Mùa World Cup: Dịch vụ cầm đồ thả phanh “cắt cổ”
Ngày đăng : 16:09, 21/06/2018
Phổ biến tình trạng vi phạm quy định lãi suất
Khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra tại Nga cũng là lúc các cửa hiệu, dịch vụ cầm đồ có một mùa làm ăn bận rộn.
Các khu vực tập trung nhiều cửa hàng cầm đồ ở Hà Nội như phố Đê La Thành, Đặng Dung, Trương Định, Đường Láng hay các khu vực gần các trường đại học, cao đẳng những ngày này tấp nập người qua lại. Hàng chục cửa hàng cầm đồ san sát nhau, biển hiệu sáng rực với những quảng cáo lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng. Bên trong chật kín xe máy các loại. Gần như các tiệm này đều thay nhau túc trực thâu đêm suốt sáng.
Dày đặc cửa hàng cầm đồ trên phố Đường Láng (Ảnh: Vietnamnet) |
Khác với những thời điểm khác, đây là dịp các cửa hiệu cầm đồ “rủ nhau” tăng lãi suất “hốt bạc”. Theo lời chia sẻ của dân buôn hiệu cầm đồ, chỉ cần một mùa World Cup là họ có thể “sống khỏe” cả năm. Có một điều luật bất thành văn của các cửa hàng cầm đồ mùa World Cup là chỉ nhận cầm cố ngắn hạn. Thông thường, thời gian tối đa để khách quay lại chuộc món đồ chỉ dao động từ 5-10 ngày. Quá thời hạn, nếu khách không đến đóng lãi hoặc gia hạn thêm thì đương nhiên món đồ coi như... “đổi chủ”. Do đó, các chủ hiệu cầm đồ thường chỉ chọn những mặt hàng có giá trị và dễ dàng thanh lý như iPad, iPhone, điện thoại đắt tiền hay xe máy.
Theo quy định, lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, nhưng hiện nay đa số cơ sở cầm đồ đều không tuân thủ quy định này. Nhằm “lách” luật, các cơ sở đều niêm yết mức lãi suất ở mức không vượt quá mức quy định nhưng sẽ tính thêm các khoản phí như phí thẩm định, phí lưu giữ tài sản cầm cố… khiến mức lãi suất thực tế bị đẩy lên gấp 4-5 lần lãi suất cho vay.
Một cửa hàng cầm đồ ở đường Bạch Mai. Do gần trường đại học Kinh tế quốc dân, đại học Bách Khoa, nên khách hàng chủ yếu là sinh viên. Họ thường cầm cố máy tính, ipad, điện thoại... (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo phản ánh của báo Đời sống và pháp lý, tại một số cửa hàng trên phố Bạch Mai, Láng Hạ, mức trung bình thường là 3000 đồng - 3.500 đồng/1 triệu/ngày.
Một cửa hàng cầm đồ ở phố Láng Hạ ra giá 15 triệu đồng cho một chiếc xe Lead còn khá mới với lãi suất là 45.000 đồng/ngày. Thấy khách có vẻ chần chừ do lãi cao, chủ tiệm trần tình: "Ở đây lãi suất thấp nhất rồi. Các tiệm dưới kia còn chém hơn”.
Chiếc laptop hiệu Acer được một tiệm cầm đồ ở Bạch Mai báo giá 3 triệu đồng với mức lãi lên đến 15.000 đồng/ngày.
Nhiều nơi có lãi suất cao hơn nếu như thấy “con mồi” đang khát bạc.
Những kẽ hở của pháp luật
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề được xếp vào loại “có điều kiện”, phải được quản lý chặt chẽ. Song, có một thực tế là dịch vụ cầm đồ đang “biến hình” khá phức tạp.
Thông tư số 33/2010/TT-BCA quy định những điều kiện có tính chất ràng buộc về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ không quá “nặng nề”. Theo đó, khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Chủ kinh doanh không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có và khi nghi ngờ hàng hóa, tài sản là do phạm tội mà có phải thông báo với cơ quan công an.
Những chiếc xe được mang đi cầm cố (Ảnh: VTC news) |
Trên thực tế, chủ cơ sở dễ dàng “lách qua” những quy định này. Những yêu cầu về giấy tờ, sổ sách hầu như không phải là vấn đề đối với dịch vụ cầm đồ. Việc chứng minh sở hữu đối với những tài sản nhỏ như đồ điện tử, điện thoại, trang sức… là không thể. Còn có “nghi ngờ” hay không lại là yếu tố mang tính chủ quan, rất khó quy kết trách nhiệm…
Quy định còn “lỏng”, lợi nhuận lại cao, ràng buộc giữa người vay và chủ cầm đồ thường không được xử lý theo pháp luật nên từ loại hình kinh doanh này rất dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm.
Theo thông tin của Hà Nội mới, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội cho biết, dịch vụ cầm đồ là một trong những phương thức để tội phạm có tính ổ nhóm “ẩn thân”, lấy tài chính và sẵn sàng gây án vì nguồn tài chính đó. Đặc biệt trong thời điểm nóng như World cup, tội phạm này càng nở rộ. Gần đây nhất, Công an quận Đống Đa khám phá ổ nhóm do Vũ Quang Hùng (SN 1981, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình) có hành vi cho vay nặng lãi, cầm cố sau đó chỉ đạo đàn em gây ra vụ án có tính chất “giết người” vì mâu thuẫn tiền bạc. Điều tra ban đầu cho thấy, Hùng lấy nguồn thu từ cho vay, cầm đồ để nuôi một số thanh niên côn đồ làm việc thu nợ; tích trữ nhiều vũ khí để sẵn sàng gây án khi đòi nợ, siết nợ…
Hoạt động cầm đồ cũng như các hoạt động cho vay tiêu dùng khác, là nhu cầu tất yếu của xã hội. Nếu “dùng đúng liều lượng” thì rất tốt khi cung cấp nhu cầu tài chính kịp thời, nhanh gọn nhằm đáp ứng cho những khách hàng có nhu cầu tín dụng nhỏ lẻ, thậm chí vài trăm nghìn đồng (điều này các công ty tài chính không đáp ứng được). Nhưng hiện nay, việc quản lý các hiệu cầm đồ chưa thực sự chặt chẽ. Ngoài ra, chúng ta cũng đang thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng, đảm bảo sự cạnh tranh, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như chính đơn vị cho vay.
Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tại Nghị định 02/CP năm 1995 và Thông tư liên bộ 02TT/LB hướng dẫn Nghị định 02/CP quy định lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2% tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.
Nghị định 96/2016/NĐ-CP được kỳ vọng tạo thêm hành lang pháp lý để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trên lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhất là với hoạt động cầm đồ.
Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ “kinh doanh dịch vụ cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố”. Về điều kiện, Nghị định cũng yêu cầu rõ, người chịu trách nhiệm về ANTT của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 5 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về một số hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.
Xem thêm>>>