Từ 01/7, “cơ quan, tổ chức, cá nhân” không được “can thiệp” việc giải quyết vụ việc dân sự của Thẩm phán

30/06/2016 11:00

(kiemsat.vn)
Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự dưới bất kỳ hình thức nào.

Đó là điểm mới sửa đổi, bổ sung quan trọng trong BLTTDS năm 2015 nhằm đảm bảo nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập khi xét xử và chỉ tuân theo pháp luật được thực hiện theo đúng ý nghĩa đầy đủ của nó, khi đó Tòa án mới thực hiện được đầy đủ quyền tư pháp, thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nguyên tắc xét xử độc lập là một nguyên tắc hiến định đã được quy định từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013 và Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, được coi là tiền đề nền tảng của hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quan trọng cho việc xét xử được bình đẳng, dân chủ, khách quan.

Tuy nhiên, không phải khi nào nguyên tắc này cũng được hiểu đúng, đầy đủ và thực hiện triệt để. Trong thực tế, chưa có cơ chế và hướng dẫn cụ thể trong việc xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền về việc xử lý một số vụ án, vụ việc cụ thể, nên có thể dẫn đến lạm dụng việc xin ý kiến hoặc ngược lại lạm dụng yêu cầu báo cáo và chỉ đạo, nhất là đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Mặc dù tại Điều 12 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã quy định về nguyên tắc “Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đúng như tinh thần của Hiến pháp đã quy định; song quy định của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) vẫn còn rất chung chung, mới chỉ quy định về việc nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, tức là cấm mọi hành vi gây trở ngại, làm cho Thẩm phán, Hội thẩm không tiến hành được dễ dàng việc thực hiện nhiệm vụ của mình, chứ điều luật chưa quy định rõ ràng về những hành vi cản trở đó là như thế nào ? của những ai ?…

Khắc phục những hạn chế này của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), tại Điều 12 của BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thể hiện như sau:

Tại khoản 2 Điều 12 của BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi thay từ “cản trở” bằng từ “can thiệp” và cũng quy định cụ thể rõ ràng các chủ thể là “cơ quan, tổ chức, cá nhân”, không được dự vào việc của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân “dưới bất kỳ hình thức nào”, nhằm tác động đến để cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được diễn biến theo mục đích nào đó của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể:

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004

Điều 12 . Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Khi xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 01/7/2016)

Điều 12. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xửvụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (sửa đổi, bổ sung)

1. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sựđộc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, việc giải quyết việc dân sự của Thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào.

Với những quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Điều 12 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã nâng cao trách nhiệm của các Thẩm phán, buộc họ nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, chủ động nghiên cứu mọi tình tiết của vụ án, không bị lệ thuộc vào những lý do của những người tham gia tố tụng hay các “yếu tố khác” tác động, can thiệp vào việc giải quyết án của Thẩm phán, Hội thẩm. Có như vậy mới có thể xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm, hạn chế tình trạng xử án oan, sai./.

Nguyễn Long

Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự

(Kiemsat.vn) - Nghĩa vụ chứng minh của đương sự được hiểu là đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. BLTTDS năm 2004 thiếu quy định về thời hạn giao nộp, cung cấp chứng cứ đã tạo ra một lỗ hổng pháp luật là đương sự thường trì hoãn việc giao nộp.

Các trường hợp VKS kiến nghị trong tố tụng dân sự

(Kiemsat.vn) - Quyền kiến nghị trong tố tụng dân sự được thực hiện trong trường hợp VKSND phát hiện thấy hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, không thuộc trường hợp kháng nghị
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang