Thẩm quyền của VKSND tối cao trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự theo quy định của Thông tư số 02 ngày 30/6/2025

Ngày đăng : 08:56, 04/07/2025

(Kiemsat.vn) - Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-VKSTC ngày 30/6/2025 quy định thẩm quyền của VKSND các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Trong đó quy định rõ thẩm quyền của VKSND tối cao trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự.

Thông tư này quy định về thẩm quyền của mỗi cấp VKSND khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và đặc xá. Thẩm quyền của Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền, Thông tư nêu rõ, việc xác định thẩm quyền phải bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp; phù hợp với các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND các cấp và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của VKSND trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức VKSND và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, phải đáp ứng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cấp VKSND. Bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của mỗi cấp VKSND, không bỏ sót, không chồng chéo, trùng lặp thẩm quyền.

Thẩm quyền của VKSND tối cao trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố

VKSND tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án hình sự do Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an, Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý, giải quyết.

Theo Thông tư, chậm nhất 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, VKSND tối cao thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi ra quyết định truy tố, VKSND tối cao quyết định phân công cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng do VKSND tối cao chuyển đến, Viện kiểm sát được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo quy định.

Bên cạnh đó, VKSND tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra đối với vụ việc, vụ án hình sự do các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền ở cấp trung ương thụ lý, giải quyết hoặc đối với các vụ việc, vụ án khác khi xét thấy cần thiết.

Thẩm quyền của VKSND tối cao trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Theo Thông tư này, Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao (Vụ 7) tham mưu giúp Viện trưởng VKSND tối cao giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực khi xét thấy cần thiết;

Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Trường hợp Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực thì phân công VKSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Cũng theo Thông tư, Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm VKSND tối cao (Viện Phúc thẩm) tham mưu giúp Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; phát hiện vi phạm pháp luật và thông báo cho Vụ 7 để báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, TAND cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thẩm quyền của VKSND tối cao trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đặc xá, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ân giảm đối với người bị kết án tử hình

Theo Điều 6 Thông tư số 02/2025/TT-VKSTC quy định, VKSND tối cao kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, cơ quan có nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp: Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an; kiểm sát việc thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh của Bộ Y tế; thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, cơ sở lưu trú khi xét thấy cần thiết.

Về kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá: VKSND tối cao trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an; trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, TAND cấp tỉnh thuộc thẩm quyền kiểm sát của VKSND cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Đặc xá khi xét thấy cần thiết.

Ngoài ra, VKSND tối cao có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, về quản lý giáo dục phạm nhân; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự của cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong công tác đặc xá. Trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ân giảm đối với người bị kết án tử hình.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.

Trịnh Quyết