Công an tỉnh Bắc Giang đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tiến tới đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật
Ngày đăng : 16:25, 10/06/2025
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
(1) Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật.
(2) Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
(3) Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
(4) Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế.
(5) Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.
(6) Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
(7) Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, được tổ chức ngày 18/5/2025. |
Trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, nhóm giải pháp nào cũng quan trọng và có tính chất gắn kết chặt chẽ. Trong đó nổi bật là nhóm nhiệm vụ, giải pháp “Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển”. Có thể nói, đây là một điểm nhấn quan trọng, là đổi mới căn bản tư duy, tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích chung của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.
![]() |
Đại biểu dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị tại điểm cầu của Công an tỉnh Bắc Giang. |
Để đưa được Nghị quyết số 66-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, Đảng ủy Công an tỉnh Bắc Giang nói chung và Đảng ủy cơ sở Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bắc Giang nói riêng đã thường xuyên quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết tại các buổi sinh hoạt đảng nhật định kỳ. Trong đó, tinh thần “đột phá của đột phá” và dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” là những cụm từ “chìa khóa vàng” và có thể nói đã trở thành kim chỉ nam và khẩu hiệu có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, có sức lan tỏa đặc biệt tác động đến tư tưởng, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên. Muốn đổi mới bất cứ điều gì, trước tiên cần phải đổi mới, cải cách con người, cụ thể hơn đó là phải đổi mới thành công TƯ DUY của con người. Chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Chính vì vậy, xây dựng được một hệ thống pháp luật tinh thông, đồng bộ, khả thi, phù hợp lòng dân, ý Đảng là nhiệm vụ vô cùng cần thiết, nhất là trong giai đoạn phát triển như hiện nay.
![]() |
Toàn cảnh dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Giang. |
Trong thời gian qua, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bắc Giang với vai trò thường trực công tác pháp chế của Công an tỉnh, đã luôn chủ động tham mưu trong công tác tham gia xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự nói riêng. Chỉ tính trong năm 2023, 2024, Phòng Tham mưu Công an tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào 60 dự thảo các văn bản pháp luật do Bộ Công an, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và các sở, ban, ngành đề nghị.
Song song đó, Phòng Tham mưu cũng đã tham mưu có hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, kiểm tra, thẩm định các văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; rà soát, hệ thống hóa và đề xuất, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ban hành không đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trả lời các cơ quan, tổ chức, cá nhân những thắc mắc về pháp luật liên quan đến công tác Công an; thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật, thường xuyên cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Công an tỉnh…
Trên tinh thần định hướng, chỉ đạo “sâu sát, quyết liệt” của Nghị quyết số 66-NQ/TW, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục giao cho Phòng Tham mưu chủ trì trong tham mưu nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Trong đó, cần có biện pháp triển khai phù hợp, thiết thực và hiệu quả; tham mưu với Đảng ủy Công an tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung hội nghị trong toàn Đảng bộ và tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Cụ thể hóa, đưa các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy Đảng cấp trên thành chương trình, kế hoạch chi tiết; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo quy định pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự điều chỉnh lĩnh vực an ninh, trật tự, đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng Công an và các cơ quan có liên quan… Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, chủ động trong nghiên cứu, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 66-NQ/TW, rèn rũa bản thân trở thành những Luật gia am hiểu pháp luật, những tuyên truyền viên năng nổ để có thể làm tốt mọi nhiệm vụ được giao.
![]() |
Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh (bên trái ảnh) và Đại tá Nguyễn Thế Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh (bên phải ảnh) tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Giang. |
Với vai trò tham mưu trực tiếp công tác pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp; công tác xử lý vi phạm hành chính; theo dõi, kiểm tra công tác thi hành pháp luật; thực hiện quy chế dân chủ trong Công an tỉnh; Thường trực cải cách tư pháp của Công an tỉnh; Thường trực Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Công an tỉnh…, Phòng Tham mưu Công an tỉnh xác định cần tập trung quán triệt thực hiện:
Chìa khóa vàng - “Đột phá của đột phá”
(1) Về tư duy và định hướng: Cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo, tạo động lực cho sự phát triển. Thay vì chỉ tập trung vào việc quản lý và kiểm soát, pháp luật cần phải khơi thông nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi việc xây dựng pháp luật phải đảm bảo tính thực tiễn và khả thi cao, vì pháp luật không là rào cản sự phát triển mà là định hướng mở cho sự phát triển quan hệ xã hội.
(2) Về chất lượng xây dựng pháp luật: “Đột phá” ở đây đòi hỏi pháp luật phải có chất lượng vượt trội, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để phân tích, dự báo và xây dựng các quy định pháp luật hiệu quả. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện một cách chủ động, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng.
(3) Về hiệu quả thi hành pháp luật: “Đột phá” trong thi hành pháp luật đòi hỏi sự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của toàn dân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi pháp luật, không có vùng cấm. Đồng thời, cần chú trọng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.
(4) Về thể chế và tổ chức: Để tạo ra “đột phá”, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật, đảm bảo sự thống nhất và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật trong sạch, vững mạnh, có năng lực chuyên môn cao và tinh thần trách nhiệm.
(5) Về kiểm tra, giám sát: Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật.
Trên nền móng định hướng chiến lược nêu trên, để tạo ra “đột phá của đột phá” trong công tác tham gia xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW, điều quan trọng nhất là cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, từ đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng pháp luật, tăng cường hiệu quả thi hành, tham gia hoàn thiện thể chế và tổ chức, đến đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Chỉ khi đó, pháp luật mới thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Bắc Giang nói riêng và đất nước nói chung trong giai đoạn mới.
Chìa khóa vàng - dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
(1) Về nâng cao nhận thức và thay đổi quan điểm của các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật (bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật): Cần quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW, nhận thức rõ ràng rằng, pháp luật không chỉ là công cụ để quản lý nhà nước mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tư duy xây dựng pháp luật cần hướng tới việc giải phóng tiềm năng, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, xã hội.
(2) Về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng thực tiễn và có sự tham gia rộng rãi: Cần tạo ra cơ chế để thu thập, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật, bao gồm người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học. Việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến công khai, thực hiện đánh giá tác động của chính sách một cách nghiêm túc sẽ giúp cho các quy định pháp luật được ban hành sát với thực tiễn cuộc sống, giải quyết được những vấn đề đang đặt ra và có tính khả thi cao. Dứt khoát không được để xảy ra tình trạng xây dựng pháp luật dựa trên những lý luận suông hoặc chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan của một số cơ quan, cá nhân.
(3) Về chú trọng đến chất lượng của công tác nghiên cứu, đánh giá trước khi xây dựng pháp luật: Để có được những quy định pháp luật chất lượng, cần đầu tư hơn nữa vào công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn, phân tích và dự báo xu hướng phát triển của xã hội, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Việc đánh giá một cách khách quan, khoa học những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành cũng là bước khởi đầu quan trọng để xác định rõ những vấn đề cần giải quyết và định hướng cho việc xây dựng pháp luật mới.
(4) Về tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng pháp luật: Việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật thường liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực khác nhau. Do đó, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan này ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn hoặc thiếu đồng bộ giữa các quy định.
(5) Về nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật: Cần xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu sâu sắc về lý luận pháp luật và thực tiễn đời sống, có tầm nhìn chiến lược và tinh thần trách nhiệm. Đồng hành đó, cần phải có chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để thu hút và giữ chân những cán bộ giỏi, tâm huyết với công việc này.
Công an tỉnh Bắc Giang xác định, để đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, các chi, đảng bộ cơ sở cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, cải cách quy trình, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tăng cường phối hợp và phát triển đội ngũ cán bộ. Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó, việc nắm chắc những chiếc “chìa khóa vàng” nêu trên sẽ giúp mở được cánh cửa của thành công và phát triển: Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.