Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Tấm gương mẫu mực của ngành Kiểm sát nhân dân

Ngày đăng : 12:55, 20/05/2025

(Kiemsat.vn) - Công tác kiểm sát trước hết phải bảo vệ dân chủ vì dân là gốc của đất nước, phải quan tâm đến lợi ích của người lao động. Do đó, một trong những trọng tâm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân là phải bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân trong suốt toàn bộ hoạt động của các khâu công tác kiểm sát.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905 tại làng Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1925 cùng với các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trao cho đảm nhận nhiều trọng trách như Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương (năm 1941), Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (năm 1951), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (năm 1960), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1977),... và là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Đồng chí Hoàng Quốc Việt mất ngày 25/12/1992.

Trong Lời điếu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười tại buổi lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt ngày 30/12/1992 đã khẳng định: “Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trải qua gần 70 năm hoạt động, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, để lại cho giai cấp công nhân, cho đồng bào, đồng chí chúng ta những tình cảm vô cùng quý mến”.

Một trong những trọng trách mà đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng và Nhà nước giao là tổ chức, xây dựng và lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân liên tục trong 16 năm (từ năm 1960 đến 1976). Trên cương vị Viện trưởng đầu tiên, đồng chí đã góp công lớn vào việc xây dựng hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới mẻ này trong thể chế Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đồng chí là tấm gương mẫu mực cho toàn ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu theo 5 đức tính mà Bác Hồ dạy cán bộ kiểm sát là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thiện tổ chức cơ quan Viện kiểm sát nhân dân nhằm phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, góp phần củng cố trật tự, kỷ cương pháp luật, xứng đáng là một trong những chiến sĩ tiền phong tiêu biểu nhất trên mặt trận bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta, để lại cho chúng ta hôm nay những bài học lớn.

Trong suốt thời gian làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những chủ trương và tổ chức chỉ đạo thực hiện rất đúng đắn, vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự trong bối cảnh của thời kỳ đổi mới hiện nay. Đồng chí luôn luôn khẳng định: Công tác kiểm sát phải là công tác chính trị, phục vụ và bám sát kịp thời đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng chí đã tham mưu cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 01/02/1963 về công tác kiểm sát. Nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp bảo đảm cho pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 2, Hà Nội tháng 02/1961. Ảnh: Tư liệu.

Trong việc xác lập và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn đặt trong nền tảng chung của sự nghiệp củng cố nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí khẳng định: “Công tác kiểm sát không phải muốn làm như thế nào cũng được, vì nó đụng chạm đến sinh mạng của con người”.

Công tác kiểm sát trước hết phải bảo vệ dân chủ vì dân là gốc của đất nước, phải quan tâm đến lợi ích của người lao động. Do đó, một trong những trọng tâm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân là phải bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân trong suốt toàn bộ hoạt động của các khâu công tác kiểm sát ở các cấp, đấu tranh với tình trạng vi phạm dân chủ ở nông thôn, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, bảo vệ quyền dân chủ của công dân trong công tác bắt, giam giữ, truy tố, xét xử, thi hành án,…

Nhờ có những chủ trương đúng đắn và tổ chức thực hiện tốt nên ngành Kiểm sát nhân dân đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì công tác kiểm sát không thể không đặt vấn đề bảo vệ các quyền dân chủ của công dân như là một trọng tâm công tác của ngành. Với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, con người Việt Nam phải được đặt ở vị trí trung tâm trong các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong điều kiện chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước, của công tác pháp chế trong việc bảo đảm các quyền dân chủ của công dân, trong đó có hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân. Điều đó thể hiện quan điểm chỉ đạo đúng đắn của đồng chí Hoàng Quốc Việt mà chúng ta đang kế thừa.

Có lúc, khi bàn về dân chủ chuyên chính, có ý kiến đã cho rằng ngành Kiểm sát nhân dân nặng về bảo vệ dân chủ, có người còn gọi Kiểm sát viên là “ông dân chủ”. Thực tiễn mấy chục năm qua đã cho thấy, ý kiến đó là không đúng đắn, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Quan tâm đến lợi ích của người dân được pháp luật bảo vệ là một tâm niệm rất tha thiết và sâu sắc của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường đã trải qua nhiều thử thách, đồng chí rất căm ghét những thói hư, tật xấu, những con sâu mọt lẫn vào đội ngũ cán bộ.

Trong một thời gian dài, hễ ở đâu có cán bộ, đảng viên dù là chức vụ gì mà phạm tội hoặc vi phạm pháp luật, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng kịp thời chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm minh, không nhân nhượng. Vào thời ấy, có ý kiến băn khoăn sao không lấy đánh địch là chủ yếu mà lại tập trung xử lý cán bộ, tức là “đánh vào nội bộ" ta. Bây giờ, khi mà tệ tham nhũng đang trở thành quốc nạn, chúng ta cũng gặp lại các kiểu lập luận của những năm trước đây và cả sự bao che, ô, dù nhiều màu sắc, nhưng trên hết, chúng ta càng thấy rõ nhãn quan chính trị sắc bén, lòng dũng cảm, tính nhân hậu vì Đảng, vì dân của đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Nét nổi bật về phẩm chất cao quý đó là lòng trung thực và tinh thần đấu tranh bảo vệ công lý. Là một nhà lãnh đạo tiền bối, được Đảng phân công phụ trách công tác dân vận, đồng thời lại là một chiến sĩ kiên cường trên mặt trận bảo vệ pháp chế, đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa với tính nguyên tắc, lập trường kiên định, vững vàng của người cộng sản. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quan tâm đến cuộc sống của mọi người, của tất cả cán bộ dưới quyền, dù người đó là cán bộ có chức hay nhân viên đánh máy, cấp dưỡng phục vụ,... Trong lĩnh vực xây dựng ngành, công tác tổ chức cán bộ, đồng chí luôn quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhất là đối với lớp cán bộ trẻ. Đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ trẻ và cán bộ đương chức phải thường xuyên nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt, trau dồi lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt 5 đức tính Bác Hồ dạy, không được chủ quan, tự mãn. Đồng chí thường nói: “Thế giới người ta đã đi đến mặt trăng rồi nên trình độ cán bộ của ta không thể giẫm chân tại chỗ mãi như thế này được”. Do vậy, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng đồng chí luôn quan tâm dành thời gian chăm lo công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cán bộ lãnh đạo. Bản thân đồng chí đã nhiều lần trực tiếp đến giảng bài cho các lớp dài hạn cũng như ngắn hạn của Trường Cán bộ kiểm sát. Nhiều thế hệ cán bộ Kiểm sát đã được đồng chí quan tâm dìu dắt, riêng tôi có lần được đồng chí viết thư yêu cầu phải trực tiếp giữ quyền công tố một số vụ án đặc biệt quan trọng trong lúc tôi đang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Bắc, để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp và lòng biết ơn chân thành không thể nào quên.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã sống trọn vẹn tấm lòng thủy chung, son sắt với Đảng, với dân cũng như đối với ngành Kiểm sát nhân dân và thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng, về với Bác Hồ kính yêu. Tấm gương mẫu mực của đồng chí đối với Đảng, với dân, với ngành Kiểm sát nhân dân sẽ không bao giờ phai mờ.

Nếu các thế hệ mai sau viết cuốn lịch sử của ngành Kiểm sát nhân dân thì chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng: Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một trong những bậc lãnh đạo tiền bối của Đảng, một nhà lãnh đạo kiểu mẫu, tiêu biểu nhất, vị Viện trưởng đầu tiên của toàn ngành mà chúng ta vinh dự đứng trong đội ngũ được đồng chí lãnh đạo, dìu dắt, chúng ta nguyện suốt đời noi gương đồng chí.

NGUYỄN VĂN THÌN - Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

(Bài trích từ cuốn "Hội thảo khoa học đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân, Bắc Ninh, năm 2020).