Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (22/1-26/1)

27/01/2018 09:26

(kiemsat.vn)
Mời quý vị và các bạn cùng Kiemsat.vn điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần qua.

1. Học tập, quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VKSND tối cao; các đồng chí Đảng ủy viên VKSND tối cao; Ủy viên Ủy ban kiểm tra Đảng ủy; Bí thư Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ VKSND tối cao tham dự Hội nghị.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư  Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Năm 2017, Đảng ủy VKSND tối cao đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, đặc biệt là các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; toàn Ngành tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ, kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị

... và trao Giấy khen cho các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2017

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu của năm 2017 như: Không có tổ chức đảng yếu kém, tỷ lệ đảng viên bị thi hành kỷ luật về đảng không tăng; công tác phát triển đảng viên tăng 3,6%... Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đã kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và phòng ngừa sai phạm; thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, giám sát của Đảng; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng đảng của đảng bộ có nhiều chuyển biến về chất lượng. Đảng viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, lề lối tác phong công tác, tiếp xúc với nhân dân.

Các đại biểu dự hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và biểu dương các chi bộ, đảng viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2017. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh: Để xây dựng Đảng bộ VKSND tối cao ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh thì nhiệm vụ đầu tiên cần phải xác định quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng như học tập, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; Chỉ thị số 15 và 50 của Bộ Chính trị, trong đó lưu ý đến trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của từng cơ quan, đơn vị, gắn với việc nâng cao chất lượng hoạt động công tác xây dựng đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng ngành và công tác tổ chức cán bộ cần có sự gắn kết để có thể phân loại và đánh giá chất lượng cán bộ một cách tổng quát; tăng cường công tác phối hợp giữa Thanh tra và Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy; đồng thời, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu, các Đảng bộ, Chi bộ cần tăng cường công tác quản lý, rèn luyện giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiện tốt phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả” quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành KSND.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao tặng huy hiệu đảng cho đồng chí Phương Hữu Oanh và đồng chí Lê Ngọc Khánh

2. Trao quyết định chuẩn y, bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy VKSND tối cao

Vừa qua, Đảng ủy VKSND tối cao tổ chức Lễ công bố, trao Quyết định chuẩn y, bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì buổi lễ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao các Quyết định tại buổi lễ

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao công bố Quyết định số 1136-QĐ/ĐUK ngày 03/01/2018 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về việc chuẩn y, bổ sung đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào Ban Thường vụ Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2015 - 2020; Quyết định số 02-QĐ/ĐU ngày 15/01/2018 của Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm đồng chí Hoàng Hồng Hiếu giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bí thư Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao chúc mừng các đồng chí được nhận quyết định. Đồng chí tin tưởng các đồng chí được giữ những cương vị mới của Đảng ủy sẽ phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong sạch vững mạnh.

3. Tạp chí Kiểm sát gặp mặt Cộng tác viên đầu xuân 2018

Sáng 25/01, Phó Viện trưởng VKSNDTC Bùi Mạnh Cường tới dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị Cộng tác viên đầu xuân 2018 do Tạp chí Kiểm sát tổ chức. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các Vụ của VKSND tối cao, lãnh đạo TANDTC, VKSQS Trung ương, Truyền hình Công an nhân dân cùng các Cộng tác viên thường xuyên trong và ngoài ngành kiểm sát.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Năm 2017, Tạp chí Kiểm sát đã nhận được gần 1.000 bài viết của các tác giả gửi đến cho Tạp chí in; đã biên tập và sử dụng gần 300 bài đăng trên 24 số tạp chí và trên tạp chí Kiểm sát điện tử. Bên cạnh đó, với sự cộng tác hiệu quả của các tác giả trong và ngoài ngành cho các chuyên mục, tạp chí Kiểm sát điện tử đã đăng 3.650 tin, bài, hơn 700 video clip; truyền hình Kiểm sát nhân dân đã phát sóng 26 chương trình và hơn 200 tin về các hoạt động của ngành.

