Có phải bồi thường tiền viện phí đã được bảo hiểm chi trả cho người bị hại?
Ngày đăng : 06:00, 26/06/2018
Nội dung vụ việc:
Vào ngày 10/02/2018, do mâu thuẫn cá nhân nên Y Khang Niê, sinh năm 1995, trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã dùng dao chém Y Huen, sinh năm 1997 gây thương tích 15%. Y Huen phải nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh 10 ngày, toàn bộ viện phí (15.000.000 đồng) đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, Y Huen không phải đóng tiền viện phí.
Ngày 06/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Y Khang Niê về tội Cố ý gây thương tích, theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Viện kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nêu trên.
Trong thời hạn điều tra, người bị hại là Y Huen yêu cầu bị can phải bồi thường tổng số tiền 50.000.000 đồng, trong đó bao gồm 15.000.000 đồng tiền viện phí. Bị can không đồng ý bồi thường số tiền 15.000.000 đồng này vì cho rằng đây không phải là số tiền do người bị hại chi trả cho Bệnh viện mà là do cơ quan Bảo hiểm chi trả. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không đưa cơ quan Bảo hiểm vào tham gia tố tụng.
Quá trình giải quyết vụ việc nêu trên, có 02 quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng (cũng là quan điểm của tác giả): Số tiền 15.000.000 đồng viện phí như đã nêu trên thì bị can không phải bồi thường, bởi vì theo quy định tại điểm a mục 5 phần I và tiểu mục 1.1, mục 1 phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, như sau:
...5. Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự
a) Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có)”.
Ảnh minh họa |
Mặt khác, tại điểm a khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, …”
Tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại:
“1. Người phạm tội phải … bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.
Như vậy với các quy định nêu trên cho thấy khoản tiền viện phí trong trường hợp này là do cơ quan Bảo hiểm chi trả từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế, không phải do người bị hại chi trả, nên người bị hại không bị thiệt hại thực tế về số tiền viện phí, vì vậy bị can không phải bồi thường. Đối với cơ quan Bảo hiểm là cơ quan thực hiện việc thanh toán viện phí theo chính sách của Nhà nước, người bị hại thuộc diện không phải đóng viện phí, nên không cần thiết phải đưa cơ quan Bảo hiểm vào tham gia tố tụng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Cơ quan bảo hiểm là cơ quan “bị thiệt hại” do phải chi trả tiền viện phí cho người bị hại, xuất phát từ hành vi trái pháp luật của bị can gây ra. Chính vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định cơ quan Bảo hiểm là “nguyên đơn dân sự” và phải đưa họ vào tham gia tố tụng để xác định mức độ thiệt hại, quan điểm về số tiền 15.000.000 đồng đã chi trả viện phí cho người bị hại.
Tác giả mong nhận được những ý kiến trao đổi, góp ý của các độc giả trong và ngoài ngành.
Xem thêm>>>
Những điểm mới về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Điểm mới về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
Trẻ đùa nhau tại trường gây thương tích, ai chịu trách nhiệm bồi thường?