Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 12/2025

Ngày đăng : 07:51, 16/07/2025

(Kiemsat.vn) - Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới Quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số 12/2025, phát hành ngày 20/6/2025.

Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 12/2025:

Chuyên mục SỰ KIỆN - VẤN ĐỀ đăng tải bài viết “Kết quả nổi bật trong công tác tổ chức xây dựng đảng của Đảng bộ VKSND tối cao nhiệm kỳ 2020 - 2025” của tác giả Ngô Hùng Thái. Theo đó, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh dấu những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đảng ủy VKSND tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng cấp trên và Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ VKSND tối cao; lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời tập trung kiện toàn, đổi mới hệ thống VKSND tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, đề xuất thực hiện nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành các quy định của BLHS năm 2015, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thì việc sửa đổi BLHS, trong đó có các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là yêu cầu cấp thiết, khách quan. Trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI, bài viết: “Về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025” của các tác giả Đỗ Đức Hồng Hà, Đào Thùy Dương đã đưa ra một số góp ý có giá trị sửa đổi quy định về các tội này.

Các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế là loại án dân sự phổ biến và phức tạp, nguyên nhân đến từ nguồn gốc tài sản chưa được xác định rõ ràng; việc quản lý đất đai một số nơi chưa chặt chẽ; người để lại di sản có nhiều mối quan hệ hôn nhân phức tạp; thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ chưa đủ rõ ràng, cụ thể để giải quyết vụ án… Thông qua một số vụ án điển hình, các tác giả Trịnh Duy Tám, Nguyễn Thị Việt Hà đã chỉ ra những vi phạm phổ biến, qua đó rút ra “Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất”, trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT.

Bàn về “Vai trò của Viện kiểm sát/Viện công tố một số quốc gia trên thế giới trong phòng ngừa tội phạm”, trên chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC, tác giả Hoàng Anh Tuyên khẳng định, VKSND thông qua chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các vụ án, vụ việc, phân tích tình hình, xu hướng tội phạm để tham mưu xây dựng chính sách, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động khác. Từ kinh nghiệm một số quốc gia, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của công tác kiểm sát; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hoàn thiện khung pháp luật và chính sách phòng ngừa tội phạm…

Ngoài ra, Tạp chí Kiểm sát số 12/2025 còn có một số bài viết như: “Hoàn thiện quy định của pháp luật về các tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” của tác giả Nguyễn Việt Dũng, Phạm Thị Hồng Hương; “Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm” của tác giả Đặng Bá Vinh; “Chế độ hưu trí theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2024” của tác giả Phan Đăng Hải, Nguyễn Đức Toàn; “Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã” của tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, Đào Thị Diệu Thương; “Bàn về việc áp dụng khoản 1 Điều 45 Luật đất đai năm 2024 để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá khi quyền sử dụng đất bị kê biên thi hành án” của tác giả Thân Văn Tài…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc./.

Cẩm Thi