Tuần làm việc thứ 4: Quốc hội làm rõ tính chủ động trong PCCC

17/11/2019 11:39

(kiemsat.vn)
Mỗi năm xảy ra hơn 3.200 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1600 tỷ đồng và 1600 ha rừng.

Tuần qua, Quốc hội đã kết thúc tuần việc thứ 4 với nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý, Quốc hội thông qua các Nghị quyết: về phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt Quốc hội đã dành cả 1 ngày trong chương trình kỳ họp để bàn về phòng chống cháy nổ, đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động về vấn đề này.

tuan lam viec thu 4: quoc hoi lam ro tinh chu dong trong pccc hinh 1
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà báo cáo giải trình trước Quốc hội, chiều 13/11

Hội trường Diên Hồng trong phiên trực tiếp, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018 đã rất “nóng” với những nỗi lo về cháy nổ đang trở thành thường trực đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội. Những con số mà đoàn giám sát đưa ra khiến nhiều người phải “giật mình”. Trong đó, đáng chú ý trung bình mỗi năm xảy ra hơn 3.200  vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1 nghìn 600 tỷ đồng và thiệt hại 1 nghìn 600 ha rừng.

Phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, các đại biểu quốc hội đều cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đã dẫn chứng lời cử tri phản ánh trường hợp đốt chợ để phục vụ cho “lợi ích nhóm”, để xây dựng chợ mới. Hay đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương thẳng thắn đặt câu hỏi về tình trạng 4 “không” sau 21 lần kiểm tra liệu đã đủ để làm đậm thêm bức tranh “ám khói” về thực trạng công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy hay chưa?... Nhiều đại biểu đánh giá, cháy không còn là vấn đề sơ suất, không còn do chập điện mà còn có nguyên do chính con người. Do đó, phải đề cao trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm, thậm chí xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, các bộ ngành địa phương để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn.

Lên tiếng nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng để xảy ra cháy ở những chung cư, nhà cao tầng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận nhà chung cư cao trên 150m chưa có quy chuẩn cụ thể, nhất là phòng cháy, chữa cháy; vẫn nhiều bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Đã có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát; chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát về phòng cháy chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động trong việc phòng chống cháy nổ : “Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, để nhận ra “lỗ hổng”. Cần phải truy trách nhiệm của các bên liên quan. Đó là những lỗ hổng trong văn bản hướng dẫn. Chúng tôi đi giám sát thì có sự chồng chéo, bất cập, lạc hậu không chỉ pháp luật về phòng cháy chữa cháy mà các lĩnh vực liên quan đến xây dựng, giao thông, điện lực”.

tuan lam viec thu 4: quoc hoi lam ro tinh chu dong trong pccc hinh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp.

"Có vi Hiến hay không?" Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội. Không chỉ tranh luận với cơ quan soạn thảo, các đại biểu còn tranh luận tại hội trường nhằm làm rõ cơ sở pháp lý và các căn cứ của việc thí điểm lần này.

Điều khiến đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau băn khoăn, đó là “cơ sở pháp lý mà Tờ trình của Chính phủ đề cập chưa vững chắc”, nhất là những nội dung liên quan đến cấp phường. Mang cuốn Hiến pháp năm 2013 vào Nghị trường, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ quan điểm “những gì đụng đến Hiến pháp đều không được phép”, đồng thời đề nghị, Quốc hội “hết sức cẩn trọng” khi xem xét, thảo luận về dự thảo Nghị quyết này: “Điều 110 của Hiến pháp quy định phường là 1 đơn vị hành chính. Tiếp theo, Hiến pháp quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở cấp đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thứ 2, điều 111 ở khoản 2 quy định Chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND ở đơn vị hành chính. Nếu như Tờ trình Chính phủ thì phường không có Hội đồng nhân dân, tức là có nửa chính quyền, mà 1 nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền được”.

tuan lam viec thu 4: quoc hoi lam ro tinh chu dong trong pccc hinh 3
Đại biểu Lê Thanh Vân.

Trong khi đó, giải trình về vấn đề này, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: Việc xây dựng Đề án thí điểm này xuất phát từ nhu cầu của bản thân thành phố là một đô thị phát triển rất nhanh, mong muốn xây dựng một hệ thống chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn và đáp ứng được các yêu cầu của người dân tốt hơn. Đề án được Hà Nội chuẩn bị công phu, khoa học, nếu được các cơ quan kết luận “vi Hiến”, thì Hà Nội đã không trình ra Quốc hội.

Trong các Nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua tuần này, đáng chú ý là Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Nghị quyết quyết nghị, từ ngày 1/7/2020 thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1 triệu 490 nghìn đồng/tháng lên 1 triệu 600 nghìn đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở. Với việc Nghị quyết được thông qua thì cần tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công.

Cũng trong tuần làm việc này, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Quốc hội cũng thảo luận ở tổ cho ý kiến về 4 dự án luật gồm: Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; và Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang