Xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội trong pháp luật một số nước và Việt Nam

Ngày đăng : 09:43, 03/07/2025

(Kiemsat.vn) - Trong bài viết này, tác giả phân tích khái quát các quy định về xử lý chuyển hướng của ba quốc gia có tính chất đại diện là Đức, Canada, và Singapore; bởi ngoài những ưu điểm của hệ thống pháp luật các quốc gia đó, tác giả còn xét trên sự ảnh hưởng của pháp luật quốc gia đó đối với Việt Nam, sự tương đồng về hệ thống pháp luật hình sự và những điểm tương đồng trong văn hóa, xã hội.

Những năm gần đây, xử lý chuyển hướng người chưa thành niên (NCTN) phạm tội như là một xu thế của các quốc gia và đã chứng minh được tính hiệu quả của cách thức xử lý này. Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) đã đánh dấu những bước đi đầu tiên trong nỗ lực xây dựng quy định về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội khi lần đầu tiên quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục NCTN phạm tội trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, xét về bản chất, các quy định này vẫn chưa thực sự là các biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, học hỏi chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội là cần thiết. Trên cơ sở phân tích những cái riêng, đặc thù của từng quốc gia trong quy định về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội, tác giả chỉ ra những điểm chung của các hệ thống pháp luật này và rút ra một số kinh nghiệm khi xây dựng, hoàn thiện quy định này tại Việt Nam thời gian tới.

1. Pháp luật Đức, Canada và Singapore về xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội

1.1. Quy định của pháp luật Đức (đại diện cho dòng họ pháp luật Civil Law)

Ở Đức, xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội được thể hiện thông qua quy định về việc chấm dứt truy tố của Công tố viên tại Điều 45 Luật tòa án vị thành niên (JGG) và việc ngừng thủ tục tố tụng của Thẩm phán tại Điều 47 JGG. Tuy nhiên, JGG không quy định một cách cụ thể về nội dung, điều kiện áp dụng của từng biện pháp xử lý chuyển hướng mà chỉ quy định phân chia 03 nhóm biện pháp xử lý chuyển hướng, hay còn được một số nhà nghiên cứu gọi là “cấp độ” xử lý chuyển hướng. Các nhóm biện pháp xử lý chuyển hướng được áp dụng theo thứ tự ưu tiên, lần lượt là khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 45 và có một số đặc điểm sau đây:

Về điều kiện áp dụng: Một nguyên tắc chung khi áp dụng xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội trong pháp luật hình sự Đức là Công tố viên hoặc Thẩm phán có đủ bằng chứng thuyết phục rằng NCTN đã thực hiện hành vi phạm tội mà họ bị cáo buộc. Ngoài ra, từng biện pháp cũng có những điều kiện áp dụng khác nhau, cụ thể:

- Nhóm các biện pháp xử lý chuyển hướng không có nghĩa vụ (hay xử lý chuyển hướng không can thiệp) quy định tại khoản 1 Điều 45 JGG. Các biện pháp này được áp dụng trong các trường hợp “phạm tội có tính nhỏ nhặt, không nghiêm trọng” và NCTN phạm tội không cần áp dụng thêm các biện pháp giáo dục.

- Nhóm các biện pháp xử lý chuyển hướng có sự can thiệp giáo dục của những người khác được quy định tại khoản 2 Điều 45 JGG. Đây là trường hợp xử lý chuyển hướng do những người có liên quan khác thực hiện (như cha mẹ, nhà trường...) hoặc kết hợp với hòa giải. “Ở cấp độ xử lý chuyển hướng thứ hai này, các nhà lập pháp đặc biệt xem hòa giải, bồi thường thiệt hại như một biện pháp giáo dục cụ thể được áp dụng đối với NCTN phạm tội”. Điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng ở cấp độ này là các bên liên quan (bao gồm NCTN phạm tội và phía nạn nhân) tự nguyện hòa giải hoặc bồi thường thiệt hại.

- Nhóm các biện pháp xử lý chuyển hướng có can thiệp: Các biện pháp này bao gồm khiển trách (Reprimands); ban hành một số hướng dẫn (Instructions) như chấp nhận một nơi đào tạo hoặc việc làm, thực hiện một số công việc nhất định, thỏa thuận giữa người phạm tội và nạn nhân, tham gia một khóa đào tạo về giao thông đường bộ; áp đặt các điều kiện (Conditions) như bồi thường thiệt hại, xin lỗi người bị hại, thực hiện các nhiệm vụ nhất định hoặc trả một khoản tiền cho một tổ chức từ thiện. Điều kiện áp dụng các biện pháp này bao gồm: (1) Người chưa thành niên phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình; (2) Công tố viên thụ lý vụ án cho rằng ra lệnh áp dụng một trong các biện pháp trên là cần thiết, đưa ra các cáo buộc là không phù hợp; và (3) Thẩm phán Tòa án NCTN đồng ý với đề nghị của Công tố viên.

Về thẩm quyền và thời điểm áp dụng xử lý chuyển hướng: Chủ thể có thẩm quyền là Công tố viên hoặc Thẩm phán. Ở Đức, Cảnh sát không được áp dụng xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội. “Lý do của điều này chủ yếu bắt nguồn từ việc lạm dụng quyền lực của Cảnh sát đã xảy ra ở dưới chế độ Quốc xã”. Có thể thấy, những sự kiện từ lịch sử nước Đức đã ảnh hưởng rất lớn tới việc xây dựng pháp luật và phân chia quyền tư pháp của quốc gia này. Thời điểm áp dụng xử lý chuyển hướng là trong quá trình tố tụng và trước khi diễn ra phiên toà xét xử chính thức.

1.2. Quy định của pháp luật Canada (đại diện cho pháp luật Common Law)

Trong pháp luật Canada, các biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội được gọi là: “Các biện pháp ngoài tư pháp - Extrajudicial measures” bao gồm 06 biện pháp là không hành động (trả tự do không kèm điều kiện), cảnh báo (cảnh cáo không chính thức từ Cảnh sát), cảnh cáo của Cảnh sát (cảnh cáo chính thức từ Cảnh sát), cảnh cáo Crown (cảnh cáo từ Công tố viên), chuyển tiếp (Cảnh sát giới thiệu NCTN đến các chương trình hoặc cơ quan cộng đồng có thể giúp họ không tái phạm) và các biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp. Các biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp có thể bao gồm việc tham dự hoặc tham gia tư vấn; bồi thường cho nạn nhân (trả tiền hoặc trả lại tài sản); làm một số công việc hoặc giúp đỡ nạn nhân (ví dụ như làm vườn hoặc xúc tuyết); xin lỗi nạn nhân (hình thức trực tiếp hoặc bằng văn bản) và thừa nhận thiệt hại mà NCTN đã gây ra; quyên góp cho một tổ chức từ thiện; làm dịch vụ cộng đồng cho một cơ quan phi lợi nhuận; viết bài luận về hành vi phạm tội của mình. Thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp là từ 03 đến 04 tháng.

Về điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng: Đối với 05 biện pháp xử lý chuyển hướng nêu trên tuân thủ quy định tại Điều 4 Đạo luật tư pháp hình sự NCTN (YCJA) bao gồm: (1) Các biện pháp xử lý chuyển hướng được xác định là cách thích hợp và hiệu quả nhất để xử lý NCTN phạm tội; (2) Việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội hứa hẹn sẽ cho phép can thiệp hiệu quả và kịp thời, tập trung vào việc sửa chữa hành vi vi phạm của NCTN; (3) Biện pháp xử lý chuyển hướng được cho là đủ để buộc NCTN phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình nếu tội phạm do NCTN thực hiện không có tính chất bạo lực và trước đó NCTN chưa từng bị kết án.

Đối với nhóm biện pháp xử lý chuyển hướng là các biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp, các điều kiện áp dụng được quy định tại khoản 2 Điều 10 YCJA bao gồm: (1) Biện pháp này được chủ thể có thẩm quyền nhận thấy là phù hợp, có liên quan đến nhu cầu của NCTN và lợi ích của xã hội; (2) Người chưa thành niên phạm tội đã được thông báo về biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp và họ hoàn toàn tự do, tự nguyện đồng ý với việc áp dụng biện pháp này; (3) Người chưa thành niên trước khi đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp đã được tư vấn về quyền được đại diện bởi Luật sư và được tạo cơ hội hợp lý để tham khảo ý kiến của Luật sư về mọi vấn đề liên quan; (4) Người chưa thành niên tự do và tự nguyện thừa nhận trách nhiệm về việc thực hiện hành vi phạm tội mà người đó bị cáo buộc; (5) Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có đủ bằng chứng để tiến hành truy tố hành vi phạm tội và việc truy tố hành vi phạm tội không bị cấm theo bất kỳ hình thức nào.

Cùng với quy định các điều kiện trên, YCJA quy định không được áp dụng biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp đối với NCTN khi họ không thừa nhận hành vi phạm tội của mình hoặc khi họ bày tỏ mong muốn được Tòa án xét xử. Bên cạnh đó, việc NCTN thừa nhận hành vi phạm tội của mình để có đủ điều kiện áp dụng biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp sẽ không được sử dụng để chống lại họ trong bất kỳ thủ tục pháp lý nào được tiến hành tiếp theo sau đó.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Ba chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội là Cảnh sát, Công tố viên và Thẩm phán. Trong đó, Cảnh sát có thẩm quyền áp dụng biện pháp không hành động, cảnh báo và cảnh cáo của Cảnh sát; Công tố viên có thẩm quyền áp dụng biện pháp cảnh cáo Crown, chuyển tiếp và trừng phạt ngoài tư pháp; Thẩm phán có thẩm quyền áp dụng biện pháp trừng phạt ngoài tư pháp.

1.3. Quy định của pháp luật Singapore (đại diện cho pháp luật của các quốc gia khu vực Đông Nam Á)

Trong pháp luật Singapore, các biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội được quy định tại Đạo luật quản chế Người phạm tội 1985 (Probation of Offenders Act 1985, sau đây gọi tắt là POA) gồm chương trình hướng dẫn và chương trình Streetwise với nội dung và các điều kiện áp dụng cụ thể như sau:

Chương trình hướng dẫn (Điều 69 POA): Đây là “Chương trình nhằm mục đích giúp người dưới 18 tuổi phát triển khả năng tự kiểm soát tốt hơn, chịu trách nhiệm về hành động của mình và có được kỹ năng sống, với sự tham gia tích cực của cha mẹ”. Các chương trình bao gồm tư vấn và làm việc theo nhóm, phục vụ cộng đồng, các hoạt động ngoài trời và các chuyến đi giáo dục đến các nhà tù và trung tâm cai nghiện ma túy. Phụ huynh tham gia vào các hoạt động thông qua tư vấn gia đình, nói chuyện về nuôi dạy con cái và các nhóm hỗ trợ của phụ huynh. Đây là biện pháp chuyển hướng kéo dài 06 tháng được thiết kế dành cho những NCTN phạm tội với điều kiện áp dụng là: (1) Người chưa thành niên phạm tội lần đầu; (2) Tội phạm do NCTN thực hiện là tội nhẹ.

Chương trình Streetwise: Đây là biện pháp xử lý chuyển hướng được xây dựng nhằm đối phó với tình hình NCTN phạm tội ở các tổ chức tội phạm, băng đảng tội phạm chiếm tỉ lệ cao tại Singapore và được áp dụng bởi Tòa án. Chương trình StreetWise nhằm “mục đích thay đổi hành vi của những người dưới 18 tuổi đã vô tình trôi dạt vào các băng đảng” bằng cách tách họ khỏi các hoạt động của băng đảng phạm tội. Nhóm các biện pháp xử lý chuyển hướng này bao gồm các chương trình nhỏ như tư vấn, họp mặt gia đình, hỗ trợ đồng đẳng, giải trí và các hoạt động học tập. Thời gian thực hiện biện pháp này là 06 tháng với điều kiện áp dụng là NCTN phạm tội là thành viên của một băng đảng xã hội đen.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Theo các quy định của POA, có hai chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội là Cảnh sát (đối với cả hai biện pháp) và Tòa án (biện pháp Chương trình Streetwise).

2. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, cần quy định về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội trong một đạo luật riêng, không phải là BLHS hay BLTTHS.

Ở các quốc gia trên, xử lý chuyển hướng được quy định trong một đạo luật chuyên biệt, đó là đạo luật riêng về NCTN phạm tội YCJA của Canada, đạo luật riêng về Tòa án NCTN JGG của Đức và đạo luật riêng về quản chế người phạm tội POA của Singapore. Cách thức quy định này là hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận. Bởi lẽ, BLHS là bộ luật quy định về tội phạm và hình phạt. Các biện pháp xử lý được quy định trong BLHS đương nhiên phải là những biện pháp của trách nhiệm hình sự như hình phạt, biện pháp tư pháp… Trong khi đó, các biện pháp xử lý chuyển hướng không phải là biện pháp của trách nhiệm hình sự mà chỉ là một hình thức trách nhiệm hình sự. Canada, Đức và Singapore quy định về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội trong các đạo luật chuyên biệt mà không quy định trong BLHS. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng Luật tư pháp NCTN  trong đó có các quy định về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội để đảm bảo sự phù hợp về mặt lý luận cũng như đảm bảo tốt hơn nữa quyền của NCTN.

Thứ hai, cần xây dựng các biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội dựa trên cộng đồng.

Có thể thấy, các quốc gia Đức, Canada và Singapore chú trọng xây dựng các biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội có tính chất dựa trên cộng đồng. Ở Đức, các biện pháp xử lý chuyển hướng có tính chất dựa trên cộng đồng như: Chấp nhận một nơi đào tạo hoặc việc làm, thực hiện một số công việc nhất định, thỏa thuận giữa người phạm tội và nạn nhân, bồi thường thiệt hại; xin lỗi người bị hại; thực hiện các nhiệm vụ nhất định hoặc trả một khoản tiền cho một tổ chức từ thiện… Các biện pháp xử lý chuyển hướng có tính chất dựa trên cộng đồng tại Canada có thể kể đến như: (1) Trong biện pháp xử lý chuyển hướng chuyển tiếp, Cảnh sát sẽ giới thiệu NCTN phạm tội được xử lý chuyển hướng đến các chương trình hoặc các tổ chức cộng đồng; (2) Biện pháp xử lý chuyển hướng trừng phạt ngoài tư pháp với các hình thức cụ thể như tham dự hoặc tham gia tư vấn; bồi thường cho nạn nhân (trả tiền hoặc trả lại tài sản); làm một số công việc hoặc giúp đỡ nạn nhân theo một cách nào đó (như làm vườn hoặc xúc tuyết); các chương trình cụ thể mà NCTN có thể tham gia như chương trình bao gồm tư vấn và làm việc theo nhóm, phục vụ cộng đồng, các hoạt động ngoài trời và các chuyến đi giáo dục đến các nhà tù và trung tâm cai nghiện ma túy (chương trình hướng dẫn). Tính chất dựa trên cộng đồng còn được thể hiện rõ ràng hơn trong chương trình Streetwise với các hoạt động cụ thể như tư vấn, họp mặt gia đình, hỗ trợ đồng đẳng, giải trí và các hoạt động học tập nhằm tách NCTN phạm tội tham gia vào các băng đảng khỏi môi trường cộng đồng xấu và hỗ trợ, điều hướng họ gia nhập vào môi trường tốt hơn. Chúng tôi cho rằng, đây là một kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam cần học tập, tiếp thu trong quá trình xây dựng các quy định về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội bởi điều này vừa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về tư pháp NCTN, mặt khác có thể giúp NCTN phạm tội tránh được các tác động tiêu cực khi phải thực hiện các biện pháp có tính chất hành chính - mệnh lệnh từ phía các cơ quan nhà nước, đồng thời huy động và phát huy sức mạnh của toàn xã hội vào công cuộc giáo dục giới trẻ.

