Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp nào?

Ngày đăng : 17:11, 02/07/2025

(Kiemsat.vn) - Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 205/2025/QH15 về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. Trong đó, quy định rõ các trường hợp Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Trường hợp Viện kiểm sát khởi kiện

Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết này, Viện kiểm sát sẽ khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp trong các trường hợp sau: Thông qua tiếp nhận thông tin từ các nguồn quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 10 của Nghị quyết này, Viện kiểm sát tiến hành kiểm tra, xác minh và xác định có vi phạm gây thiệt hại đến quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm để bị tổn thương hoặc lợi ích công, sau khi thông báo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này nhưng không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát khởi kiện.

Cùng với đó, trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, Viện kiểm sát phát hiện có vi phạm gây thiệt hại đến quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm đễ bị tổn thương hoặc lợi ích công nhưng không thể giải quyết trong cùng vụ án, vụ việc đó, sau khi thông báo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này nhưng không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát khởi kiện.

Điều 10 Nghị quyết số 205/2025/QH15 quy định về nguồn thông tin về vụ án dân sự công ích như sau:

1. Thông tin do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Viện kiểm sát.

2. Thông tin từ phương tiện truyền thông hoặc dư luận xã hội.

3. Thông tin do Viện kiểm sát phát hiện qua giải quyết vụ án, vụ việc khác.

4. Nguồn thông tin hợp pháp khác.

Theo khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 205/2025/QH15 về yêu cầu chấm dứt vi phạm; thông báo, kiến nghị, hỗ trợ khởi kiện quy định:

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả kiểm tra, xác minh xác định quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công bị xâm phạm, Viện kiểm sát tiến hành các hoạt động sau đây: a) Thông báo cho chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc người đại diện hợp pháp của họ thực hiện việc khởi kiện; b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện thực hiện việc khởi kiện, đồng thời gửi kiến nghị cho cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Thẩm quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích

Điều 5 Nghị quyết số 205/2025/QH15 nêu rõ, Viện kiểm sát khu vực tương ứng với Tòa án khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự công ích có quyền khởi kiện vụ án.

Trường hợp vụ án phức tạp, giá trị thiệt hại lớn hoặc xảy ra trên địa bản nhiều khu vực hoặc có yếu tố nước ngoài hoặc khí xét thấy cần thiết thì Viện kiểm sát cấp tỉnh có thể khởi kiện hoặc tiến hành kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, sau đó phân công cho Viện kiểm sát khu vực khởi kiện vụ án.

Trường hợp vụ án rất phức tạp, giá trị thiệt hại rất lớn hoặc xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố hoặc có ảnh hưởng đến an ninh, đổi ngoại hoặc khi xét thấy cần thiết thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể khởi kiện hoặc tiến hành kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, sau đó phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới khởi kiện vụ án.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát

Tiếp nhận, xử lý thông tin về việc xâm phạm quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công.

Kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ.

Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền dân sự, tài sản, bảo đảm thu thập, bảo vệ chứng cứ, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt vi phạm và áp dụng biện pháp để ngăn chặn, khắc phục hậu quả.

Đình chỉ, phục hồi việc kiểm tra, xác minh.

Thông báo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật, hỗ trợ việc khởi kiện.

Khởi kiện vụ án dân sự công ích và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án.

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Nguyên tắc thực hiện

Về nguyên tắc thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, việc khởi kiện và giải quyết vụ án dân sự công ích được thực hiện theo Nghị quyết này; trường hợp Nghị quyết này không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, theo quy định tại Nghị quyết này, Viện kiểm sát chỉ khởi kiện khi đã thông báo, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật nhưng không có người khởi kiện. Vụ án dân sự do Viện kiểm sát khởi kiện để bảo vệ lợi ích công thì không được hòa giải và bị đơn không được đưa ra yêu cầu phản tố.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án khi Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị quyết này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo Điều 3 Nghị quyết số 205/2025/QH15:

Nhóm dễ bị tổn thương gồm: (a) Trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; (b) Người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi; (c) Người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; (d) Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; (đ) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự; (e) Người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Lợi ích công gồm lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc các lĩnh vực sau đây: (a) Đầu tư công; (b) Đất đai, tài nguyên, tài sản công khác; (c) Môi trường, hệ sinh thái; (d) Di sản văn hoá; (đ) An toàn thực phẩm, dược phẩm; (e) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trường hợp không có người khởi kiện gồm: (a) Pháp luật chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền, trách nhiệm khởi kiện; (b) Pháp luật đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không khởi kiện.

Quyền dân sự của nhóm đễ bị tổn thương gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.