Rút kinh nghiệm qua vụ án “Tranh chấp hợp đồng cho vay tài chính” bị cấp phúc thẩm hủy

15/09/2016 01:55

Trong quá trình giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng cho vay tài chính”, do Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự nên đã bị cấp phúc thẩm xét xử, quyết định hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại

Qua kết quả công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng cho vay tài chính” giữa nguyên đơn là ông Phan Văn Tám với bị đơn là bà Dương Thị Hạnh – chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tổng hợp những vi phạm nghiêm trọng của cấp sơ thẩm về thủ tục tố tụng cần được nêu lên để các Kiểm sát viên cùng nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung, tránh lặp lại khi giải quyết những vụ án tương tự.

Nội dung vụ án: Năm 2012, vợ chồng ông Phan Văn Tám, bà Vũ Thị Hồng cho bà Dương Thị Hạnh là chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang vay vốn để kinh doanh. Tại hợp đồng cho vay tài chính ngày 01/8/2012 thể hiện ông Tám, bà Hồng cho bà Hạnh – Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang vay với số tiền là 884.000.000 đồng, lãi xuất theo thỏa thuận, thời hạn vay 01 tháng.

Đến thời hạn thanh toán, bà Hạnh mới trả được 50.000.000đ tiền gốc. Do đó, ngày 08/5/2014, ông Tám khởi kiện yêu cầu bà Hạnh phải trả cho ông số tiền gốc 834.000.000đ và lãi xuất theo quy định của pháp luật. Bà Hạnh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện với lý do thực tế bà chỉ vay ông Tám số tiền gốc 300.000.000đ, nhưng ngày 01/8/2012 ông Tám ép bà ký vào hợp đồng cho vay tài chính với tổng số tiền 884.000.000đ (trong đó bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi).

Kết quả giải quyết vụ án:

Bản án dân sự sơ thẩm quyết định: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: Buộc bà Dương Thị Hạnh – Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang (bị đơn) phải trả cho ông Phan Văn Tám số tiền 834.000.000 đồng nợ gốc và 189.526.500 đồng tiền lãi. Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm và trách nhiệm chậm thi hành án của đương sự.

Bản án phúc thẩm xét xử, quyết định: Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Lý do vì sao? Dưới đây là những vi phạm cần được rút kinh nghiệm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm bỏ lọt người tham gia tố tụng

Tại hợp đồng vay tài chính ngày 01/8/2012 thể hiện bên cho vay là ông Phan Văn Tám, bà Vũ Thị Hồng; Đơn khởi kiện cũng ghi người khởi kiện là ông Tám, bà Hồng và có chữ ký của cả ông Tám, bà Hồng trong đơn khởi kiện.

Căn cứ hợp đồng vay tài chính và đơn khởi kiện nêu trên xác định ông Tám, bà Hồng là nguyên đơn của vụ án. Nhưng trong suốt quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà Hồng vào tham gia tố tụng với tư cách là đồng nguyên đơn trong vụ án là vi phạm quy định tại Điều 56 khoản 2; điều 58 và Điều 59 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Thứ hai, Tòa án không thu thập đầy đủ chứng cứ dẫn đến xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án.

Năm 2012, thời điểm ông Phan Văn Tám, bà Vũ Thị Hồng cho doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang vay tiền thì bà Dương Thị Hạnh là Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang (theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2007 và đăng ký thay đổi lần thứ năm 2012). Tuy nhiên, ngày 18/11/2013 bà Hạnh đã làm hợp đồng tặng cho doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang cho con dâu là chị Chu Thị Mai Liên, ngày 20/11/2013 doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang đã làm thủ tục thay đổi chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, cam kết của chị Liên về việc chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các khoản nợ của doanh nghiệp chưa thanh toán… Ngày 29/11/2013, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 6) thể hiện chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang là chị Chu Thị Mai Liên.

Căn cứ việc thay đổi đăng ký kinh doanh nêu trên thì khi ông Tám, bà Hồng khởi kiện, bà Dương Thị Hạnh không còn là Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang nữa, mà Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang là chị Chu Thị Mai Liên và theo cam kết giữa bà Hạnh và chị Liên về trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp thì kể từ ngày 29/11/2013 chị Liên – Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang sẽ phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các khoản nợ của doanh nghiệp chưa thanh toán (trong đó có khoản nợ ông Tám, bà Hồng).

Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ và Tòa án cấp sơ thẩm cũng không thu thập, xác minh tại cơ quan chuyên môn về hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết vụ án nên không biết được việc thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang, do đó, Bản án sơ thẩm xác định bà Dương Thị Hạnh là Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang là bị đơn và buộc bà Hạnh phải trả cho ông Phan Văn Tám số tiền 834.000.000 đồng nợ gốc và 189.526.500 đồng tiền lãi là sai tư cách tham gia tố tụng của bị đơn trong vụ án là trái quy định tại Điều 143 khoản 3 Luật Doanh nghiệp và không đúng với bản cam kết giữa bà Hạnh, chị Liên về trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp. Trong trường hợp này phải xác định chị Chu Thị Mai Liên là chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang, là bị đơn trong vụ án và chị Liên – Chủ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giang phải có trách nhiệm thanh toán trả nợ ông Tám, bà Hồng theo hợp đồng cho vay tài chính ngày 01/8/2012.

Những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kiểm sát bản án, Kiểm sát viên ở cả hai cấp kiểm sát đều không phát hiện được vi phạm để kháng nghị theo thẩm quyền là thiếu sót cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát bản án, quyết định.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang