Quy định chi tiết về điều kiện và thời điểm hưởng lương hưu

Ngày đăng : 16:25, 04/07/2025

(Kiemsat.vn) - Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12/2025/TT-BNV quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025. Trong đó quy định chi tiết về điều kiện và thời điểm hưởng lương hưu.

Điều kiện hưởng lương hưu

Về điều kiện hưởng lương hưu, Thông tư này quy định, thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021 hoặc làm công việc khai thác than trong hầm lò (sau đây được viết là làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) quy định tại các điểm b, c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 64 và điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 65 của Luật Bảo hiểm xã hội để làm căn cứ xét điều kiện hưởng lương hưu được xác định như sau:

Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) thì thời gian này được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mà thời gian hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian này được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà được cử đi làm việc, đi học, hợp tác lao động mà không làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian này không được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời gian này không được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Thông tư này, người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại khoản 7 Điều 33 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết như sau:

Đối tượng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2 Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội thì phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 14 năm 6 tháng đến dưới 15 năm;

Đối tượng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 65 của Luật Bảo hiểm xã hội thì phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 19 năm 6 tháng đến dưới 20 năm;

Thời điểm đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu sớm nhất là tháng trước liền kề tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ được tính như sau: 

Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. 

Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Thời điểm hưởng lương hưu

Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động khi nghỉ việc có đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp người lao động tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu, đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt làm việc.

Trường hợp người lao động hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động có đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động. Trường hợp người lao động có kết luận bị suy giảm khả năng lao động trước tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh hoặc tháng, năm sinh) thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Việc xác định tuổi của người lao động thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 158/2025/NĐ-CP.

Thời điểm hưởng lương hưu sớm nhất của người lao động hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành.

Thông tư nêu rõ, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 33 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho số tháng còn thiếu. Thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn đủ hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 là thời điểm hưởng lương hưu ghi trong văn bản giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trịnh Quyết