câu chuyện cho đầu đuôi rõ ràng.
Ông Thi thở dài: “Cực chẳng đã tui mới đưa đơn ra Toà. Chứ chú cháu kiện tụng hay ho gì. Toà xử nó phải trả số nợ cho tui một lần, vậy mà đã 2 năm rồi, có thấy gì đâu”. Ông tỏ vẻ bất bình nên nói càng lúc càng lớn tiếng.
Từ ngày làm ở bộ phận kiểm sát thi hành án, Vũ gặp khá nhiều trường hợp như ông Thi. Đôi lúc nhiều người không hiểu cứ mang đơn khiếu nại gõ cửa khắp các cơ quan rồi toà soạn báo, tạp chí để yêu cầu giải đáp mà không cần biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Thời gian gần đây, công tác thi hành án dân sự ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, hầu hết những người phải thi hành án đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có thu nhập hoặc tài sản để thi hành án; số ít không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án do họ bỏ trốn. Thêm một lá đơn khiếu nại là thêm một sự trăn trở, Vũ luôn khuyên nhủ mình bằng tất cả sức lực trí tuệ và trái tim người kiểm sát bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là những người chân chất, một đời chân lấm tay bùn.
Nhìn ông Thi dắt chiếc xe đạp cọc cạnh ra cổng mà Vũ không khỏi xốn xang. Năm triệu đồng cũng chưa phải là số tiền quá lớn nhưng nó thật sự có ý nghĩa đối với cuộc sống thực tại của gia đình ông Thi khi mà niềm tin của ông như sắp chết đuối đang cố tìm kiếm cái phao giữa dòng. Lúc này, khi nghe Vũ hẹn 4 hôm nữa quay lại, ông mệt mỏi lắc đầu, cầm tay Vũ: “tui hết trông mong gì được ở đội thi hành án rồi, giờ nhờ mấy chú, khổ lắm”. Vũ đọc đi đọc lại lá đơn khiếu nại của ông Thi, câu chữ vấp váp nhưng thật tha thiết trông mong nhận đủ số tiền như Toà án đã tuyên. Tròn một năm Vũ về nhận công tác tại Viện kiểm sát huyện, một năm làm công tác kiểm sát thi hành án, Vũ phần nào hiểu được nỗi trăn trở bức xúc ở những người như ông Thi đôi lúc tình cảm bị lợi dụng một cách thái qua đằng sau sự thương hại và lòng nhẹ dạ là những bài học cay đắng để đời.
Đúng hẹn, mới đầu giờ làm việc ông Thi đã ngồi ở phòng tiếp dân. Vũ đoán chừng mười lăm phút đọc báo đầu giờ cũng đủ làm ông Thi nóng lòng như lửa đốt. Vẫn vẻ mặt căng thẳng như hôm đầu ông đến nộp đơn, vừa thấy Vũ bước vào ông đã đứng lên hỏi vội: "Nó có chịu trả cho tôi không chú? Trả đủ hả chú?".
Ông hỏi dồn dập như sợ cái lắc đầu của Vũ sẽ làm ông thất vọng. Vũ từ tốn rót ly nước mời ông rồi mới nói rõ lý do Đội thi hành án trả lại đơn yêu cầu thi hành án của ông từ trước. Vũ đã đến làm việc với Đội thi hành án, anh đọc toàn bộ hồ sơ vụ kiện đòi nợ của ông Thi và anh Thân - cháu họ ông. Qua nghiên cứu hồ sơ và trực tiếp làm việc với Đội thi hành án, Vũ thấy rõ Đội thi hành án đã làm đúng chức năng, mọi thủ tục tiến hành đều đầy đủ theo luật định. Trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho ông Thi là đúng khi mà anh Thân không có một tài sản gì ngoài cái giường nhỏ ọp ẹp đặt trong góc của căn nhà vách đất đủ cho bốn người chui ra chui vào. Đã mấy lần Đội thi hành án mời ông Thi đến để giải thích cho ông rõ, xong với ông “Toà án quyết định trả là phải trả không hứa hẹn gì”. Ông không đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Anh Thân hiểu được những ý nghĩ của ông chú, nhưng anh cũng không đủ sức để xoay sở nữa. Vừa được vay tiền để xoá đói giảm nghèo theo diện ưu tiên cũng đủ đầu tư vào đám mía năm rồi cho không ai thèm chặt, giờ buộc lòng phải cắn răng chăm sóc hy vọng mùa sau sẽ khá hơn. Còn ông Thi đã chờ đợi từng ngày để nhận số tiền mà cháu ông phải trả, đến lúc đội thi hành án trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho ông thì niềm tin của ông bắt đầu đổ vỡ.
Vũ đã suy nghĩ rất nhiều và chính anh đã thật khéo khi hướng buổi làm việc tránh sự căng thẳng ông Thi như được giãi bày những khuất mắc, phần nào hiểu ra mọi chuyện, ông trầm ngâm tay vân vê cái mũ bạc than trách: “Tui cũng đâu đến nỗi bắt chẹt gì, thấy vợ chồng nó khổ, cho mượn vậy mà hứa đến hẹn trả đến nay thằng chồng trốn biệt, con vợ cứ chai ì như đá, không tức sao được". Ông thở dài rồi từ từ kể chậm rãi cho Vũ nghe cách đây 10 ngày, ông nghe tin vợ chồng anh Thân định bán nhà đi nơi khác sinh sống hòng trốn nợ ông, ông giận tím mặt, bà con lối xóm chỉ ông đến Viện kiểm sát để nhờ giải quyết, giờ mọi chuyện đã được rõ ràng, ông cũng nguôi ngoai mà chờ đợi đến mùa mía sau như anh Thân đã hứa.
Mọi người trong cơ quan đã về hết từ lúc nào, Vũ nhìn lên, kim đồng hồ đã chỉ con số 6 tròn trịa. Anh cảm thấy thật nhẹ nhõm. Hoàng hôn khép lại cảnh màn nhung tím sẫm, Vũ vừa viết xong nhật ký làm việc của một ngày căng thẳng, dòng cuối cùng thật nắn nót: “Có những người đi hết cuộc đời vẫn chưa trả được hết nợ, nhưng đáng ngại .nhất là nợ người khác lòng tin”.
Phan Thị Đầm
VKSND tỉnh Phú Yên
Xem thêm >>>
Mọi công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong tiếp cận thông tin
Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự