Chấm dứt hợp đồng khi người lao động đang nghỉ thai sản có vi phạm pháp luật?

Ngày đăng : 08:28, 13/04/2018

(Kiemsat.vn) - Tôi làm việc cho một công ty tư nhân tại Hà Nội theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, đầu tháng 4/2018, tôi đi làm trở lại thì nhận thông báo công ty đã tuyển người thay thế và đơn phương chấm dứt HĐLĐ với tôi. Việc chấm dứt HĐLĐ như vậy có trái pháp luật không? và họ có nghĩa vụ gì đối với tôi?

Hình minh họa (nguồn: internet)

Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời như sau:

Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như sau:

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tóa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động....”

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện tại bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi và hợp đồng lao động bạn ký với công ty là hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là không đúng quy định của pháp luật.

Vì  chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên theo quy định tại Điều 42 BLLĐ năm 2012, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm như sau:

"1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 của bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 của bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

Như vậy, phía công ty phải có nghĩa vụ nhận bạn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương theo HĐLĐ.

Nếu công ty vẫn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì bạn có thể làm đơn khiếu nại tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty bạn đặt trụ sở hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xem thêm >>>

Có được tiếp tục dùng thẻ BHYT khi đã chấm dứt hợp đồng lao động?

Bắt buộc đóng BHXH cho hợp đồng lao động 1 tháng - nên có cơ chế "mềm"?

Cẩm Thi