Quy định tại khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 là bất lợi cho người bị buộc tội

12/12/2016 04:42

(kiemsat.vn)
Qua nghiên cứu bài viết: “Một số ý kiến về quy định tại khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015” của tác giả Tống Văn Hiện, đăng trên Kiemsat.vn ngày 10/11/2016, tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

Trước tiên, tôi nhất trí cao với những băn khoăn mà tác giả đã nêu trong bài viết.

Về vấn đề tác giả nêu ra trong bài viết, qua thực tiễn cho thấy, trong quy định của pháp luật hình sự nói chung và của BLHS nói riêng, trong một số trường hợp, hành vi xâm phạm không bị coi là tội phạm nếu đối tượng bị xâm hại là người đã đủ 18 tuổi, ngược lại, hành vi đó sẽ là có tội nếu đối tượng đó là người dưới 18 tuổi. Việc quy định như khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 sẽ dẫn đến việc xác định một người không có tội trở thành một người có tội hoặc xác định sai tội danh của người phạm tội.

Ví dụ: Ngày 20/5/2016 A (sinh năm 1997) thực hiện hành vi giao cấu với B (chỉ xác định được sinh năm 2001). Nếu xác định B sinh ngày 31/12/2001 thì tới thời điểm A thực hiện hành vi giao cấu B mới 15 năm 4 tháng 20 ngày tuổi, trường hợp này A phạm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” quy định tại khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015; nhưng nếu xác định tuổi từ ngày 01/01/2001 thì B đã 16 năm 4 tháng 20 ngày tuổi, trường hợp này A không phạm tội.

Cũng là ví dụ trên nhưng chỉ xác định được B sinh năm 2004. Trường hợp này nếu xác định B sinh ngày 31/12/2004 thì tới thời điểm A thực hiện hành vi giao cấu B mới 12 năm 4 tháng 20 ngày tuổi, trường hợp này A phải chịu TNHS về tội phạm được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi) với khung hình phạt từ 07 đến 15 năm tù; nhưng nếu xác định tuổi từ ngày 01/01/2004 thì B đã 13 năm 4 tháng 20 ngày tuổi, trường hợp này A chỉ phải chịu TNHS về tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi) với khung hình phạt từ 01 đến 05 năm tù.

Cũng vậy, một số hành vi xâm phạm đến trẻ em theo BLHS 2015 được quy định là những hành vi hoặc tội phạm độc lập có chế tài hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều so với hành vi cùng loại nhưng người bị xâm hại là người đã đủ 18 tuổi, như quy định tại (điểm b khoản 1 Điều 142) tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; (Điều 144) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; (Điều 145) Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; (Điều 146) Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; (Điều 147) Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; (Điều 151) Tội mua bán người dưới 16 tuổi; (Điều 152) Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi; (Điều 153) Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Hay trong một số trường hợp phạm tội đối với trẻ em được coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt như quy định tại (điểm b khoản 1 Điều 123) Tội giết người; (điểm b khoản 2 Điều 127) Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; (điểm b khoản 2 Điều 130) Tội bức tử …

Như vậy, rõ ràng việc xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất của một số tội phạm, nó là cơ sở của việc xác định có tội hay không có tội hay xác định tội danh và quyết định hình phạt của các cơ quan tiến hành tố tụng và ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội. Chính vì vậy, việc quy định cách xác định tuổi của người dưới 18 tuổi tại khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 là bất lợi cho người bị buộc tội.

Theo tôi, để đảm bảo thi hành nguyên tắc có lợi, quyền lợi của người bị buộc tội và để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành; kiến nghị:

Trước mắt, cần có văn bản hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 theo hướng tiếp tục thực hiện cách xác định tuổi của bị hai là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Liên ngành Trung ương.

Về lâu dài, nên sửa đổi quy định tại khoản 2 Điêu 417 BLTTHS năm 2015 theo hướng quy định cụ thể cách xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi thành một khoản riêng biệt hoặc một điều luật riêng biệt với nội dung theo tinh thần quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Liên ngành Trung ương./.

Nguyễn Thành Giang
TAQS khu vực 2 Hải quân

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang