Hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại lộng hành do đâu?

Ngày đăng : 12:07, 18/04/2018

(Kiemsat.vn) - Do đâu những vi phạm về sở hữu trí tuệ, bao gồm hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại và việc xử lý nhưng vi phạm này, dường như chưa hiệu quả và như bắt cóc bỏ đĩa?

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia ) thì trong năm 2017 có đến 226.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại. Con số này tăng 1,15% so với năm 2016. Trong số này, số vụ hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại chiếm một con số không hề nhỏ. Rõ ràng, đây là một con số khổng lồ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi của nhà sản xuất chân chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. 

Phải chăng, các quy định của pháp luật chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe?

Các vi phạm về sở hữu trí tuệ hiện được pháp luật VN quy định ba hình thức xử lý là hình sự, hành chính và dân sự.

Tuy nhiên, hiện các vụ việc bị xử lý hình sự, (với hai tội danh là tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), còn quá ít. Nguyên do là các quy định về định khung chưa rõ ràng, ví dụ như quy định về hàng hóa xâm phạm phải có “quy mô thương mại”, trong khi không hề có một định lượng nào về quy mô thương mại. Đội ngũ cán bộ thực thi như cán bộ điều tra, truy tố, xét xử  không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ. Nhiều khi, việc xử lý hành chính hay hình sự còn chồng lấn lên nhau.

Các biện pháp xử lý hành chính thì được đánh giá là không đủ sức răn đe. Bởi vì hình phạt chính chỉ là phạt tiền với mức phạt không quá 250 triệu đồng theo quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm thì khi thực hiện còn nhiều vướng mắc, không phải lúc nào cũng áp dụng được vì nhiều lý do khác nhau.

Đối với biện pháp xử lý dân sự, chủ yếu là khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại của chủ thế quyền, thì thủ tục tố tụng quá lâu, việc cung cấp xác định chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thủ tục xin  áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn các vi phạm sâu hơn, ngăn chặn các thiệt hại lớn hơn quá khó khăn và không phải dễ gì để người có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chấp thuận ngay. Tâm lý chung, đa phần các chủ thể quyền ngại áp dụng biện pháp dân sự do quá mất nhiều thời gian, mất nhiều công sức để thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền.

Ảnh minh họa

Trên thực tế các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại luôn nhắm đến là các mặt hàng đã tạo dựng được uy tín với người tiêu dùng để thực hiện hành vi xâm phạm. Do đó, nguồn lợi thu được từ việc sản xuất hàng vi phạm quyền sở hữu trí thuệ, gian lận thương mại  là rất lớn.

Khi đã chủ động rồi, họ luôn có ý thức che giấu tối đa nơi vi phạm, hàng hóa luôn che giấu xuất xứ, và luôn ở tình trạng hàng “trôi nổi trên thị trường”.  Đây là các khó khăn rất lớn của cơ quan thực thi khi truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như các tang vật vi phạm khác.

Nhiều mặt hàng bị vi phạm có tính chất mùa vụ. Ví dụ, đối với hàng thực phẩm, rượu bia thường được làm giả tập trung vào dịp Tết, hàng nước giải khát được sản xuất vào muà hè. Khi cơ quan chức năng nhận được tin báo, hoặc khi chủ thể quyền phát hiện ra thì có khi hàng hóa, tang vật vi phạm đã được tiêu thụ hết. Một số mặt hàng thì với đa số hiểu biết thông thường của tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu thì rất khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái. Trong khi đó, hậu qủa của những hàng giả, hàng nhái này với người tiêu dùng là vô cùng lớn

Nhiều mặt hàng xa xỉ phẩm như rượu ngoại, nước hoa, mỹ phẩm, hàng thời trang,  thì các vi phạm lại vô cùng tinh vi, khó phân biệt.

Ngoài ra, trong môi trường internet phát triển, nhiều hành vi vi phạm lại diên ra trên môi trường mạng, với các trang web có tên miền quốc tế, các mạng xã  hội, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cũng là môi trường thuận lợi khiến  các vi phạm trở nên tinh vi vi, linh hoạt, dễ xóa dấu vết và rất khó xử lý

Đối với các cơ quan thực thi như hải quan, quản lý thị trường, công an kinh tế, bộ đội biên phòng…thì rất nhiều chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sở hữu trí tuệ nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý. Đội ngũ cán bộ mỏng, địa bàn, môi trường rộng không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của việc xử lý.

Như vậy, mặc dù đã có các quy định của pháp luật, các chế tài xử lý các hành vi gian lận thương mại, sản xuất  hàng giả, hàng nhái nhưng quy định còn chưa khoa học, chồng chéo, hình phạt chưa đủ sức răn đe, thời gian xử lý lâu, thủ tục phức tạp, lực lượng thực thi mỏng, chuyên môn chưa sâu, trong khi đó, những lợi ích bất hợp pháp của việc vi phạm đem lại quá lớn khiến các đối tượng vi phạm mờ mắt và sẵn sàng bất chấp tất cả để hòng thu lợi bất chính.

Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (trước đây là TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVNFTA), nơi mà các yêu cầu về thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất cao , yêu cầu trừng phạt nặng các hành vi xâm phạm quyền sờ hữu trí tuệ như hàng giả, háng nhái, hàng gian lận thương mại.

Theo CPTPP rất nhiều hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được hình sự hóa (Việt Nam thường xử lý hành chính nhiều hơn).  Vì vậy, nhu cầu đặt  tra cấp thiết là phải tăng cường nhận thức của người tiêu dùng, tăng cường năng lực cả về chuyên môn lẫn phương tiện vật chất cho đội ngũ thực thi bảo vệ quyền. Đồng thời rà soat, sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm cho phù hợp với các quy định của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới theo hướng hình sự hóa, nghiêm khắc hơn, nhanh chóng, triệt để để đáp ứng các cam kết quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các nhà sản xuất chân chính, đảm bảo lợi ích của xã hội và của cả nền kinh tế.

Xem thêm>>>

Siết chặt xử lý VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm

Hàng giả, hàng kém chất lượng: Cuối năm lại “bùng phát”

Hàng hóa thế nào là hàng giả?

LS. Lê Ngọc Sơn