Đồng chí Nguyễn Như Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát khẳng định những kết quả Tạp chí Kiểm sát đạt được trong năm qua có sự đóng góp hết sức quan trọng của Viện kiểm sát các cấp, các cơ quan hữu quan và của đội ngũ Cộng tác viên thân thiết của Tòa soạn. Hội nghị Cộng tác viên thường niên của Tạp chí kiểm sát là dịp để tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tòa soạn bày tỏ sự tri ân và chúc mừng năm mới tới những Cộng tác viên thường xuyên của đơn vị. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, sự cộng tác, trao đổi thường xuyên với các Cộng tác viên để nâng cao chất lượng, tính nghiệp vụ chuyên ngành và tính thực tiễn của Tạp chí in và các ấn phẩm khác.

Đồng chí Nguyễn Như Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Lâm Huy Chiêu, Phó Tổng Biên tập Tạp chí kiểm sát

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Bùi Mạnh Cường ghi nhận, biểu dương những thành tích, những bước phát triển  mà Tạp chí Kiểm sát đã đạt được trong những năm qua và trân trọng cảm ơn sự cộng tác chất lượng, hiệu quả của các nhà khoa học, các cộng tác viên. Tạp chí Kiểm sát đã bám sát sự chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo VKSND tối cao và luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, thực sự là một Tạp chí tin cậy về trao đổi lý luận khoa học pháp lý và công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; nghiên cứu, trao đổi về nghiệp vụ của ngành Kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Đại biểu tham dự Hội nghị

 4. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp

Sáng 22-1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiến hành Phiên họp thứ 13. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp.

Tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2017, trong đó tập trung làm rõ những ưu điểm, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn công tác; đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2018.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiến hành Phiên họp thứ 13. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp.
(Ảnh VOV)

Về nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nêu rõ, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế- xã hội và phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc; chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm 2017 đã làm được nhiều việc, nhưng năm 2018 còn nhiều việc phải làm. Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, bền bỉ, kiên trì, hiệu quả hơn. Có như vậy, mới củng cố được niềm tin trong nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

5. Bộ Công an và Bộ GTVT chỉ đạo các biện pháp xử lí hành vi gây rối tại các trạm BOT

Ngày 24-1, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018. Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đồng chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Hội nghị nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82, ngày 18-1-2018 để đánh giá, nhìn nhận những kết quả đã đạt được trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong thời gian qua; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để khắc phục. 

Bộ trưởng Tô Lâm nêu 3 vấn đề lớn yêu cầu phải giải quyết được trong thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đó là: Giảm tai nạn giao thông (TNGT); chống ùn tắc và đảm bảo an ninh, trật tự tại các trạm thu phí BOT.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Sở Giao thông vận tải các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ; cần phối hợp với các cơ quan chức năng vận động bà con thực hiện nghiêm các quyết định đang thực hiện. “Tôi yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Sở Giao thông vận tải các tỉnh cùng với các nhà đầu tư BOT phải thu thập được tất cả các hành vi gây rối cung cấp cho Cơ quan Công an xem xét, có căn cứ xử lí nghiêm các trường hợp cố tình chống phá chính sách của Nhà nước ta”- ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Về bảo đảm ANTT, chống ùn tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng tại các Trạm thu giá BOT, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động cả hệ thống chính trị, người dân tham gia công tác bảo đảm ANTT, duy trì TTATGT chủ động nắm chắc tình hình; ngăn chặn, xử lí các đối tượng cố tình vi phạm, cản trở giao thông, kích động, gây rối, chống phá tại các trạm BOT, xử lí nghiêm các trường hợp phát tán thông tin không đúng sự thật lên mạng Internet. Cục CSGT hướng dẫn, hỗ trợ Công an các tỉnh xác minh, xử lí các trường hợp cản trở, mất TTATGT.

6. U23 Việt Nam hiên ngang vào chung kết

Các cầu thủ Việt Nam tiếp tục tạo nên một kì tích khi vượt qua đối thủ U23 Qatar trên chấm phạt đền.

 Quang Hải tiếp tục là điểm sáng của U23 Việt Nam với một cú đúp.

Hòa 2-2 trong hai hiệp chính và 30 phút hiệp phụ, U23 Việt Nam và U23 Qatar phải phân định thắng thua trên chấm phạt đền. Ở những loạt đá cân não, đối thủ sút hỏng 2 lần, trong khi chỉ mình Quang Hải hỏng ăn ở khoảng cách 11 mét. Chung cuộc, U23 Việt Nam tạo nên một kì tích khi vào lọt đến trận Chung kết U23 Châu Á. Một cơn địa chấn thật sự!

7. Tòa tuyên án 13 năm tù với ông Đinh La Thăng, chung thân với Trịnh Xuân Thanh

Sau nhiều ngày nghị án, sáng nay, 22/01/18, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm.

Theo nhận định của HĐXX, căn cứ vào lời khai của các bị cáo và những người tham gia tố tụng, kết quả giám định tư pháp, tranh luận tại phiên toà,… Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Thực thi BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), căn cứ Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017, áp dụng  nguyên tắc, tình tiết theo hướng có lợi cho bị cáo, hành vi “Tham ô tài sản” của các bị cáo trong phiên toà được áp dụng xét xử theo điểm a khoản 4 Điều 303 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xét xử theo khoản 3 Điều 165 BLHS 1999.

HĐXX tuyên phạt các bị cáo.

- Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT (nay là hội đồng thành viên) PVN 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.

- Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC - 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung bị cáo Thanh phải chấp hành là tù chung thân, phạt tiền 50 triệu đồng.

- Đối với bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, mỗi bị cáo 9 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Vũ Đức Thuận: 22 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù, phạt tiền 30 triệu đồng

- Nguyễn Anh Minh: 16 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù, phạt tiền 30 triệu đồng

- Lương Văn Hoà: 10 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù, phạt tiền 30 triệu đồng

- Bùi Mạnh Hiển: 10 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Ninh Văn Quỳnh: 7 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Lê Đình Mậu: 4 năm 6 tháng tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Nguyễn Ngọc Quý: 6 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Nguyễn Mạnh Tiến: 6 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Phạm Tiến Đạt: 4 năm 6 tháng tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Nguyễn Thành Quỳnh: 8 năm tù, phạt tiền 30 triệu đồng

- Lê Thị Anh Hoa: 3 năm án treo

- Nguyễn Đức Hưng: 3 năm án treo

- Lê Xuân Khánh: 3 năm án treo, phạt tiền 20 triệu đồng

- Nguyễn Lý Hải: 3 năm án treo, phạt tiền 20 triệu đồng

- Vũ Hồng Chương: 3 năm án treo, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Trần Văn Nguyên: 30 tháng án treo, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

- Trương Quốc Dũng: 17 tháng tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù

Các bị cáo Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Đức Hưng, Lê Xuân Khánh, Nguyễn Lý Hải, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Huyên được trả tự do ngay tại phiên toà nếu không bị giam về tội khác.

8. Xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng tội tham ô tài sản

Ngày 24/1, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà cùng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) và các đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” xảy ra trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza. Các bị cáo bị cáo buộc chiếm đoạt số 49 tỉ đồng tiền chênh lệch trong thương vụ này. Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng - em trai Đinh La Thăng và đồng phạm về tội Tham ô tài sản dự kiến kéo dài đến ngày 6/2.

HĐXX 5 năm người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền ngồi ghế chủ tọa. Tòa cũng bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa.

sang nay xet xu trinh xuan thanh, dinh manh thang toi tham o tai san hinh 1
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa trong phiên xét xử vụ án xảy ra tại PVN và PVC. Ảnh: TTXVN

Trong vụ án này, có 8 bị can bị truy tố về cùng tội Tham ô tài sản gồm: Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC); Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam(PVP Land); Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land); Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà); Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc công ty CP đầu tư Vietsan); Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty CP Minh Ngân); Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên kế toán trưởng công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty CP Minh Ngân) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do). 

VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định.

Viện KSND Tối cao đánh giá, trong giai đoạn điều tra, ông Thanh và Thắng đã trả lại 19 tỷ đồng chiếm đoạt nên được coi là có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trước đó, ngày 22/1, TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về tội tham ô tài sản và 14 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là chung thân trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC./.

9. VKSND tối cao phê chuẩn lệnh bắt và khám xét nhà nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin

Theo nguồn tin riêng của báo Bảo vệ pháp luật, tối ngày 25/1/2018, VKSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, lệnh bắt và khám xét nhà ông Nguyễn Ngọc Sự (sinh năm 1957), nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Theo đó, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Ngọc Sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự. Cùng đó là lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Ngọc Sự cũng được phê chuẩn.

 
Ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin 

Cũng trong tối 25/1/2018, Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công An (C46) đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét tại nhà riêng đối với ông Nguyễn Ngọc Sự theo đúng quy định của pháp luật.

 

PV
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang