Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025
Ngày đăng : 14:43, 10/07/2025
Chính phủ đề nghị xem xét, bổ sung 04 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025
Trình bày Tờ trình tóm tắt về việc điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 bổ sung 4 dự án Luật do Chính phủ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh đề xuất xây dựng 04 dự án Luật và sự cần thiết, mục đích ban hành của 04 dự án Luật, gồm: (1) Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); (2) Dự án Luật An ninh mạng; (3) Dự án Luật Thương mại điện tử; (4) Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế). Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 04 dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2025). Theo đó:
Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) có phạm vi điều chỉnh bao gồm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đối tượng áp dụng các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng các nguồn lực này.
Nội dung chính của dự án là thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội. Trong đó, tập trung vào các nội dung: (i) Bổ sung quy định về “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí” là ngày 31/5 hàng năm; (ii) Bổ sung quy định về việc lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân để hình thành văn hóa, nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí trong Nhân dân; (iii) tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi lãng phí...
![]() |
Toàn cảnh Phiên họp. |
Dự án Luật An ninh mạng có phạm vi điều chỉnh về hoạt động bảo đảm an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng. Đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến các hoạt động trên không gian mạng tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, dự án Luật An ninh mạng dự kiến hợp nhất quy định của Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và quy định các nội dung: về các hoạt động bảo vệ thông tin mạng; bảo vệ hệ thống thông tin; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; Quy định về hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Quy định về hoạt động kinh đoanh, xuất nhập, khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng…
Dự án Luật Thương mại điện tử dự kiến điều chỉnh chính sách phát triển và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Nội dung chính của dự án là hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình thương mại điện tử mới như livestream, tiếp thị liên kết, nền tảng tích hợp; Bổ sung quy định về định danh người bán qua VNeID, trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và cơ chế kiểm soát hàng vi phạm; Bổ sung quy định về giao kết hợp đồng tự động, hợp đồng thông minh trong thương mại điện tử, phù hợp với xu hướng công nghệ mới và bảo đảm sự hài hòa với Bộ luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử; Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội, nền tảng đa dịch vụ, kiểm soát hành vi lạm dụng vị thế thị trường, thao túng thuật toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân và chống thất thu thuế từ giao dịch phi chính thức…
Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp hiện hành. Đối tượng áp dụng của Luật Giám định tư pháp (thay thế) là tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Nội dung chính của dự án Luật là mở rộng phạm vi xã hội hoá đối với một số lĩnh vực giám định tư pháp mà tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu lớn, thường xuyên. Đối với một số lĩnh vực thuộc chuyên ngành kỹ thuật hình sự như tài liệu, dấu vết và đường vân thì chưa xem xét xã hội hóa. Phân cấp việc trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp theo hướng tổ chức, cá nhân ở địa phương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở địa phương; tổ chức, cá nhân ở trung ương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp trung ương hoặc địa phương trong trường hợp vụ việc phức tạp…
Tán thành sự cần thiết bổ sung 04 dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025
Trình bày Báo cáo tóm tắt ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) và các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 04 dự án, gồm: (1) Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), (2) Luật An ninh mạng (sửa đổi), (3) Luật Thương mại điện tử, (4) Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 với những lý do, mục đích ban hành được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ.
Đề nghị các Cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự án cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chú trọng chất lượng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Về dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), đa số ý kiến của các cơ quan tán thành tên gọi như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi thành Luật Tiết kiệm, chống lãng phí cần bảo đảm không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà phải thiết lập chuẩn mực pháp lý rõ ràng có tính khái quát, bao hàm đầy đủ các nguyên tắc, chính sách, biện pháp thúc đẩy tiết kiệm và ngăn ngừa lãng phí; khuyến khích tiết kiệm, chống lãng phí cả đối với khu vực tư nhân; tạo cơ sở xác định nghĩa vụ pháp lý bắt buộc với biện pháp xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ tên gọi là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như hiện hành nhằm khuyến khích, tạo dựng ý thức, thói quen thực hành tiết kiệm và phù hợp việc sử dụng cụm từ “thực hành tiết kiệm” tại nhiều văn kiện của Đảng.