Thứ ba, các biện pháp xử lý chuyển hướng đa dạng và có sự phân hoá về mức độ nghiêm khắc.

Đức, Cadana và Singapore đều xây dựng hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng có thể áp dụng đối với nhiều đối tượng NCTN có đặc điểm khác nhau và phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác nhau. Điều này được thể hiện trong pháp luật Đức và Canada có phần rõ nét hơn. Ở Đức, 03 nhóm biện pháp xử lý chuyển hướng gồm nhóm các biện pháp xử lý chuyển hướng không có nghĩa vụ (hay xử lý chuyển hướng không can thiệp), nhóm các biện pháp xử lý chuyển hướng có sự can thiệp giáo dục và nhóm các biện pháp xử lý chuyển hướng có can thiệp. Ba nhóm biện pháp này được lựa chọn áp dụng theo thứ tự. Khi NCTN không thoả mãn điều kiện áp dụng nhóm thứ nhất thì mới áp dụng nhóm thứ hai và tương tự như vậy, nhóm thứ ba là nhóm biện pháp đòi hỏi nhiều điều kiện hơn và được áp dụng cho những NCTN cần can thiệp nhiều và chuyên sâu hơn dựa trên đặc điểm về nhân thân và tính nguy hiểm của hành vi. Tương tự như vậy, 06 biện pháp xử lý chuyển hướng tại Canada cũng được quy định theo thứ tự tăng dần về mức độ nghiêm khắc và được áp dụng theo thứ tự ưu tiên từ không thực hiện thêm hành động nào, cảnh báo, cảnh cáo của cảnh sát, cảnh cáo Crown, chuyển tiếp và cuối cùng là trừng phạt ngoài tư pháp. Trong thời gian tới, Việt Nam cần quy định nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội với các mức độ khác nhau để đảm bảo tăng cường tính phân hoá trong lựa chọn và áp dụng các biện pháp này gắn với đặc điểm riêng biệt của NCTN phạm tội trong từng trường hợp cụ thể.

Thứ tư, các biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội có thời gian áp dụng không dài.

Một điểm chung có thể tìm thấy trong pháp luật của cả ba quốc gia trên đó là các biện pháp xử lý chuyển hướng có thời gian áp dụng tương đối ngắn (Canada có thời gian áp dụng là từ 03 đến 04 tháng, Singapore là dưới 06 tháng). Đây là một kinh nghiệm hay, có thể được học tập trong quá trình xây dựng quy định về xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội ở Việt Nam. Bởi lẽ, nếu thời gian xử lý chuyển hướng kéo dài sẽ gây tác động tâm lý đến NCTN, đồng thời ảnh hưởng tới các hoạt động cần thiết khác đối với NCTN, đặc biệt là hoạt động học tập. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian xử lý chuyển hướng cũng sẽ gây áp lực lên hệ thống các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền hướng dẫn, giám sát. Do vậy, cần tiếp thu kinh nghiệm và chú trọng xây dựng các biện pháp xử lý chuyển hướng có thể thực hiện và đạt hiệu quả giáo dục trong một khoảng thời gian không quá dài.

Đào Phương Thanh

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. F Schaffstein and W Beulke (2002), Jugendstrafrecht, C.F Muller.

2. James J. Kammer, Kevin I. Minor, and James B. Wells (1997), An outcome study of the Diversion Plus Program for juvenile offenders, Federal Probation, Vol. 61, No. 2.

3. Katja Kristina Wiese (2007), Juvenile Justice: A comparison between the Laws of New Zealand and Germany, A thesis submitted in fulfilment of the requirements for the Degree of Masters of Laws in the University of Canterbury, School of Law, University of Canterbury.

4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Giáo trình tư pháp người chưa thành niên, Nxb. Tư pháp.

5. Mai Thị Thủy (2022), Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Wing-Cheong Chan (2010), Juvenile offenders in Singapore, link bài viết: https://vlex.co.uk/vid/juvenile-offenders-in-singapore-861309684, truy cập ngày 12/7/2024.

Theo Tạp chí Kiểm sát in số 16/2024