Tăng thẩm quyền, nhiều thách thức

28/10/2016 04:52

Đó là một trong những nội dung mà Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đề cập đến trong bản báo cáo trình bày trước Quốc hội vào sáng 28/10/2016.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, năm 2016 và những năm tiếp theo, thực hiện các đạo luật về tư pháp, ngành Kiểm sát sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm mới tăng thêm rất lớn, cụ thể:

sep-tri

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác năm 2016

Thứ nhất, để chống bỏ lọt tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của VKSND trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một số trường hợp, như: phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 44 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Công an xã, phường, thị trấn có quyền tiếp nhận, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm. Do vậy, ngoài các đơn vị như hiện nay thì VKSND cấp huyện còn phải kiểm sát việc tiếp nhận, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm tại hơn 11.000 xã, phường, thị trấn.

vt3

Toàn cảnh buổi họp

Thứ hai, để tăng cường trách nhiệm công tố, bảo đảm chống oan, sai, Bộ luật tố tụng hình sự quy định:Ngoài nhiệm vụ kiểm sát hoạt động điều tra, theo quy định tại khoản 7 Điều 165, VKSND phải: Trực tiếp điều tra để thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ khi phê chuẩn, khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc phải trực tiếp điều tra để kiểm tra, bổ sung, chứng cứ khi quyết định truy tố; Trực tiếp kiểm sát nhiều hoạt động điều tra của Điều tra viên, như: khám nghiệm, khám xét, nhận dạng, đối chất, dựng lại hiện trường đều bắt buộc phải có mặt Kiểm sát viên tham gia; Trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động tố tụng để việc giải quyết vụ án hình sự khách quan, chính xác, bảo đảm quyền con người, quyền bào chữa, như: ghi âm, ghi hình, cung cấp hồ sơ, tài liệu cho bị can, người bào chữa… Luật thi hành việc tạm giữ, tạm giam quy định VKSND phải tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, khắc phục việc quá hạn hoặc vi phạm trong công tác này, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nếu vi phạm nghiêm trọng (như để tạm giam quá hạn) Kiểm sát viên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 377 Bộ luật hình sự 2015.

Thứ ba, để tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính,Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính quy định: Viện kiểm sát phải tham gia các phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, vụ việc. Trước đây, VKSND chỉ tham gia một số phiên tòa, phiên họp và chỉ tham gia phát biểu về thủ tục tố tụng, thì nay, theo luật mới VKSND phải tham gia hầu hết các phiên tòa, phiên họp, phải phát biểu cả về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án, vụ việc. Trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, số vụ việc dân sự, hành chính ngày càng tăng nhanh và diễn biến phức tạp, nhất là tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện nay, Viện kiểm sát cấp huyện hầu hết không có biên chế làm nhiệm vụ này mà phải kiêm nhiệm.

Thứ tư, để chống tham nhũng, tiêu cực và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao rất nặng nề, áp lực rất lớn, cụ thể: Về thẩm quyền điều tra gồm có: 38 tội danh, trong đó có 24 tội xâm phạm hoạt động tư pháp; 07 tội về tham nhũng, 07 tội chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Như vậy, thẩm quyền điều tra được giao thêm rất nặng nề (điều tra, xử lý 38 tội danh tăng nhiều lần). Về đối tượng phạm tội không chỉ có cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp như trước đây mà mở rộng đến các chủ thể khác, như: người phiên dịch, người giám định, người bào chữa, công an xã, phường… Về phạm vi, Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ được thành lập ở cấp Trung ương, không có nhiều đầu mối, không có lực lượng trinh sát, “chân rết” nhưng địa bàn hoạt động từ cấp tỉnh, huyện đến hơn 11.000 xã, phường trong cả nước. Do vậy, trong thời gian tới, khối lượng công việc có thể tăng lên đột biến, đây là thách thức lớn đối với Cơ quan điều tra VKSND tối cao, cần phải tăng cả về số lượng, chất lượng Điều tra viên. Trong khi cơ chế chính sách hiện nay rất khó tuyển chọn được người giỏi để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này; mặt khác, do chưa được trang bị công cụ hỗ trợ, vũ khí cần thiết; chính sách chế độ lương, phụ cấp rất hạn chế so với cán bộ cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Thứ năm, thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngành Kiểm sát đã thành lập 03 VKSND cấp cao;được giao 550 biên chế, mặc dù đã điều động, tuyển mới nhưng 03 VKSND cấp cao mới có 229 biên chế (41,6%), 45 Kiểm sát viên cao cấp (đạt 41,6% chỉ tiêu được giao). Hiện nay, việc bổ sung nhân sự cho 03 VKSND cấp cao trong thời gian ngắn là khó khăn vì tính chất công việc của những đơn vị này đòi hỏi cán bộ phải có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm và có chức danh tư pháp trong khi nguồn tuyển dụng khó, chủ yếu là giải pháp điều động, biệt phái mà giải pháp này cũng đang gặp khó khăn do nếu chuyển nhiều cán bộ từ VKSND cấp tỉnh đến VKSND cấp cao sẽ bị ảnh hưởng đến cán bộ ở VKSND cấp tỉnh, mặt khác ngành Kiểm sát không có nhà công vụ nên cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của cán bộ được điều động, biệt phái.

Theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát nên VKSND tối cao không giảm được nhiều áp lực công việc, do vẫn phải tiếp tục giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ án, vụ việc VKSND cấp cao đã giải quyết theo quy định pháp luật.
Trong bối cảnh thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nên sẽ khó khăn hơn cho ngành Kiểm sát trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ, các chức danh tư pháp để bảo đảm hoàn thành tốt những nhiệm vụ mới được giao.

Theo quy định hiện nay thì chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành Kiểm sát chưa tương xứng với tính chất đặc thù công việc và hao phí lao động đặc thù của Ngành. Hiện còn 23 VKSND cấp huyện đang thuê mặt bằng để làm trụ sở, 02 VKSND cấp cao đang phải thuê trụ sở, trong khi nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của Ngành chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Trước những khó khăn, thách thức đó, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội xem xét tạo điều kiện cho ngành Kiểm sát sau khi thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, được tuyển dụng số biên chế đã tinh giản;tăng cường nguồn lực cho VKSND; có cơ chế chính sách về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất công tác đặc thù của ngành Kiểm sát; bảo đảm cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị thiết thực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành nói chung và các nhiệm vụ mới theo quy định của các đạo luật mới về tư pháp nói riêng.

Quốc Hưng

VKSND tối cao tiếp Đại diện đại sứ nhóm nước G4

(Kiemsat.vn) – Sáng 14/9, tại trụ sở VKSNDTC, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tiếp Đại diện nhóm nước G4, bao gồm Đại sứ quán các nước Niu-Zi-lân, Na-Uy, Thụy Sỹ, Ca-Na-Da.

Thủ tướng: “Chưa bỏ biên chế giáo viên, mọi nhà giáo yên tâm”

Trả lời cử tri Hải Phòng về vấn đề bỏ biên chế giáo viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Bỏ biên chế với giáo viên vùng sâu, vùng xa, cả đời gắn bó với nghề giáo thì không ổn. Chưa có chủ trương đó. Mọi nhà giáo yên tâm".
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang