Xem xét dừng thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh

03/06/2020 11:05

(kiemsat.vn)
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.

Chưa đạt yêu cầu

Theo báo cáo, các địa phương thực hiện hợp nhất cũng cho biết còn một số tồn tại. Đó là việc văn phòng chung thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau nên khó đảm bảo tính khách quan, khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho 2 hệ thống cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Việc hợp nhất 3 văn phòng còn mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Thời gian thí điểm hợp nhất ngắn nên văn phòng chưa thể sắp xếp, điều động công chức quản lý cho phù hợp để đảm bảo số lượng cấp phó tại các phòng, ban chuyên môn theo quy định.

Sau khi hợp nhất, chánh văn phòng phải đảm nhận khối lượng lớn công việc nên công tác chỉ đạo, điều hành gặp khó khăn khi vừa tham mưu UBND triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tham mưu với đoàn ĐBQH, HĐND trong việc giám sát UBND. Nhìn chung, đa số các địa phương thực hiện thí điểm kiến nghị chỉ nên thực hiện hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH với văn phòng HĐND và giữ nguyên văn phòng UBND. Thống nhất với đề xuất này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương được tiếp tục duy trì mô hình thí điểm cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ban hành và có hiệu lực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: thực hiện không đạt yêu cầu thì cho về như hiện hành 


Theo Uỷ ban Pháp luật (UBPL), do thời gian thực hiện thí điểm mới hơn 1 năm nên việc tồn tại một số vướng mắc, bất cập nêu trên là có thể lý giải được. Tuy nhiên, những kết quả và hạn chế, bất cập này chỉ là những đánh giá, nhận định ban đầu. Uỷ ban Pháp luật kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 580. Trong quá trình tổng kết, cần có sự phối hợp, tham gia ý kiến của đoàn ĐBQH, HĐND, UBND nơi thực hiện thí điểm, của các chuyên gia, nhà khoa học thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo cũng như qua khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế để có sự đánh giá khách quan, toàn diện về hoạt động của văn phòng. 

UBPL cũng cho biết, theo phản ánh của các ĐBQH, bộ máy giúp việc cho đoàn ĐBQH luôn trong tình trạng nhập rồi lại tách, tách rồi lại nhập, không ổn định, gây tâm tư và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tổng kết kỹ lưỡng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc các đoàn ĐBQH để đề xuất được mô hình bộ máy giúp việc phù hợp, khoa học, hiệu quả, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

Không đạt yêu cầu thì cho về như hiện hành

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, UBTVQH đã chấp hành nghiêm túc ý kiến của Trung ương, của Quốc hội về tiến hành thí điểm hợp nhất. Với các địa phương, 11 tỉnh, thành chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và UBTVQH, một đơn vị không chấp hành nghiêm túc là TPHCM (vì chỉ hợp nhất 2 văn phòng thay vì 3 văn phòng). Theo đúng yêu cầu thí điểm đến 31/12/2019 đã phải tổng kết nhưng đến nay mới thực hiện là chậm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: đề nghị cho trở lại 3 văn phòng như cũ

Cho biết bản thân đã dự các hội nghị của HĐND của hầu hết địa phương được thí điểm, bà Tòng Thị Phóng cho biết các ý kiến đều không đồng tình với việc hợp nhất. Do đó báo cáo cần đánh giá cho sát, trong đó về hiệu quả sắp xếp được bao nhiêu nhân sự, hiệu quả kinh tế tiết kiệm được bao nhiêu tiền, đổi mới phong cách của cán bộ sau sắp xếp ra sao... Từ thực tế trên, bà Tòng Thị Phóng đề nghị cho trở lại 3 văn phòng như cũ vì bước đầu thấy đạt yêu cầu thấp và đúng với Nghị quyết là thí điểm đến 31/12/2019.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cái gì chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì chưa vội sửa luật. Việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đa số ý kiến cho rằng thực hiện không đạt yêu cầu thì cho về như hiện hành. Còn vấn đề có nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND hay không phụ thuộc vào việc xin ý kiến địa biểu để sửa Luật Tổ chức Quốc hội sắp tới.

“Giờ chưa sửa luật thì về như cũ vì giờ tiếp tục thực hiện thì dựa theo cái gì? Sau 1 năm tôi thấy không thành công, hết thí điểm thì trở về như cũ, cái gì chưa rõ thì thảo luận tiếp” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, đây là chủ trương thí điểm, nếu kết quả tốt thì nhân rộng, nếu chưa chín, chưa thống nhất, chưa đồng thuận cao, thì giữ như cũ. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thí điểm và trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo với Trung ương, Bộ Chính trị về việc đã thực hiện thí điểm nhưng chưa đạt kết quả, mong muốn như tinh thần Nghị quyết 18 - Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

(Kiemsat.vn) - Sáng 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đã khai mạc trọng thể tại Toà nhà Quốc hội. Kiểm sát Online xin đăng Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hôm nay, khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Kiemsat.vn) - Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của QH về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang