Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Nhà Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, có công lao lớn trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm sát
Ngày đăng : 09:00, 19/05/2025
1. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân lao động trên vùng đất Kinh Bắc, giàu truyền thống văn hóa, một vùng đất "địa linh nhân kiệt", với lòng yêu nước nồng nàn, sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1928), trở thành đảng viên lớp đầu tiên tham gia sáng lập Đảng, là Ủy viên Ban Chấp ủy (Ban Chấp hành Trung ương) lâm thời của Đảng ngay từ khi Đảng mới thành lập. Năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Trước Tòa đề hình Kiến An, đồng chí dõng dạc tuyên bố: “Tôi không cần từ chối gì về hoạt động cách mạng của tôi cả vì đó là bốn phận của tôi phải góp sức cứu vớt 20 triệu đồng bào và đánh đổ giai cấp tư sản đế quốc"¹. Trong ngục tù Côn Đảo, đồng chí luôn giữ vững ý chí, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, tiếp tục tham gia xây dựng tổ chức Đảng, đấu tranh bảo vệ các đồng chí mình, nghiên cứu lý luận, chính trị,...
Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng, được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1937), rồi tham gia Ban Thường vụ Trung ương Đảng (từ năm 1941). Trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách và có tính chất quyết định này của cách mạng nước ta, đồng chí đã thể hiện rõ là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng ta, có tầm nhìn chiến lược và tài tổ chức, giỏi vận động quần chúng, không nề hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với toàn Đảng - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chỉ trong vòng hơn 5 tháng (từ giữa tháng 8/1945 đến cuối tháng 01/1946), trên cương vị Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tại Nam Bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chứng tỏ được rõ ràng nhất, rực rõ nhất tài năng lãnh đạo của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng. Trước khi đồng chí lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chú có thể chọn thêm vài người cùng đi. Cố gắng có mặt ở Nam Bộ sớm ngày nào hay ngày đấy. Nhớ cần thực hiện chính sách đoàn kết của Việt Minh cho tốt. Trên đường đi sẽ gặp nhiều sự kiện, tùy cơ ứng biến, hết sức linh hoạt, nhưng phải giữ nguyên tắc "1. Nhớ lời Bác dặn, đồng chí luôn chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong công việc, kịp thời báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ngay cả khi tình huống hết sức khẩn cấp và điều kiện thông tin liên lạc vô cùng khó khăn lúc bấy giờ.
![]() |
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với các đồng chí Viện trưởng VKSND các tỉnh miền núi. Ảnh: Tư liệu |
Nổi bật là, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ ngay lập tức quyết định đón các đồng chí tù Côn Đảo trở về, xác định đây là công việc cấp bách số một. Đây là một quyết định rất đúng đắn, sáng suốt để kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ cho Xứ ủy Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao thành tích của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xây dựng và củng cố các lực lượng vũ trang Nam Bộ, tổ chức động viên nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống kẻ thù xâm lược tại Hội nghị Thiên Hộ². Khi đồng chí Hoàng Quốc Việt gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo chuyến công tác tại miền Nam, câu đầu tiên Người nói với học trò của mình là: “Chú Việt đã trở thành nhà quân sự".
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, được phân công phụ trách công tác dân vận, Mặt trận và công đoàn, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng hoạch định đúng đắn chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện xuất sắc mục tiêu “thêm bạn, bớt thù”, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, tập hợp đoàn kết các dân tộc, đảng phái và tôn giáo vì lợi ích tối cao của dân tộc.
Như vậy, gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đồng chí là nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng ta, có tầm nhìn chiến lược và tài tổ chức, rất giàu kinh nghiệm và giỏi vận động quần chúng. Ở vị trí công tác nào, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng rất sâu sát thực tế, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu; đã để lại trong nhân dân ta về hình ảnh một đảng viên trung kiên, bất khuất; không nề hy sinh, gian khổ; liêm khiết, giản dị, chân thành, khoan dung, độ lượng, được nhân dân, cán bộ và đảng viên tin yêu.
Chúng tôi nghĩ rằng, chính vì tài năng và đức độ của đồng chí Hoàng Quốc Việt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tin cậy giao cho đồng chí làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao một thiết chế rất mới, lần đầu tiên được hiến định trong lịch sử nước ta theo Hiến pháp năm 1959, có vai trò, chức năng cực kỳ quan trọng trong Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, đó là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Và chính ở cương vị này, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với việc xác lập vị trí, vai trò, chắc năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong thể chế của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xứng đáng với sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và nhân dân.
2. Đồng chí Hoàng Quốc Việt có công lao lớn trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm sát
Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng đầu tiên và mẫu mực của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cũng là người giữ chức vụ này lâu nhất (1960-1976), đã có công lao lớn, đặt nền tảng xây dựng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân các cấp về mọi mặt. Đặc biệt, công tác tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng độ ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân là mối quan tâm thường xuyên của Viện trưởng Hoàng Quốc Việt. Mặc dù kiêm nhiệm nhiều công việc của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Tổng Công đoàn..., song trong suốt 16 năm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí luôn tập trung, dồn công sức, trí tuệ và tâm huyết của mình cho công tác xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm sát.
Thời bấy giờ, công tác kiểm sát còn rất mới mẻ, cán bộ được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát nhân dân chủ yếu là cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể và các chiến sĩ, sĩ quan quân đội, xuất thân từ tầng lớp công - nông, đã qua rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, công tác nhưng chưa được trang bị kiến thức về pháp luật, đặc biệt là chưa được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát. Đây là thách thức, khó khăn lớn nhất mà ngành Kiểm sát nhân dân lúc đó cần phải vượt qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước tình hình đó, là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng với tầm nhìn xa, trông rộng, luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, với sự từng trải và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bắt tay ngay vào xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm sát theo phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng”. Những quyết định, ý kiến chỉ đạo, định hướng xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm sát của đồng chí là những định hướng chỉ đạo mang tính nền tảng cho sự hình thành và phát triển của đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân từ trước đến nay.
Cuối năm 1960, Viên kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp mời chuyên gia Liên Xô mở lớp pháp lý dài hạn 2 năm cho cán bộ trung cấp, cao cấp của 3 ngành. Với tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, năm 1963, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát ngắn hạn đáp ứng nhu cầu cán bộ trong những ngày đầu mới thành lập.
Sau một năm mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát, trên cơ sở kết quả đạt được, ngày 12/10/1964, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát, đồng thời giao cho nhà trường tổ chức biên soạn bộ giáo trình về khoa học pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát đầu tiên, dùng làm tài liệu đào tạo cán bộ, kiểm sát viên theo hình thức tập huấn từ 2 tháng đến 6 tháng, góp phần phổ cập cấp tốc trình độ pháp luật và kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của ngành, từ đó thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sau khi được thành lập, Trường Cán bộ kiểm sát đã liên tục khai giảng các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ 3 tháng, 6 tháng để bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về đường lối, nhiệm vụ cách mạng, về Hiến pháp, pháp luật và về nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong ngành. Sự ra đời của Trường Cán bộ kiểm sát năm 1964 theo quyết định của đồng chí Hoàng Quốc Việt, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng của ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần đào tạo, bồi dưỡng những lớp cán bộ đầu tiên của ngành, đồng thời là cơ sở để tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống bài giảng, giáo trình cho những năm sau này.
Trước yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, cùng với việc quyết định thành lập Trường Bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát (năm 1970) đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn chủ động đề nghị ba trường của ba ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án thống nhất xây dựng hệ thống giáo trình, đặc biệt là giáo trình giảng dạy về pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự. Những cuốn giáo trình đó đã trở thành cẩm nang cho cán bộ các ngành tư pháp trong một thời gian dài và là cơ sở, nền tảng căn bản cho việc xây dựng giáo trình Luật hình sự, Tố tụng hình sự cho các cơ sở đào tạo luật sau này ở nước ta. Chính sự thống nhất giáo trình đào tạo của 3 ngành như vậy, đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức pháp luật, thống nhất hành động, hạn chế sự khác biệt trong quá trình vận dụng pháp luật.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta mới thống nhất, đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát dân dân các tỉnh, thành phố phía Nam còn thiếu trầm trọng. Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời ra chủ trương điều động một số lượng lớn cán bộ, kiểm sát viên có trình độ, kinh nghiệm công tác từ Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc bổ sung kịp thời cho Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam; đồng thời tuyển dụng những sĩ quan quân đội, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ vào ngành, tạo cơ sở cho việc xây dựng nguồn nhân lực ban đầu cho các Viện kiểm sát nhân dân mới thành lập ở phía Nam và xúc tiến việc thành lập cơ sở đào tạo ở phía Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ mới được tuyển dụng vào ngành.
Hiểu rõ những khó khăn, phức tạp trong lĩnh vực kiểm sát việc tuân theo pháp luật nên đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức và văn hóa ứng xử của người cán bộ kiểm sát. Đồng chí yêu cầu rất cao về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người cán bộ kiểm sát, dành thời gian trực tiếp lên lớp giảng bài, nói chuyện với giáo viên và học viên ngành Kiểm sát về đạo đức, phẩm chất của người cán bộ kiểm sát theo lời Bác Hồ dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt quan niệm rằng: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, phải phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng qua từng thời kỳ cách mạng.
Chính vì vậy, đồng chí đặt ra yêu cầu đầu tiên là xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát phải có lập trường chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, lấy hoạt động cách mạng làm sự nghiệp phấn đấu, sẵn sàng đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết.
Trong công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng đối với người cán bộ kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn quan tâm đến công tác quần chúng, nhắc nhở “cán bộ kiểm sát phải có tư tưởng trọng dân, hành động của mỗi cán bộ kiểm sát không có gì khác hơn là làm lợi cho cách mạng, làm lợi cho nhân dân". Theo quan điểm của đồng chí, việc quán triệt tính nhân dân, không chỉ là đạo đức cách mạng của người cán bộ kiểm sát mà còn tạo điều kiện cho ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng được giao, do đó muốn phát hiện tội phạm phải dựa vào quần chúng, đồng thời phải làm cho quần chúng hiểu biết pháp luật, sử dụng pháp luật để đấu tranh chống tội phạm.
Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, để bảo đảm cho công tác kiểm sát được thực hiện tốt, ngoài việc tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, đi đúng đường lối của quần chúng, nắm vững được tình hình, người cán bộ kiểm sát phải nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ của mình. Phải đặt chế độ sát hạch cho tất cả cán bộ kiểm sát để nâng cao trình độ chung của cán bộ ở các cấp, thí dụ cán bộ kiểm sát ở cấp nào thì qua sát hạch phải đạt đủ điểm trung bình phù hợp với trình độ cán bộ ở bậc đó. Có như vậy mới bảo đảm cho bộ máy tiến lên một cách đồng đều. Rồi đây, ngành Kiểm sát nhân dân cũng phải xây dựng ngành qua sát hạch, vì có sát hạch mới có thể bảo đảm cho kiểm sát viên ở bậc nào có đầy đủ tiêu chuẩn bậc đó, bảo đảm cho mỗi người cán bộ kiểm sát có khả năng đảm nhiệm được công tác của mình một cách đầy đủ.
Về tác phong làm việc của cán bộ kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh: Cán bộ kiểm sát phải có tính tỉ mỉ, thận trọng, khách quan, không được tùy tiện làm theo ý chí chủ quan, công tác kiểm sát không phải muốn làm thế nào cũng được, bởi nó đụng chạm đến sinh mệnh con người.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta, có công lao lớn trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm sát. “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và và toàn quân ta yêu mến và kính trọng.
Ngành Kiểm sát nhân dân mãi mãi ghi công ơn đối với đồng chí Hoàng Quốc Việt, người Viện trưởng đầu tiên vô cùng kính trọng.
TRẦN QUỐC VƯỢNG - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng
(Bài trích từ cuốn "Hội thảo khoa học đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân, Bắc Ninh, 2020).