Kỹ năng kiểm sát việc đối chất và hỏi cung bị can trong các vụ án ma túy

Ngày đăng : 14:53, 11/05/2018

(Kiemsat.vn) - Bài viết này tác giả trao đổi một số vấn đề về kỹ năng kiểm sát việc hỏi cung bị can, đối chất trong các vụ án ma túy.


Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì “Hỏi cung bị can”, “Đối chất” là các hoạt động điều tra được Điều tra viên (ĐTV) tiến hành để xác định sự thật của vụ án. Việc đối chất được thực hiện trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì ĐTV tiến hành đối chất.
 


Quy định của pháp luật về hỏi cung bị can và đối chất

Khoản 1 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, ĐTV phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can”.

Khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì ĐTV tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, ĐTV phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất”.

Hỏi cung bị can, đối chất là những biện pháp điều tra của Cơ quan điều tra (CQĐT), do ĐTV tiến hành. Nhưng trước khi tiến hành, ĐTV phải thông báo cho Viện kiểm sát (VKS) để cử Kiểm sát viên (KSV) kiểm sát việc đối chất hoặc tham gia việc hỏi cung bị can khi xét thấy cần thiết. Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã giao cho VKS có quyền tham gia hoặc không tham gia vào hai hoạt động này của CQĐT, việc tham gia của KSV nhằm mục đích đảm bảo cho việc điều tra được khách quan, toàn diện, chứng minh được tội phạm và người phạm tội, làm sáng tỏ sự thật vụ án.

Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp có bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định rằng việc điều tra có vi phạm pháp luật hay những trường hợp khác khi KSV xét thấy cần thiết. Giống như ĐTV, việc hỏi cung của KSV cũng phải tiến hành theo quy định của BLTTHS. Nghĩa là khi hỏi cung lần đầu, KSV phải giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của bị can theo quy định tại Điều 60 BLTTHS năm 2015 và việc giải thích đó phải được ghi vào biên bản. Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì phải hỏi riêng từng người và không cho các bị can tiếp xúc với nhau. Song song với việc hỏi cung, KSV cho bị can viết bản tự khai về hành vi phạm tội của mình. Bộ luật Tố tụng hình sự cấm không cho hỏi cung vào ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau), trừ trường hợp không thể trì hoãn được. Việc hỏi cung bị can trong những trường hợp này phải ghi rõ lý do vào trong biên bản.

Biên bản trong các hoạt động tố tụng phải được lập theo theo mẫu thống nhất quy định tại Điều 133 BLTTHS năm 2015: “Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ”. Biên bản hỏi cung bị can được thực hiện theo Điều 178 BLTTHS năm 2015: “Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, ĐTV, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản. Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án”.

Theo khoản 3 Điều 189 BLTTHS năm 2015 thì “Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người. Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan; có thể cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và câu trả lời của những người này phải ghi vào biên bản”.
“Biên bản đối chất được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh” (khoản 4 Điều 189 BLTTHS năm 2015).

Kỹ năng kiểm sát việc hỏi cung bị can và đối chất trong điều tra các vụ án về ma túy

Án ma túy trong những năm gần đây thường là án lớn với nhiều bị can tham gia, số lượng tang vật thu giữ rất lớn lên đến hàng trăm bánh heroin, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Một đặc điểm nữa của án ma túy phần lớn là án “truy xét”, cho nên CQĐT phải sử dụng nhiều biện pháp để điều tra mở rộng vụ án, xử lý triệt để các hành vi phạm tội về ma túy. Khi mới phát hiện, chỉ bắt được quả tang một hay một số đối tượng, tang vật thu được ít, qua quá trình điều tra, xác định được nhiều đối tượng trong đường dây, từ đó chứng minh được các hành vi của các đối tượng đã thực hiện trước đó.

Để chứng minh rõ tội trạng của các bị can trong các vụ án ma túy, KSV, Kiểm tra viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án về ma túy cần chú ý thực hiện tốt những kỹ năng sau đây:

Kỹ năng kiểm sát việc hỏi cung bị can

Xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, thông thường có nhiều đồng phạm thực hiện nhiều giai đoạn khác nhau và có các hành vi khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó, phải tiến hành hỏi cung nhiều bị can cùng một lúc và tiến hành trong một thời gian dài mới làm rõ được tất cả các hành vi phạm tội. Chính vì vậy, Lãnh đạo VKS các cấp chỉ đạo VKS thụ lý vụ án phải tham gia trực tiếp hỏi cung với ĐTV thông qua hoạt động kiểm sát việc hỏi cung để nắm vững nội dung của vụ án ngay từ đầu, phục vụ cho hoạt động truy tố và xét xử sau này. Qua nghiên cứu một số vụ án về ma túy có tính chất điển hình đã được khởi tố, điều tra cho thấy, có khoảng 90% vụ án KSV trực tiếp kiểm sát việc hỏi cung bị can của ĐTV ít nhất là một lần. Thông qua hoạt động kiểm sát trực tiếp, việc hỏi cung bị can, KSV phối hợp với ĐTV xây dựng kế hoạch hỏi cung bị can, dự kiến trước các chiến thuật cần áp dụng, các tình huống bất lợi có thể xảy ra trong các buổi hỏi cung bị can. Việc hỏi cung có KSV tham gia không chỉ bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật mà nhiều tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ. Mặt khác, thông qua phối hợp trong hoạt động kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can của ĐTV, KSV nắm được tâm lý khai báo, thái độ khai báo của từng bị can. Đây là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn truy tố, đặc biệt là quá trình xét xử tại phiên tòa khi bị can chối tội hoặc viện dẫn lý do là ĐTV mớm cung, dụ cung, dùng nhục hình để lấy cung. Kiểm sát viên có cơ sở để phản bác lại lời khai báo gian dối của bị cáo tại phiên tòa. Mặt khác, thông qua kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can của ĐTV, KSV phát hiện những vấn đề còn mâu thuẫn, những tình tiết cần làm sáng tỏ để đề ra yêu cầu điều tra đối với ĐTV làm rõ những mâu thuẫn, tình tiết này.

Khi trực tiếp kiểm sát việc hỏi cung của ĐTV đối với bị can trong các vụ án về ma túy, KSV phải xác định rõ vị trí, vai trò của mình tránh trường hợp làm thay nhiệm vụ của ĐTV. Kiểm sát viên chỉ hỏi bị can về những nội dung của vụ án cần làm sáng tỏ, những nội dung còn mâu thuẫn chưa phù hợp với những tình tiết đã thu thập được; do đó, để kiểm sát chặt chẽ việc hỏi cung bị can trong các vụ án về ma túy, KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, loại ma túy thu giữ được, số lượng, trọng lượng và đặc điểm tang vật thu giữ cũng như phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm của bị can trong vụ án. Những thông tin về lai lịch, mối quan hệ gia đình, xã hội của bị can với các đối tượng khác trong đường dây tội phạm về ma túy và các thông tin khác có ý nghĩa trong việc điều tra mở rộng vụ án phải được KSV nắm chắc.

Trước khi tiến hành kiểm sát việc hỏi cung, KSV chủ động trao đổi với ĐTV về kế hoạch, nội dung, phương pháp tiến hành, nhất là trong những trường hợp có bị can chối tội, kêu oan…; các tình huống khi có Luật sư tham gia và đặt câu hỏi đối với bị can cũng như việc mời người phiên dịch, người giám hộ tham gia hỏi cung trong những trường hợp pháp luật tố tụng bắt buộc phải có sự tham gia của họ.

Trong khi tiến hành việc hỏi cung các bị can phạm tội về ma túy, KSV phải chú ý quan sát phòng hỏi cung, lựa chọn vị trí phù hợp để ngồi quan sát toàn bộ quá trình hỏi cung của ĐTV. Kiểm sát việc ĐTV kiểm tra lý lịch, giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can theo quy định. Đồng thời KSV cũng phải chú ý đến tình trạng sức khỏe của bị can trước khi hỏi cung và giải quyết các đề nghị của bị can (nếu bị can có đặt ra). Bên cạnh đó, KSV cũng phải quan sát thái độ của ĐTV, phương pháp hỏi cung, cách đặt câu hỏi nhằm tránh những trường hợp mớm cung, ép cung hoặc dụ cung đối với bị can; nội dung câu hỏi có tập trung vào làm rõ những vấn đề cần làm sáng tỏ trong vụ án ma túy hay không?

Kỹ năng kiểm sát việc đối chất

Đối chất là hoạt động điều tra do ĐTV tiến hành bằng hình thức lấy lời khai hai người cùng một lúc, về một vấn đề, trong cùng một vụ án nhưng vẫn còn mâu thuẫn với nhau. Do đó, đối chất trong các vụ án ma túy là hoạt động điều tra hết sức khó khăn, phức tạp do các bị can phạm tội về ma túy thường phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Chính vì vậy, chỉ khi nào không thể áp dụng các biện pháp điều tra khác để làm rõ mâu thuẫn, ĐTV mới tiến hành đối chất. Trong các vụ án ma túy do có nhiều hành vi khách quan thuộc về phương thức, thủ đoạn phạm tội, quá trình theo dõi, phát hiện, điều tra trong một thời gian dài dễ quên, nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng lại muốn che giấu tội phạm, đổ lỗi cho nhau… Do đó, có nhiều mâu thuẫn trong lời khai báo của các bị can, mâu thuẫn giữa lời khai báo của bị can với người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cần phải đối chất làm rõ.

Kiểm sát viên thông qua việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu, chứng cứ, phát hiện mâu thuẫn, xác định nội dung mâu thuẫn, nhận định nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn để từ đó xác định hoạt động đối chất của ĐTV đó đạt yêu cầu hay chưa, có cần tiến hành đối chất nữa hay không? Qua nghiên cứu các hồ sơ cho thấy các vụ án ma túy có tiến hành đối chất, CQĐT đã tuân thủ các quy định của phát luật do trong các vụ án ma túy các bị can cố tình chối tội, do đó, hồ sơ có nhiều mâu thuẫn, KSV và ĐTV qua nhiều lần trao đổi thống nhất kế hoạch đối chất đối với các đối tượng có lời khai khác nhau vì có mâu thuẫn với nhau nên khi tiến hành đối chất, các mâu thuẫn đều được giải quyết, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, còn một số trường hợp do quá trình điều tra, CQĐT không phát hiện được mâu thuẫn để tiến hành đối chất hoặc đã phát hiện được mâu thuẫn và đã tiến hành đối chất nhưng các bên vẫn giữ nguyên lời khai, do đó, mâu thuẫn không giải quyết được, đến giai đoạn truy tố VKS cũng không tiếp tục tiến hành đối chất dẫn đến giai đoạn xét xử, qua xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử phát hiện có mâu thuẫn và tiến hành đối chất tại phiên tòa nhưng cũng không làm rõ được mâu thuẫn phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thậm chí có trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng qua đối chất nhiều lần vẫn không thể làm rõ được mâu thuẫn phải chấp nhận tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của từng bị can đến đâu thì điều tra, truy tố và xét xử đến đó, mặc dù có thể nhận định vẫn còn hành vi phạm tội và người phạm tội hoặc số lượng ma túy mua bán nhiều hơn nhưng không phát hiện, thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh, do đó, không thể xử lý được

Khi tiến hành kiểm sát việc đối chất trong các vụ án ma túy, Kiểm sát viên phải chú ý thực hiện các nội dung sau:

- Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc đối chất bảo đảm các hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 189 BLTTHS năm 2015. Kiểm sát viên có thể trực tiếp hoặc phối hợp cùng ĐTV tiến hành việc đối chất. Khi trực tiếp tiến hành đối chất, KSV thông báo trước cho ĐTV biết.

- Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án chuyển sang VKS, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng thì KSV có thể tiến hành đối chất để làm rõ mà không phải trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung. Việc đối chất và lập biên bản đối chất do KSV tiến hành phải được thực hiện theo đúng quy định tại các điều 189, 178 BLTTHS năm 2015. Biên bản đối chất phải được chuyển ngay cho ĐTV để đưa vào hồ sơ vụ án.

Khi nghiên cứu biên bản đối chất do ĐTV tiến hành, KSV phải kiểm tra cả về tính hợp pháp của việc đối chất và tính có căn cứ của biên bản đối chất. Điều này được thể hiện ở các thao tác như:

- Kiểm sát viên phải kiểm tra những người được đối chất đó là ai (bị can, người bị hại, người làm chứng…); trước khi tiến hành đối chất, ĐTV đã giải thích cho họ biết về trách nhiệm từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối chưa? Điều tra viên có hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất hay không? Điều tra viên đã đọc lại biên bản đối chất cho những người có mặt nghe chưa? Những người tham gia đối chất có ký tên đầy đủ vào biên bản hoặc thêm bớt, sửa chữa nội dung nào không?

- Kiểm sát viên cần kiểm tra các câu hỏi và trả lời của biên bản đối chất xem nội dung đã giải quyết các mâu thuẫn hay chưa? Những người tham gia đối chất trả lời về những tình tiết cần làm sáng tỏ như thế nào, họ đã trình bày và giải thích về những mâu thuẫn giữa lời khai của họ với lời khai của những người khác, giữa lời khai hiện nay và trước đây ra sao? Những nội dung nào đã được giải quyết hoặc chưa được giải quyết? Tất cả vấn đề này, KSV phải ghi chép đầy đủ để báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Viện phụ trách kiểm sát điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo nhằm giải quyết đúng đắn các vụ án ma túy./.

(Trích bài viết: "Kỹ năng kiểm sát việc đối chất và hỏi cung bị can trong các vụ án ma túy" của Thạc sĩ Huỳnh Đông Bắc, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang - Nghiên cứu sinh Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, nguồn Tạp chí Kiểm sát số 02/2018)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Trần Thị Quyến, “Những điểm cần lưu ý khi kiểm sát hoạt động đối chất theo BLTTHS năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 06/2017.

3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, “Báo cáo chuyên đề một số kỹ năng về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án hình sự về tội phạm ma túy”, Báo cáo số 137/BC-VKSTC ngày 28/11/2016.

 

Xem thêm>>>

Hỏi cung bị can và các biện pháp bảo đảm quyền của bị can khi hỏi cung

Một số yêu cầu sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can của Kiểm sát viên

Kỹ năng kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can
 

TCKS số 02/2018.