Bình luận Tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động
Ngày đăng : 16:47, 19/06/2018
Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được hiểu là hành vi của người sử dụng lao động không tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật cho tất cả người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN kể từ khi đơn vị thành lập và đi vào hoạt động cho đến khi bị phát hiện, gây thiệt hại cho các quỹ BHXH cũng như cho quyền lợi của người lao động.
Hành vi không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho đủ số người lao động được hiểu là hành vi của người sử dụng lao động tuy tham gia BHXH nhưng không phải cho toàn bộ người lao động và do vậy không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho một bộ phận người lao động gây thiệt hại cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng như cho quyền lợi của người lao động. Người lao động không được đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể không được đăng ký và không được đóng BHXH, BHYT, BHTN ngay từ đầu nhưng cũng có thể do ký hợp đồng lao động sau nhưng không được người sử dụng lao động đăng ký hồ sơ bổ sung vào danh sách tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Hành vi không đóng đủ mức BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là hành vi của người sử dụng lao động đã cố ý lập chứng từ về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động không đúng theo hướng giảm so với thực tế để giảm mức đóng BHXH, BHYT, BHTN gây thiệt hại cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng như cho quyền lợi của người lao động.
Hành vi không đóng đúng hạn BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là hành vi của người sử dụng lao động cố ý không nộp đúng hạn cho cơ quan bảo hiểm số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN gồm tiền đã trích từ tiền lương, tiền công của người lao động và tiền mà người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động gây thiệt hại cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng như quyền lợi của người lao động.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm. Việc không tuân thủ nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động dẫn tới sự thâm hụt các quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Hay nói cách khác, trật tự quản lý trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN phải được coi là khách thể bảo vệ của pháp luật hình sự và trong trường hợp bị xâm phạm ở mức độ đáng kể, quan hệ xã hội trong kinh doanh bảo hiểm trở thành khách thể của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
Đối tượng tác động của tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là các quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Khách thể của tội phạm ở đây có thể bị xâm hại làm thâm hụt các quỹ BHXH, BHYT, BHTN.
Mặt khách quan của tội phạm
Thứ nhất, dấu hiệu hành vi khách quan.
Tội phạm thể hiện ở hành vi của người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định.
Hành vi vi phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của chủ sử dụng lao động là cố ý không tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động - không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tất cả người lao động.
Hành vi vi phạm ở đây là dưới dạng không hành động - không thực hiện một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc trong khi có đủ điều kiện thực hiện. Trước hết là không tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, bắt đầu là hành vi không nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN và hệ quả (cũng là mục đích của người vi phạm) là không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN và hành vi không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho đủ số người lao động chỉ khác nhau là không đóng cho toàn bộ hay không đóng cho một bộ phận người lao động trong đơn vị. Cần lưu ý ở dạng hành vi này không phải là không tham gia mà chỉ là hành vi không đăng ký đủ hoặc không đăng ký bổ sung số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Cụ thể: Mức không đăng ký đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội danh này không đóng đủ tối thiểu là 10 người.
Hành vi không đóng đủ mức BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Hành vi vi phạm ở đây là hành vi cố ý không đóng đủ mức BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (đóng theo mức thấp hơn mức thực tế phải đóng) bằng thủ đoạn gian dối khác nhau. Theo Luật BHXH và Luật BHYT, chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo đúng mức tiền lương, tiền công của người lao động. Thủ đoạn gian dối để chủ sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động không theo mức tiền lương, tiền công thực mà họ đang hưởng mà theo mức thấp hơn có thể ở các dạng khác nhau. Trong đó bao gồm cả thủ đoạn “quên” điều chỉnh để đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo mức tiền lương, tiền công mới được tăng mà vẫn đóng theo mức cũ. Trong điều luật này cũng quy định cụ thể về mức tối thiểu người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trốn đóng là từ 50.000.000 trở lên.
Lưu ý với tất cả những hành vi trên theo khoản 1 điều luật này phải đóng chậm hơn quy định ít nhất là 06 tháng.
Thứ hai, dấu hiệu hậu quả của tội phạm
Hậu quả của tội phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đó là gây thâm hụt về quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Những biểu hiện cụ thể về hậu quả của tội phạm này dẫn đến những rối loạn trong lĩnh vực bảo hiểm. Nhà nước sẽ không thu được đủ số tiền cần phải thu từ những người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Điều luật này cũng đã quy định về mức độ hậu quả thiệt hại cụ thể. Về số tiền: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng trở lên, số người: Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người trở lên. Đặc biệt, vì tính chất riêng của điều luật liên quan đến pháp nhân, do đó điều luật cũng quy định cụ thể đối với pháp nhân phạm tội quy định tại điều luật này cũng như hình phạt cụ thể đối với mỗi mức vi phạm của pháp nhân.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người thực hiện hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ về hành vi của mình là hành vi gian dối trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm, thấy trước được hậu quả của hành vi gian dối trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nào được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp. Biểu hiện mục đích của người phạm tội là của thu lợi, người phạm tội tìm cách trốn thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm bắt buộc.
Chủ thể của tội phạm
Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc cho người lao động và người lao động cũng có trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho chính mình (Điều 19 Luật BHXH, Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT). Tuy nhiên, chủ thể của hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động chỉ là người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật BHXH, khoản 4 Điều 2 Luật BHYT). Riêng người sử dụng lao động thuộc diện phải tham gia BHTN cho người lao động thuộc đơn vị mình khi sử dụng từ 10 lao động trở lên.
Như vậy, chủ thể của hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định có thể là pháp nhân hoặc cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
(Trích bài viết: “Bình luận tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo BLHS năm 2015”, của Ths. Lê Quang Thắng, Khoa cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân. Tạp chí Kiểm sát số 9/2018)
Xem thêm>>>