Ngoài ra, các cơ quan đề nghị trong quá trình xây dựng Luật, cần nghiên cứu quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể có hành vi gây lãng phí, mức độ xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước tương ứng với từng hành vi lãng phí gây ra, bảo đảm tính răn đe…
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. |
Về dự án Luật An ninh mạng, Thường trực UBPLTP đề nghị, nếu dự án Luật này thay thế cả Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng thì cần chỉnh lý tên gọi để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh; đồng thời, hợp nhất phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng hiện hành, loại bỏ các nội dung trùng lặp. Một số ý kiến trong Thường trực UBPLTP cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết, cấp bách và nhất trí với đề xuất của Chính phủ xây dựng Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Nhiều ý kiến trong Thường trực UBPLTP nhận thấy, dự thảo Luật có một số quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; phạm vi sửa đổi rộng để thay thế Luật An toàn thông tin mạng; mặt khác, từ nay đến Kỳ họp thứ 10 còn đủ thời gian để tiến hành xây dựng dự án Luật theo quy định, Tờ trình cũng chưa thuyết minh làm rõ cơ sở, lý do của đề xuất xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Vì vậy, đề nghị xây dựng Luật theo trình tự, thủ tục thông thường.
Về dự án Luật Thương mại điện tử, các cơ quan nhận thấy, các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên Tờ trình chưa làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thương mại điện tử với các luật liên quan, chưa chỉ rõ các bất cập, chồng chéo hay khoảng trống pháp lý cần được khắc phục. Do đó, đề nghị cần rà soát kỹ, làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo Luật, tránh trùng lặp, mâu thuẫn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, do thương mại điện tử có bản chất xuyên biên giới, với sự tham gia của nhiều chủ thể trong và ngoài nước thông qua các hình thức hoạt động đa dạng như đầu tư, xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ, giao dịch và hỗ trợ thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài..., quá trình xây dựng Luật cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Về dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế), Thường trực UBPLTP đề nghị lấy tên gọi là Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), vì theo thông lệ các dự án luật được sửa đổi toàn diện thì trong tên gọi của dự án sẽ dùng từ “sửa đổi” để xác định. Bên cạnh đó, Thường trực UBPLTP đề nghị trong quá trình soạn thảo Luật, cần rà soát kỹ các điều luật bảo đảm tuân thủ nguyên tắc phân cấp, phân quyền; tiếp tục rà soát quy định của Luật hiện hành để khắc phục triệt vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo do quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là: (1) bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người tiến hành tố tụng được quy định trong các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, thủ tục tố tụng hình sự vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9; (2) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có nguyên nhân từ hoạt động giám định tư pháp kéo dài, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện giám định tư pháp... Nhiều ý kiến đề nghị thực hiện việc xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục thông thường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết bổ sung 04 dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chỉ còn Kỳ họp thứ 10 là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), do đó, tất cả các luật trình Quốc hội trong thời gian tới cần gói gọn quyết định trong Kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2025). “Nếu các Cơ quan soạn thảo chuẩn bị 4 dự án Luật đảm bảo kỹ lưỡng, có chất lượng thì chúng ta sẽ trình tại một kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. |
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, về mặt pháp lý, việc dùng từ “sửa đổi”, “thay thế” là hoàn toàn khác nhau. Hiện nay có 213 luật có hiệu lực thi hành thì đều dùng từ “sửa đổi”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên văn bản gốc, chỉ điều chỉnh, bổ sung một phần nội dung của luật đó, sau khi sửa đổi thì luật gốc vẫn còn hiệu lực, chỉ thay đổi các điều khoản cụ thể. Còn thay thế luật nghĩa là ban hành một luật mới hoàn toàn, chấm dứt hiệu lực của luật cũ. Luật cũ không còn giá trị pháp lý, nội dung được thay thế bằng luật mới, ví dụ như Luật Doanh nghiệp năm 2020 thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2014.
“Hiện nay còn 213 luật có hiệu lực thi hành. Từ Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Kỳ họp thứ bất thường thứ 9 và Kỳ họp thường kỳ thứ 9, Quốc hội đã thông qua tổng số 67 luật, chiếm tỷ lệ 31,34% của 213 luật có hiệu lực thi hành”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình xây dựng các dự án Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV nếu Chính phủ trình 04 dự án Luật này với chất lượng cao, tập trung dồn sức.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của Chính phủ trong việc đề nghị bổ sung 04 dự án Luật, gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về đề xuất xây dựng 02 dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn, và 02 dự án Luật còn lại áp dụng theo trình tự, thủ tục thông thường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu để các dự án Luật đảm bảo tính thống nhất, dễ thực hiện và phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 để bổ sung 04 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, trong đó nhất trí với đề xuất xây dựng 02 dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.