VKSND huyện Năm Căn: Kháng nghị dân sự vụ “Tranh chấp về thừa kế tài sản”

15/03/2017 03:56

(kiemsat.vn)
Điều 4 và Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có quy định khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, kiến nghị.

Phiên tòa dân sự tại TAND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau

Vụ “Tranh chấp về thừa kế tài sản” được TAND huyện Năm Căn đưa ra xét xử ngày 19/8/2016. Nội dung tranh chấp tài sản thừa kế của cụ Lâm Văn Nghiệm gồm 02 quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản có tổng diện tích 52.897m2 tọa lạc tại ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn được định giá hơn 1 tỷ đồng. Cụ Nghiệm có 10 người con.

Sau khi cụ Nghiệm qua đời, bà Lâm Ngọc Minh (con gái ông Nghiệm) đưa ra bản di chúc có chữ ký của cụ Nghiệm di chúc cho vợ chồng bà Minh hai thửa đất nói trên. Nhận thấy di chúc có nhiều điểm khuất tất, không khách quan nên 09 anh chị em của bà Minh khởi kiện bà Minh, yêu cầu Tòa án hủy di chúc để chia thừa kế theo pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án huyện Năm Căn đã căn cứ vào chữ ký của cụ Nghiệm trong bản di chúc và chữ ký chứng thực của Chủ tịch Ủy ban nhân xã Hàng Vịnh; bà Minh là người trực tiếp chăm sóc cụ Nghiệm… để nhận định di chúc là hợp pháp, đúng ý chí của cụ Nghiệm, qua đó bác yêu cầu của nguyên đơn.

Qua kiểm sát xét xử vụ án nói trên, Kiểm sát viên VKSND huyện Năm Căn thấy rằng cụ Nghiệm không trực tiếp lập di chúc, di chúc được cán bộ xã đánh máy tại bệnh viện. Trong trường hợp này, người viết hộ phải ký xác nhận vào bản di chúc để thể hiện đúng ý chí của người lập; mặt khác cụ Nghiệm đang điều trị tại Bệnh viện thì phải có xác nhận của y, Bác sĩ điều trị đúng theo quy định của pháp luật. Tuy bản di chúc có chữ ký chứng thực của chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh nhưng việc chứng thực này không đúng quy định vì cụ Nghiệm không ký trước mặt người chứng thực (di chúc được chứng thực tại trụ sở UBND). Di chúc được lập thì hai ngày sau cụ Nghiệm qua đời tại bệnh Viện thì khó có cơ sở để xác định cụ Nghiệm có minh mẫn, tỉnh táo hay không. Ngoài ra di chúc được lập không ghi ngày, tháng, năm; nơi lập; di chúc không đánh số từng trang là không đúng theo quy định của pháp luật.

Bản án sơ thẩm tuyên xử nhận định di chúc hợp pháp để bác yêu cầu của người khởi kiện là chưa đảm bảo có căn cứ đúng theo quy định tại các Điều 650, 652, 653, 655, 656 và Điều 660 của Bộ luật dân sự quy định về thừa kế theo di chúc nên Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, chia di sản thừa kế theo pháp luật. Kháng nghị của Viện kiểm sát được cấp phúc thẩm nhận định là có cơ sở nên sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2016/DS-ST ngày 19/8/2016, không công nhận di chúc của cụ Nghiệm lập ngày 02/5/2014 là hợp pháp, chia thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản của cụ Nghiệm.

Qua vụ án nói trên, để làm tốt công tác kháng nghị dân sự thì đòi hỏi Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ tất cả các tài liệu chứng có trong hồ sơ vụ án xâu chuỗi lại một cách toàn diện. Việc nhận định đánh giá chứng cứ hết sức tỉ mỉ, phải luôn vô tư, khách quan và, quan trọng nhất là việc áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết đúng đắn của vụ án. Kiểm sát viên phải có quan điểm rõ ràng trong đề xuất với lãnh đạo duyệt đường lối giải quyết, tránh trường hợp bị động khi bản án tuyên khác quan điểm với Viện kiểm sát, lúc này phân vân nên kháng nghị hay không kháng nghị, và một yêu tố cũng không thể thiếu là niềm tin nội tâm về khả năng cấp phúc thẩm chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị. Từ đó quyết định đúng đắn trong việc ban hành kháng nghị phúc thẩm, tránh trường hợp bị Viện kiểm sát cấp trên rút kháng nghị hoặc không được cấp xét xử phúc thẩm chấp nhận.

Trần Văn Đô/VKSND huyện Năm Căn

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang