Vướng mắc trong cưỡng chế thi hành án đối với tài sản thuộc sở hữu chung

16/01/2017 01:57

Điều 74 Luật Thi hành án dân sự về cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung quy định: “1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữa tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì […]

Điều 74 Luật Thi hành án dân sự về cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung quy định:

“1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữa tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày… các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung… Người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung…”.

Thực tiễn cho thấy việc cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người, nhất là quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn, vì Điều 74 chưa quy định cụ thể về khởi kiện như thế nào, mà chỉ quy định các người đồng sở hữu chung; người được thi hành án và Chấp hành viên được khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Quy định như trên đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, hạn chế việc đương sự tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định trên vào thực tế đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do chưa có quy định chi tiết, thiếu sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

Thứ nhất, mặc dù cơ quan Thi hành án đã thông báo cho những người đồng sở hữu biết về việc kê biên tài sản để bảo đảm cho việc thi hành án, nhưng có nhiều người đồng sở hữu không thực hiện việc khởi kiện để xác định phần sở hữu của mình trong khối tài sản chung vì tâm lý lo ngại kiện tụng và không muốn mất thời gian, tiền bạc, công sức cho viện kiện tụng.

Thứ hai, người phải thi hành án có phần tài sản trong tài sản chung mà cố tình không tự nguyện thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nhưng để xác định đúng phần thuộc sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì phải do các đồng sở hữu chung thỏa thuận. Vì người phải thi hành án không tự nguyện nên việc tự thỏa thuận không thể đạt được, mà người đồng sở hữu chung (thường là anh em ruột) cũng không thực hiện việc khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án.

Nếu các đồng sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án khởi kiện. Thực tế có trường hợp người được thi hành án không thực hiện quyền khởi kiện thì Chấp hành viên phải thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên, việc người được thi hành án hay Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là khó khả thi, vì không thể đưa ra được những chứng cứ chứng minh phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.

Thứ ba, khi chia tài sản sở hữu chung thường xảy ra trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó (Ðiều 224 Bộ luật Dân sự). Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu không thể chia phần quyền sở hữu này vì bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ.

Thứ tư, đối với tài sản là quyền sử dụng đất, theo quy định của pháp luật về đất đai thì quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, nhưng căn cứ để xác định phần quyền sử dụng của từng cá nhân trong hộ gia đình chưa có quy định cụ thể theo hộ khẩu thường trú tại thời điểm khởi kiện hay là theo nhân khẩu tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay theo quan hệ huyết thống. Vậy, trong thực tế, Tòa án đã từ chối không thụ lý đối với yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung vì thiếu căn cứ để xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.

Luật Thi hành án dân sự đã quy định đầy đủ mọi trường hợp để có thể xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục các đối tượng trên được khởi kiện tại Tòa án như thế nào. Do vậy, có trường hợp xác định người phải thi hành án có điều kiện để thi hành án là tài sản chung với một số đồng sở hữu tài sản chung khác nhưng do chưa có hướng dẫn quy định cụ thể tư cách tố tụng của các chủ thể khi có yêu cầu khởi kiện chia tài sản chung (tư cách tố tụng của người được thi hành án, Chấp hành viên) cũng như thủ tục Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu chia tài sản chung trong trường hợp theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự như thế nên không thể xác định được kỷ phần của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự./.

                                                                                            Hoàng Anh

                                                                             VKSND huyện U Minh Thượng, Kiên Giang

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang