VKSND tối cao tham dự Diễn đàn Crim-AP và Hội nghị SEAJust

Ngày đăng : 09:03, 02/07/2025

(Kiemsat.vn) - Tại Diễn đàn hợp tác tư pháp về hình sự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Crim-AP) và Hội nghị toàn thể của Mạng lưới tư pháp khu vực Đông Nam Á (SEAJust), Đoàn đại biểu Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực; trong đó, Việt Nam đã khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Thực hiện Quyết định số 296/QĐ-VKSTC ngày 28/5/2025 và Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 28/5/2025 của Viện trưởng VKSND tối cao, Đoàn đại biểu VKSND tối cao gồm đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng và đồng chí Nguyễn Khánh Ngân, Phó Trưởng phòng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao đã tham dự Diễn đàn hợp tác tư pháp về hình sự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Crim-AP) và Hội nghị toàn thể của Mạng lưới tư pháp khu vực Đông Nam Á (SEAJust) được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 24 - 27/6/2025.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Crim-AP.

Tại Diễn đàn Crim-AP, có 02 nhóm làm việc đồng thời là Nhóm làm việc về công tác tương trợ tư pháp hình sự và Nhóm làm việc về công tác quản lý và cải tạo phạm nhân. Đại diện của VKSND tối cao tham gia Nhóm làm việc về tương trợ tư pháp hình sự (WG-MLA), Đoàn công tác của Bộ Công an tham gia Nhóm làm việc về quản lý và cải tạo phạm nhân (WG-OTR).

Nhóm làm việc về công tác tương trợ tư pháp hình sự tập trung vào trao đổi, chia sẻ và đóng góp ý kiến vào dự thảo Sổ tay tương trợ tư pháp hình sự. Sổ tay này được biên soạn nhằm tổng hợp thông tin được chia sẻ tại các cuộc họp thường niên của WG-MLA và góp phần thúc đẩy tương trợ pháp lý lẫn nhau trong các vấn đề hình sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, để những cán bộ làm công tác thực tiễn trong khu vực có thể tham khảo khi soạn thảo các yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự gửi tới các quốc gia khác trong khu vực.

Dự thảo Sổ tay này bằng tiếng Anh có hơn 300 trang, được chia thành hai phần. Phần 1 tóm tắt thông tin cơ bản và các thông lệ thực tiễn hữu ích được chia sẻ tại các cuộc họp thường niên. Bằng cách tham khảo Phần 1, người đọc có thể hiểu được tình hình hiện tại của hoạt động tương trợ tư pháp hình sự tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Phần 2 chứa thông tin của từng quốc gia tham gia. Khi soạn thảo yêu cầu tương trợ tư pháp gửi đến một quốc gia có tham gia Crim-AP, có thể tham khảo báo cáo quốc gia có liên quan trong Phần 2 để hiểu thông tin nào là bắt buộc đối với một số loại yêu cầu nhất định. Do đó, báo cáo quốc gia nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc viết yêu cầu bằng cách nâng cao hiểu biết của người viết yêu cầu về các quy định của Quốc gia được yêu cầu, do đó đảm bảo rằng, tất cả thông tin có liên quan đều được đưa vào yêu cầu tương trợ ban đầu.

Đóng góp vào dự thảo Sổ tay tương trợ tư pháp hình sự, đại diện VKSND tối cao đã cung cấp đầy đủ các quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam để đưa vào nội dung dự thảo. 

Đại biểu tham dự Hội nghị SEAJust

Tại Hội nghị SEAJust, đại diện của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Bộ Tư pháp Hàn Quốc và Cơ quan Tổng Chưởng lý Thái Lan đã trình bày những kết quả đạt được, thực tiễn tốt và hướng đi tiếp theo trong thời gian tới của Mạng lưới SEAJust. Sau đó, tại các phiên thảo luận, các chuyên gia đến từ một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã có bài chia sẻ về các nội dung: (1) hợp tác quốc tế về tư pháp đối với tội phạm có tổ chức trong thời đại công nghệ số; (2) tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa Cơ quan trung ương với các cơ quan có thẩm quyền; (3) Xu hướng và thực tiễn tốt trong thu hồi tài sản xuyên quốc gia; (4) Lấy lời khai người làm chứng theo hình thức trực tuyến trong các vụ án liên quan đến tội phạm có tổ chức.

Tại Phiên thảo luận 2, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao Việt Nam là một trong bốn diễn giả và đã có bài trình bày chia sẻ về hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam. Bài trình bày đã được các đại biểu tham dự đánh giá cao và mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng phần mềm quản lý trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

Các diễn giả tại Phiên thảo luận 2 của Hội nghị SEAJust.

Bên cạnh các hoạt động dành cho toàn thể các đại biểu tham dự, tại Hội nghị lần này, đầu mối liên lạc của các quốc gia là thành viên của Mạng lưới SEAJust đã có cuộc họp riêng để trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động của Mạng lưới.

Đặc biệt, Diễn đàn Crim-AP và Hội nghị SEAJust lần này đã tổ chức 01 phiên họp chung để giới thiệu, chia sẻ về hoạt động của các tổ chức này. Tại phiên họp chung, ban tổ chức Crim-AP đã thông báo về việc chuyển giao các vấn đề liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự trong khuôn khổ Crim-AP cho Mạng lưới SEAJust để tiếp tục duy trì, thực hiện sự hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia.

Toàn cảnh Hội nghị.

Trong chuyến công tác, Đoàn đại biểu VKSND tối cao đã có những hoạt động trao đổi bên lề với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Ca-na-đa và Pháp liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với các nước trong thực tiễn.

Thông qua Hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể: (1) Việt Nam đã có cơ hội khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; (2) Tăng cường tiếp xúc, gắn kết và hiểu hơn về pháp luật của các nước tham gia Hội nghị; (3) Thông qua các phiên làm việc, Việt Nam xây dựng nguồn ý tưởng tốt để cải tiến hiệu quả trong hoạt động tương trợ tư pháp của nước mình; (4) Với tư cách là thành viên của Mạng lưới tư pháp khu vực Đông Nam Á (SEAJust), việc tham gia Hội nghị toàn thể lần này thể hiện sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức hoạt động của Mạng lưới SEAJust.

Khánh Ngân