Đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi
Ngày đăng : 14:17, 19/05/2025
1. Một số vấn đề chung về hoạt động của Kiểm sát viên trong việc đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi
Hoạt động của Kiểm sát viên trong việc đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua công tác khám nghiệm hiện trường (KNHT), khám nghiệm tử thi (KNTT) là hoạt động tư duy nhằm xác định các giá trị chứng minh của chứng cứ, mà trọng tâm nhất là nghiên cứu, phân tích dấu vết tồn tại ở hiện trường, phương tiện, cơ thể người tham gia giao thông. Kiểm sát viên tiến hành hoạt động này bằng cách nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, so sánh các thông tin, tài liệu, sự kiện có được từ kết quả công tác KNHT, KNTT và gắn liền với ý thức pháp luật, cảm xúc nội tâm của mình. Kiểm sát viên phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện các chứng cứ, đưa ra nhận định về tính hợp pháp, liên quan và khách quan của từng chứng cứ, đánh giá những chứng cứ nào cần và đủ để phục vụ cho hoạt động chứng minh sự thật của vụ án, những chứng cứ quan trọng còn thiếu phải được thu thập bổ sung, những chứng cứ không liên quan để loại bỏ.
Tuy nhiên, trong vụ việc tai nạn giao thông đường bộ, hiện trường thường bị xáo trộn, dễ mất đi những dấu vết, vật chứng; nhiều loại dấu vết xuất hiện ở các khu vực khác nhau, diễn biến của vụ tai nạn xảy ra rất nhanh. Do đó, trên thực tế, việc kết luận lỗi của người tham gia giao thông nếu chỉ thông qua đánh giá trực quan tại hiện trường sẽ rất khó đảm bảo tính chính xác. Vì vậy, để giải quyết toàn diện, đúng đắn vụ việc, Kiểm sát viên không chỉ dựa vào các dấu vết thu thập được qua công tác KNHT, KNTT, mà còn cần nghiên cứu, đánh giá tổng hợp các chứng cứ khác theo quy định của luật tố tụng hình sự như: Bản kết luận giám định pháp y tử thi, giám định pháp y thương tích; kết quả khám phương tiện; kết quả nghiên cứu dữ liệu điện tử trên camera hành trình, camera giám sát an ninh…; vật chứng của vụ án; lời khai của bị can, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp nếu bị hại đã chết, người làm chứng cùng các tài liệu khác.
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động đánh giá chứng cứ, Kiểm sát viên cần làm tốt các hoạt động trước đó, tức là phải chú trọng kiểm sát chặt chẽ các hoạt động của Điều tra viên, Giám định viên, Kỹ thuật viên trong việc phát hiện, thu giữ dấu vết, vật chứng, đảm bảo phát hiện, thu giữ đầy đủ, khách quan các dấu vết, vật chứng tại hiện trường. Việc khám nghiệm phương tiện giao thông gây tai nạn cần tiến hành càng sớm càng tốt để xác định chính xác nguyên nhân gây tai nạn, lỗi của người điều khiển phương tiện, thiệt hại về tài sản. Trong việc đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải dựa trên cơ sở tôn trọng các quy luật của vận động vật chất, nguyên lý hoạt động và cấu tạo của từng phương tiện, đoạn đường nơi xảy ra tai nạn… để xác định cơ chế hình thành dấu vết, từ đó sắp xếp lại các sự kiện, dấu vết, tìm ra những điểm thống nhất, phù hợp, những điểm mâu thuẫn, sai quy luật, định hướng giúp Điều tra viên thực hiện công tác KNHT tốt nhất. Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên làm rõ hành vi của người phạm tội đã vi phạm quy tắc nào trong Luật giao thông đường bộ năm 2008? Thời gian xảy ra tai nạn? Xác định rõ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi phạm tội gây ra cho nạn nhân, tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân; kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa những thiệt hại này với hành vi phạm tội, tức là phải do chính hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ trực tiếp gây nên. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần chú ý yêu cầu Điều tra viên khai thác thông tin từ việc trích xuất thiết bị giám sát hành trình của phương tiện, từ hệ thống camera an ninh của nhà dân xung quanh hoặc tại một số tuyến đường có lắp hệ thống giám sát an ninh (nếu có) nhằm hỗ trợ hoạt động thu thập, đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường; khẩn trương yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra lấy ngay lời khai và ghi âm lời khai của những người biết sự việc. Đối với các vụ án phức tạp, có nhiều mâu thuẫn trong việc chứng minh tội phạm thì sau khi kết thúc KNHT, Kiểm sát viên phải yêu cầu tiến hành các biện pháp điều tra như: Thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói hoặc có thể khai quật tử thi để khám nghiệm hoặc khám nghiệm lại, các biện pháp điều tra khác.
Trong quá trình phối hợp đánh giá chứng cứ, Kiểm sát viên phải thường xuyên trao đổi cùng Điều tra viên đưa ra định hướng cho hoạt động khám nghiệm, những vấn đề cần làm sáng tỏ, những chứng cứ cần thu thập; xác định rõ những dấu vết, vật chứng cần trưng cầu giám định; việc đánh giá dấu vết phải được thực hiện một cách nghiêm túc, tỉ mỉ, đặc biệt là đánh giá từng dấu vết cụ thể.
2. Cách thức xác định lỗi của người tham gia giao thông đường bộ
2.1. Xác định điểm va chạm đầu tiên và những vấn đề liên quan
Sự va chạm đầu tiên giữa các phương tiện giao thông hoặc với vật cản trở giao thông luôn để lại trên hiện trường những dấu vết có thể giúp xác định chính xác vị trí xảy ra sự va chạm đó. Các dấu vết của điểm va chạm (điểm đụng) đầu tiên thường để lại trên mặt đường những dấu vết như: Vết cà xước mặt đường bộ, đường ray, vết phanh, vết dầu, nhớt, các mảnh vỡ... nơi xảy ra đâm va. Việc xác định đúng vị trí điểm va chạm giữa các phương tiện trên hiện trường giúp Điều tra viên, Kiểm sát viên đánh giá được nguyên nhân vụ tai nạn, lỗi của các bên, từ đó xác định trách nhiệm hình sự thuộc bên nào có ý nghĩa rất quan trọng đến việc giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan, không xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Để xác định chính xác điểm va chạm của vụ tai nạn giao thông trên hiện trường, Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên xác định: Dấu vết do phương tiện giao thông hoặc người tham gia giao thông bị đổ, ngã trực tiếp va đập trên mặt đường; dấu vết do hai bên phương tiện đâm va vào nhau rơi vãi trên mặt đường, hình dáng của dấu vết này phụ thuộc vào tính chất đâm va như ngược chiều, xuôi chiều, đâm chếch, đâm thẳng; dấu vết để lại trên phương tiện, người, đồ vật có liên quan. Đây là các dấu vết hình thành do sự va chạm lần đầu giữa các phương tiện. Do tính chất đâm va trong mỗi vụ tai nạn là khác nhau nên vị trí, hình dáng, kích thước của các dấu vết cũng khác nhau như: Lồi, lõm, cày xước, chùi trượt... để lại trên đầu xe, sườn xe hoặc trên tử thi, tư trang hành lý... Điểm va chạm đầu tiên thường xuất hiện ở phần bắt đầu các vết cà xước, đổ vỡ, rơi vãi... trên đường. Vì vậy, khu vực sát với điểm bắt đầu của vết cà xước trên mặt đường thường xuất hiện các dấu vết phản ánh điểm va chạm đầu tiên của vụ tai nạn.
Cùng với việc xác định điểm va chạm đầu tiên, cần làm rõ các vấn đề sau:
- Hướng di chuyển của các phương tiện giao thông hoặc vật cản trở giao thông ngay trước khi tai nạn giao thông xảy ra và vị trí dừng, đỗ của các phương tiện giao thông, của nạn nhân... sau khi xảy ra tai nạn. Thông thường, việc xem xét trực quan rất khó để đưa ra nhận định về hướng di chuyển một cách chính xác, nên nhiều trường hợp phải tiến hành trưng cầu giám định.
Ví dụ: Hồi 23 giờ 03 phút ngày 16/10/2020 tại km5+290 đường 385 thuộc địa phận thôn N, xã L, huyện V, tỉnh H xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô biển kiểm soát 79A-059.xx và xe mô tô biển kiểm soát 79L1-196.xx. Hậu quả làm 03 người đi xe mô tô chết. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V đã thu giữ 02 phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn và gửi trưng cầu giám định kèm theo hồ sơ vụ tai nạn với yêu cầu xác định cơ chế va chạm giữa 02 phương tiện và chiều hướng chuyển động của chúng tại thời điểm va chạm. Kết quả giám định thể hiện: Dấu vết trượt, bám dính chất màu đen (dạng cao su) ở mặt ngoài phía dưới bên trái chắn đà trước và dấu vết biến dạng hằn, trượt xước kim loại, bám dính chất màu xanh và đen ở mặt ngoài bên trái đầu xe (nắp máy, chắn đà, ốp kim loại bên trái) ở xe ô tô phù hợp về kích thước, chiều hướng tương ứng với dấu vết trượt xước, mất cao su màu đen ở mặt ngoài bên trái mặt lăn lốp bánh trước và dấu vết vỡ mất ốp nhựa màu xanh, trượt xước mất sơn màu đen ở mặt ngoài phía trên bên trái (càng trước, mặt nạ, tay lái) xe mô tô. Căn cứ vào kết luận trên, có thể xác định tại thời điểm va chạm 02 phương tiện trên chuyển động ngược chiều nhau và va chạm về phía bên trái của 02 xe.
- Xác định điểm đụng nằm ở phần đường bên phải hay bên trái theo hướng tham gia giao thông của người gây tai nạn. Theo đó, cần xác định được tim đường. Nếu điểm đụng được xác định nằm bên phần đường trái theo hướng tham gia giao thông của bị can thì xác định bị can lấn trái đường hoặc vượt xe không bảo đảm an toàn gây tai nạn. Từ những vết cà xước hoặc vết phanh xe của phương tiện để lại trên mặt đường, thông qua kết quả giám định của cơ quan chuyên môn, hoặc qua hệ thống camera công cộng, thiết bị ghi lại hành trình của xe ô tô, có thể xác định tốc độ xe xem bị can có vi phạm tốc độ hay không, chiều hướng xe trước khi va chạm. Do đó, việc tuân thủ các quy định về thu thập, lập biên bản KNHT đóng vai trò rất quan trọng để công tác giám định đạt hiệu quả cao nhất.
Ví dụ: Khoảng 22 giờ 10 phút ngày 14/02/2016 tại đường S, huyện H, tỉnh P đã xảy ra va chạm giữa xe ô tô biển kiểm soát XXA-263.xx do anh Đ điều khiển với xe mô tô biển kiểm soát XXD1-082.xx do anh T điều khiển chở chị D. Hậu quả làm chị D tử vong tại bệnh viện, anh T bị thương nhẹ, 02 phương tiện bị hư hỏng. Để có căn cứ giải quyết vụ việc, Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định xác định dấu vết va chạm và xác định vị trí va chạm trên mặt đường giữa 02 phương tiện. Kết quả giám định đã xác định được dấu vết vỡ nhựa, vỡ cụm đèn tín hiệu, bẹp kim loại tại góc bên trái đầu xe và dấu vết bẹp móp kim loại tại tai xe bên trái của xe ô tô phù hợp về kích thước và chiều hướng với các dấu vết biến dạng, vỡ toàn bộ các thiết bị nhựa tại phần đuôi xe, dấu vết trượt xước nhựa, bám dính chất màu ghi sáng tại mặt ngoài phía sau ốp nhựa sườn phải và dấu vết trượt xước kim loại, giắt mảnh chất màu đen, trắng tại ốc bắt giữ ốp bảo vệ ống xả trên xe mô tô biển. Căn cứ vào kết luận này có thể xác định: Tai nạn xảy ra khi 02 phương tiện đi cùng chiều; phần bên trái xe ô tô va chạm vào phần đuôi bên phải xe mô tô; khi xe mô tô đổ xuống đường, khả năng vẫn bị xe ô tô tiếp tục va chạm đẩy đi trên mặt đường. Ngoài ra, khi nghiên cứu tài liệu KNHT cho thấy, ngoài vị trí 02 xe, còn có các dấu vết sau: 02 vết trượt, 01 vết dầu có cùng chiều hướng và 01 vết cày uốn lượn kết thúc tại vị trí xe ô tô dừng; 02 vết trượt giống dấu vết do lốp xe để lại trên mặt đường và gờ vỉa hè, trong đó 01 vết trượt khả năng do lốp của xe mô tô để lại, 01 vết trượt khả năng do lốp xe ô tô để lại; vết dầu là do lốc máy xe mô tô bị vỡ, làm chảy dầu làm mát ra mặt đường; vị trí va chạm giữa 02 phương tiện trên mặt đường ở phía trước dấu vết dầu. Với những thông tin thu được từ kết luận giám định, Cơ quan điều tra đã làm rõ diễn biến và lỗi của chủ điều khiển xe ô tô trong vụ tai nạn trên.
2.2. Xác định cơ chế hình thành dấu vết
Việc đánh giá dấu vết để xác định cơ chế hình thành có thể thông qua quan sát trực quan hoặc dựa vào kết luận giám định. Để đánh giá chính xác cơ chế, nguyên nhân tai nạn và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với hậu quả thiệt hại, Kiểm sát viên cần nghiên cứu, phân tích ý nghĩa của các dấu vết thu thập được.
Thứ nhất, đánh giá qua dấu vết trên hiện trường:
- Dấu vết lốp: Giúp đánh giá lỗi trong việc xác định kết cấu kỹ thuật của đường (độ cứng, độ mềm, độ trơn, độ nhẵn…); đặc điểm kỹ thuật của lốp xe; tình trạng kỹ thuật của xe; tốc độ xe chạy… Khi má lốp trực tiếp tác động vào quần áo, cơ thể nạn nhân hoặc những vật khác có tại hiện trường cũng làm xuất hiện dấu vết lốp xe dưới dạng dấu vết in; khi phương tiện đang chuyển động bị phanh đột ngột hoặc do sự cố kĩ thuật khiến hệ thống bánh xe bị co cứng sẽ làm mặt lốp xe bị trượt trên mặt đường, tạo ra dấu vết phanh (dấu vết trượt). Lưu ý phối hợp với kĩ thuật viên: Đếm số lượng, vị trí của dấu vết lốp xe để có cơ sở để xác định loại phương tiện, cần tiến hành đánh giá trong phạm vi dài, rộng, chú ý những vị trí xe đi vòng, chỗ xe tránh chướng ngại vật. Nếu xác định được chiều rộng hoa vân của lốp để lại trên mặt đường sẽ xác định được chiều rộng của lốp xe; nghiên cứu loại hoa vân của lốp để nhận định được loại xe gây ra dấu vết đó qua đó xác định lỗi của người điều khiển; xác định khoảng cách của hai bánh xe, khoảng cách giữa trục trước và trục sau của xe, đường kính vành ngoài của lốp, để truy nguyên phương tiện.
- Dấu vết phanh: Giúp xác định lỗi thông qua tốc độ xe trước khi va chạm; điểm chạm đầu tiên; hướng chuyển động; tình trạng kĩ thuật xe; đánh giá việc xử lý tình huống của người điều khiển. Nhìn chung, nếu tốc độ lớn, trọng tải nặng, mặt đường trơn thì dấu vết càng đậm, càng dài và ngược lại. Để đánh giá dấu vết phanh có hiệu quả đảm bảo chính xác, khách quan cần chú ý đến cách đo đạc. Trước hết, phải xác định đúng điểm bắt đầu và điểm kết thúc của vết phanh; cần đo đạc đầy đủ dấu vết phanh của cả bánh trước và bánh sau và đo vết có chiều dài nhất, tính từ vết mờ (điểm bánh xe bắt đầu ngừng quay) đến phía kết thúc vết đậm (xe ngừng hẳn).
- Ngoài nội dung đánh giá đã phân tích ở trên, tại mặt đường nơi xảy ra tai nạn khi tiến hành KNHT cần đánh giá các dấu vết, các sản phẩm có nguồn gốc từ phương tiện gây tai nạn để lại hiện trường như:
+ Dấu vết cày xước mặt đường: Dùng để xác định xác định được lực tác động, chiều hướng chuyển động của các phương tiện trước thời điểm va chạm… từ đó xác định hướng chuyển động của phương tiện, phần đường đi của từng phương tiện, tốc độ của các phương tiện, lỗi của các bên;
+ Dấu vết sơn: Dùng để xác định sự liên quan, vị trí va chạm giữa các phương tiện (ví dụ: Dựa vào độ cao so với mặt đất), xác định vị trí sơn, ma tit rơi trên hiện trường trong mối quan hệ với các dấu vết và phương tiện; dấu vết khớp, dấu vết sinh vật, các loại dấu vết khác như xăng, dầu, mỡ, than, sơn và các hàng hóa, vật liệu xe chuyên chở rơi lại như đất, cát, xi măng, than, vôi..., các phần gãy, vỡ, bong, sứt mẻ của các bộ phận xe để lại, các dấu vết hàng hóa, đồ vật rơi trên đường để truy tìm người phạm tội, loại phương tiện, hướng di chuyển trước và sau khi va chạm…
Thứ hai, dấu vết trên phương tiện gây tai nạn: Nội dung quan trọng nhất của việc đánh giá dấu vết trên phương tiện gây tai nạn là xem xét, phân tích các biến đổi vật chất mới xuất hiện trên phương tiện khi vụ tai nạn xảy ra. Các dấu vết trên phương tiện giao thông phổ biến như dấu vết cơ học (các vết bẹp lõm, vết do phương tiện bị đổ, vết in hằn, vết do sự cố kỹ thuật), hóa học (sơn, nhựa, cao su), dấu vết sinh vật… Độ rõ nét của dấu vết phụ thuộc vào độ cứng của vật tiếp xúc, vào chiều hướng lực tác động của các bên phương tiện trực tiếp tiếp xúc.
Dấu vết cà xước, trượt trên phương tiện phổ biến trong vụ tai nạn khi các phương tiện va quệt cùng chiều hay ngược chiều nhau; dấu vết cà xước thường xuất hiện trên phương tiện tại các vị trí có bề mặt tương đối cứng, bằng phẳng, nơi trực tiếp tiếp xúc giữa các phương tiện; dấu vết bẹp, lõm… chứng tỏ vật gây vết phải có độ cứng tương đối lớn hơn độ cứng bề mặt của phương tiện trực tiếp bị va đâm; dấu vết bong, tróc có thể dùng để so sánh với vật chất nghi vấn tồn tại trên vật gây vết, từ đó xác định được vật gây vết đã tạo ra dấu vết bong tróc trên phương tiện tham gia tai nạn; dấu vết sinh học như máu, mảnh da, tổ chức não…nếu tồn tại trên phương tiện nghi gây tai nạn cần thu thập để tiến hành giám định, xác định tính liên quan giữa phương tiện nghi gây tai nạn và nạn nhân.
Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên tiến hành đánh giá các dấu vết biểu hiện sự tác động cơ học giữa phương tiện với môi trường vật chất ở hiện trường, (các vết sơn bị bong tróc, sứt mẻ, vết gẫy, vỡ của đèn, ba đờ sốc, kính, gương…, những dấu vết có nguồn gốc từ phương tiện khác, từ nạn nhân, từ hiện trường tác động vào phương tiện khi có sự va chạm như: Dấu vết sơn, gỗ, dấu vết máu, bông vải sợi…). Từ sự đánh giá đó, có thể xác định nguồn gốc, cơ chế hình thành, thời gian xuất hiện của dấu vết, sau đó kết hợp với kết quả đánh giá các dấu vết, thông tin khác để xác định điểm chạm đầu tiên của phương tiện gây tai nạn với các vật, chất khác ở hiện trường và hình dung diễn biến sự việc xảy ra.
Ví dụ: Khoảng 22 giờ ngày 06/6/2019, trên quốc lộ thuộc địa phận xóm 6 xã M, huyện S, tỉnh T đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe mô tô biển kiểm soát xxL3-86xx do anh N điều khiển nghi va chạm với xe ô tô biển kiểm soát xxM-70xx do anh C điều khiển. Hậu quả làm anh N chết tại bệnh viện. Trong quá trình lấy lời khai ban đầu, đối tượng C không thừa nhận đã va chạm với xe mô tô. Tuy nhiên, khi KNHT và khám phương tiện đã phát hiện 01 mảnh thanh gỗ bị gẫy trên thùng xe ô tô, đồng thời trên giá đèo hàng của xe mô tô cũng phát hiện 01 mảnh thanh gỗ bị gẫy. Qua nghiên cứu, có thể đưa ra nhận định 02 mảnh thanh gỗ bị gẫy trên là 02 nửa của một thanh gỗ ban đầu. Kiểm sát viên và Điều tra viên đã tiến hành trưng cầu giám định dấu vết khớp 02 mảnh thu được. Căn cứ vào kết luận giám định, khẳng định dấu vết để lại trên 02 mảnh gỗ trên trùng khớp với nhau, đây là căn cứ quan trọng đấu tranh để đối tượng C nhận tội.
Thứ ba, dấu vết trên cơ thể người bị nạn:
Các dấu vết trên cơ thể nạn nhân gồm dấu vết trên quần áo như rách vải (nói lên vị trí va chạm, chiều hướng va chạm, truy nguyên cá biệt con người); dấu vết mài trượt, dấu vết cao su, vân hoa lốp, dấu vết sinh học (máu, mảnh vụn da…) và các thương tích. Người bị thương tích hoặc chết chủ yếu do 02 nguyên nhân chính: Chịu sự tác động trực tiếp của phương tiện lên cơ thể, hoặc bị tổn thương do va đập khi ngã xuống đường;... Khi nghiên cứu, đánh giá, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên, Giám định viên pháp y để xác định đây thực sự có phải là vụ tai nạn giao thông hay không? Nếu đúng là vụ tai nạn giao thông thì tổn thương do nguyên nhân nào gây nên? Thương tích nào quyết định cái chết? Dấu vết thương tích là do trực tiếp phương tiện gây nên hay do gián tiếp làm nạn nhân ngã, hoặc nạn nhân tự ngã dẫn đến chết? Mặt khác, cần nghiên cứu, đánh giá trên người nạn nhân, ngoài dấu vết thương tích do tai nạn thì còn có tổn thương do bệnh lý cũ nào không? Tổn thương và bệnh lý cũ có liên quan và ảnh hưởng gì đến tổn thương do tai nạn hay không? Từ đó, làm rõ tư thế, tình huống xảy ra tai nạn, điểm va chạm giữa người và phương tiện nhằm xác định lỗi.
2.3. Trưng cầu giám định đối với những dấu vết chưa đủ cơ sở đánh giá ngay tại hiện trường
Đa số trường hợp, việc đánh giá không thể dựa vào quan sát trực quan và phán đoán ngay tại hiện trường, vì vậy, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên lựa chọn những dấu vết có đủ yếu tố giám định để ra quyết định trưng cầu giám định, thu mẫu so sánh phục vụ quá trình điều tra. Cụ thể như sau:
- Đối với vụ việc có người chết, cần đặt câu hỏi nhằm xác định thời gian chết, các bệnh lý kèm theo, vật gây thương tích, thương tích trước khi chết, thương tích sau khi chết; xác định thương tích, chấn thương do tai nạn, làm rõ bộ phận của xe gây thương tích, đặc điểm thương tích, cơ chế chấn thương, tư thế của nạn nhân lúc bị tai nạn, vị trí điểm va chạm, cơ chế hình thành dấu vết, người cầm lái...
- Đối với dấu vết phương tiện giao thông: Yêu cầu Cơ quan điều tra đặt các câu hỏi về loại, cỡ và đặc điểm của lốp xe (vân, ta lông...), loại xe, kiểu xe và đặc điểm xe, chiều rộng, khoảng cách giữa hai lốp xe (trước và sau), đặc điểm dấu vết phanh, trượt, lún, đổ..., số lượng lốp xe, xác định tính đồng nhất với lốp xe nghi để lại dấu vết.
- Đối với dấu vết khớp: Yêu cầu Cơ quan điều tra đặt các câu hỏi về loại và đặc điểm đối tượng cần tìm (nguồn gốc phần còn lại của dấu vết), cơ chế hình thành dấu vết (nếu thực tế cho phép có thể hỏi thẳng có phải do va, đập, bẩy, gẫy... hay không), xác định phần còn lại của dấu vết. Ví dụ: Hồi 00 giờ 40 phút ngày 14/8/2016 tại Km 10+200m quốc lộ thuộc địa phận phường M, quận Q, thành phố H, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ giữa xe ô tô biển kiểm soát xxC-454.xx với xe mô tô biển kiểm soát xxG1-491.xx, làm lái xe mô tô tử vong trên đường đi cấp cứu. Khám nghiệm hiện trường và khám phương tiện đã phát hiện 01 mảnh nhựa màu đỏ tại vị trí thanh kim loại phía trong và cung sau chắn bùn bánh sau bên phải xe ô tô. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định 02 phương tiện trên để xác định cơ chế hình thành dấu vết va chạm và giám định dấu vết khớp mảnh nhựa màu đỏ đã thu được. Kết quả giám định thể hiện dấu vết trượt kim loại ở mặt sau đầu bên phải thanh kim loại bảo hiểm gầm đuôi xe, dấu vết trượt xước cao su ở mặt sau tấm cao su cung sau chắn bùn bánh sau bên phải và dấu vết biến dạng thanh kim loại nẹp phía trên tấm cao su này của ô tô biển phù hợp về kích thước và chiều hướng với các dấu vết tương ứng trên xe mô tô. Đồng thời, kết luận mảnh nhựa màu đỏ gửi giám định gây ra từ cạnh gãy ở mặt trong ốp nhựa bên trái đầu xe mô tô. Với kết luận giám định trên, Cơ quan điều tra đã khẳng định tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe mô tô đi cùng chiều, vượt bên trái và va chạm với xe ô tô, từ đó gây ra vụ tai nạn.
Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cũng cần lưu ý đến các dấu vết đất (đất, bụi, chất bẩn), dấu vết thủy tinh, dấu vết sơn và dấu vết sinh học...
3. Một số lưu ý trong các trường hợp cụ thể
Thứ nhất, trường hợp người tham gia giao thông không có lỗi:
Đây là trường hợp rất dễ gây nhầm lẫn nếu việc đánh giá chứng cứ không thận trọng, nhất là những tình huống hai phương tiện giao thông có sự chênh lệch về kích thước, chủng loại (xe lớn va chạm với xe nhỏ, xe cơ giới va chạm với xe thô sơ), giữa xe cơ giới và người đi bộ, bên bị hại là bên hoàn toàn có lỗi…
Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về sự kiện bất ngờ, người thực hiện các hành vi không buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Xét về thực tế, không buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả là trường hợp pháp luật không quy định nghĩa vụ phải hình dung ra hậu quả trước khi thực hiện hành vi hoặc trong điều kiện bình thường người đó hoàn toàn không có điều kiện để thấy trước hậu quả đó, mà trường hợp phổ biến nhất trong tai nạn giao thông là họ không có lỗi trong việc không còn lựa chọn nào khác để ngăn ngừa hậu quả. Ví dụ: Xe đang lưu thông tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông, đi đúng tốc độ cho phép thì đột nhiên có người lao ngang ra làm người này không kịp phanh để dừng xe trước khi va chạm.
Vì vậy, khi đánh giá chứng cứ, cần xem xét đầy đủ các tình tiết của vụ tai nạn, nhất là về yếu tố lỗi của các bên, trong đó cần xác định trước khi va chạm, người điều khiển phương tiện đâm vào xe khác khi có đủ điều kiện để xử lý an toàn hay không (quan sát thấy nạn nhân khi nào, khi quan sát thấy có đủ thời gian giảm tốc độ để dừng lại một cách an toàn không?...), hành vi đó có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn giao thông hay không. Quá trình KNHT cần chú ý kiểm tra khoảng cách từ vết phanh cháy đường, vết cà đến vị trí va chạm, các mảnh vụn của xe rơi xuống để đánh giá việc xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện là đúng hay sai quy định (thường sai do xử lý quá chậm so với quy định). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trường hợp đến nơi giao nhau hoặc khi đã quan sát thấy chướng ngại vật (nạn nhân) thì người điều khiển phương tiện phải có nghĩa vụ giảm tốc độ để bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý các trường hợp một bên chỉ có lỗi vi phạm hành chính, mà hành vi này không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hậu quả của tội phạm. Do đó, khi đánh giá lỗi cần hết sức thận trọng để xem xét người gây ra hậu quả nguy hiểm là tội phạm hay chỉ là gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ. Ví dụ: Lưu thông không có giấy phép lái xe thì bản thân hành vi này chưa chứa đựng khả năng tất yếu xảy ra hậu quả; ngược lại, nạn nhân đi trái đường nhưng đi chậm; điều kiện ánh sáng, người gây tai nạn có đủ khả năng quan sát thấy từ xa để tránh, dừng thì trách nhiệm hình sự vẫn đặt ra, kể cả trước khi va chạm người đó đang đi bên phải đường của mình.
Thứ hai, trường hợp vi phạm về tốc độ:
Tại hiện trường, việc xác định tốc độ của phương tiện chủ yếu dựa vào phân tích dấu vết phanh. Đánh giá dấu vết phanh tại hiện trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định chính xác tốc độ của phương tiện trước khi gây tai nạn, xác định phần đường phương tiện đã chiếm dụng, trạng thái tâm lý của người điều khiển phương tiện, tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước và trong khi gây tai nạn, chiều hướng chuyển động của phương tiện đối với các vụ án sau khi gây tai nạn đối tượng đã chạy khỏi hiện trường. Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên chú ý thu thập, đánh giá các dấu vết phanh được hình thành khi người điều khiển phương tiện thực hiện động tác phanh cho đến khi phương tiện dừng lại hẳn. Nếu xe đang chuyển động với tốc độ cao, bị phanh đột ngột thì các bánh xe sau sẽ ngừng quay. Theo quán tính, xe tiếp tục chuyển động một khoảng cách nhất định rồi mới dừng hẳn, các bánh xe cọ xát trực tiếp vào mặt đường tạo ra vết lốp “cháy đường”. Nhìn chung, nếu tốc độ lớn, trọng tải nặng, mặt đường trơn thì dấu vết lốp càng đậm, càng dài và ngược lại.
Để đánh giá dấu vết phanh có hiệu quả, đảm bảo chính xác, khách quan, cần chú ý đến cách đo đạc. Trước hết, phải xác định đúng điểm bắt đầu và điểm kết thúc của vết phanh; đo đạc đầy đủ dấu vết phanh của cả bánh trước và bánh sau, đo vết có chiều dài nhất, tính từ vết mờ (điểm bánh xe bắt đầu ngừng quay) đến phía kết thúc vết đậm (xe ngừng hẳn).
Bên cạnh đó, biên bản KNHT phải phản ánh được đặc điểm của đoạn đường nơi xảy ra tai nạn là đường thẳng hay gồ ghề, trơn trượt, có độ dốc, độ nghiêng không, đường thẳng hay đường vòng, có bị hạn chế về tầm nhìn không, có chướng ngại vật gì trên đường không, nơi xảy ra tai nạn có đường giao nhau không, có biển báo, tín hiệu giao thông không, hai bên đường có khu dân cư đông người, trường học, nhà máy, công sở không… (để xác định việc thực hiện nghĩa vụ làm chủ tốc độ của người điều khiển phương tiện). Theo đó, cần tránh việc chỉ quan tâm đến các dấu vết va chạm để lại mặt đường mà bỏ qua việc mô tả các yếu tố khác có ý nghĩa đối với việc xác định lỗi của các bên gây tai nạn. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện có thực hiện động tác phanh, nhưng sau đó đâm vào vật cản (cây, nhà,..) rồi dừng lại, hoặc phương tiện lao ra khỏi đường đi khi chưa dừng hẳn do phanh, thì không thể sử dụng dấu vết phanh để tính tốc độ của phương tiện. Trong trường hợp cần xác định tốc độ của phương tiện ngay tại hiện trường vụ tai nạn mà phương tiện gây tai nạn bỏ trốn, cần sử dụng phương tiện giao thông tương tự phương tiện đã bỏ trốn và phương tiện đo đạc để tiến hành thực nghiệm.
Thứ ba, trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường:
Trường hợp người điều khiển phương tiện bỏ trốn để lại phương tiện, nếu thu được các dấu vân tay trên cần số, tay lái..., thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định dấu vân tay nhằm xác định dấu vân tay. Trong trường hợp này, nội dung quan trọng nhất của việc đánh giá dấu vết là xem xét, phân tích các biến đổi vật chất mới xuất hiện trên phương tiện khi vụ tai nạn xảy ra. Cụ thể là tiến hành đánh giá các dấu vết biểu hiện sự tác động cơ học giữa phương tiện với môi trường vật chất ở hiện trường, như: Các vết sơn bị bong tróc, các vết sứt mẻ, vết gẫy, vỡ của các bộ phận như đèn, ba đờ sốc, kính, gương…; những dấu vết có nguồn gốc từ phương tiện khác, từ nạn nhân, từ hiện trường tác động vào phương tiện khi có sự va chạm như: Dấu vết sơn, dấu vết gỗ, dấu vết máu, dấu vết lông, tóc, bông, vải, sợi… Từ sự đánh giá đó, có thể xác định nguồn gốc, cơ chế hình thành, thời gian xuất hiện của dấu vết; kết hợp với kết quả đánh giá các dấu vết khác ở hiện trường và các thông tin khác để xác định điểm chạm đầu tiên của phương tiện gây tai nạn với các vật, chất khác ở hiện trường và hình dung diễn biến sự việc. Ngoài nội dung đã phân tích trên, cần đánh giá các dấu vết trên mặt đường, các sản phẩm có nguồn gốc từ phương tiện gây tai nạn để lại hiện trường như: Xăng, dầu, mỡ, than, sơn và các hàng hóa, vật liệu xe chuyên chở rơi vãi như đất, cát, xi măng, than, vôi...; các phần gãy, vỡ, bong, sứt mẻ của các bộ phận xe để lại như: Chắn bảo hiểm, kính phản chiếu, mảnh vỡ của pha đèn, gương, kính chắn gió, mảnh lốp bị sứt mẻ, mảnh gỗ văng từ thùng xe..., để xác định tính phù hợp của chúng với xe gây tai nạn.
Thứ tư, trường hợp dừng, đỗ xe không đúng quy định:
Việc xác định hành vi đỗ xe có lỗi vi phạm về an toàn giao thông hay không là rất quan trọng, cần đánh giá các tình tiết, yếu tố, kết quả điều tra về KNHT, điều kiện khách quan... để xem xét hành vi đỗ xe có gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông hay không, có cần thiết đặt biển cảnh báo nguy hiểm hay phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông hay không, từ đó có căn cứ chính xác để giải quyết vụ việc, vụ án theo quy định của pháp luật. Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định về việc đặt biển báo hiệu nguy hiểm tại Điều 34.5 Quy chuẩn số 41 (Hạn chế sử dụng biển báo nguy hiểm và cảnh báo tràn lan nếu các tính chất không thực sự gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông). Theo đó, không phải mọi trường hợp đỗ xe đều phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm, mà chỉ đặt biển cảnh báo nguy hiểm khi thấy vị trí, tính chất, hoàn cảnh đỗ xe có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mặt khác, thực tế cho thấy, các phương tiện ô tô dừng, đỗ sát lề đường, mép đường bên phải (nếu không phải đoạn đường có biển báo cấm dừng, đỗ), không có dấu hiệu gây cản trở, ùn tắc giao thông hay tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thì các lực lượng chức năng có thẩm quyền không yêu cầu chủ phương tiện phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm phía trước và phía sau cách xe 05m, không xác định hành vi đỗ xe này là vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, không phải trường hợp nào việc dừng, đỗ sát mép đường không có biển cảnh báo cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hậu quả nguy hiểm xảy ra.
Ví dụ: Một người cho xe đỗ sát tối đa về bên phải đường, phần đường còn lại đủ rộng để các phương tiện tham gia giao thông di chuyển bình thường; thời điểm xảy ra tai nạn là ban ngày, điều kiện ánh sáng bình thường, đoạn đường xảy ra tai nạn không bị che khuất tầm nhìn, không có biển cấm dừng, đỗ…, thì hành vi đỗ xe ô tô của chủ phương tiện không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; do đó, không có lỗi vi phạm nếu người khác đâm vào từ phía sau. Ngược lại, cũng là trường hợp đỗ xe nhưng không thỏa mãn các điều kiện an toàn thì vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn đặt ra đối với người dừng, đỗ trái quy định (như đỗ xe chiếm hết làn đường bên phải vào buổi tối trên đoạn đường thoáng rộng, các phương tiện khác được đi với tốc độ cao, không đặt các phương tiện cảnh báo cho người tham gia giao thông biết…). Quá trình KNHT cần chú ý kiểm tra xem xe đang dừng, đỗ có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết hay không (như đèn xi nhan, biển báo…); lề đường nơi đỗ xe hẹp hay rộng; xe dừng, đỗ có sát mép đường phía bên phải không (trong trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường); đoạn đường xảy ra tai nạn đã xây dựng nơi dừng, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng, đỗ xe hay chưa; có vật chèn bánh khi đỗ xe trên đoạn đường dốc hay không; phía bên kia đường có xe đỗ song song không; nơi dừng, đỗ có phải phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi dừng của xe buýt không…
Thứ năm, trường hợp người đi bộ, xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện có lỗi:
Quá trình kiểm sát KNHT, Kiểm sát viên cần chú ý: Khi va chạm, phương tiện có đang đi bên phải theo chiều đi của mình hay không; có đang trên đường cao tốc không; kiểm tra vết phanh tại điểm va chạm xem có dừng xe đột ngột hay không; kiểm tra có vết phanh của xe đâm vào hay không, nếu có thì ở vị trí nào, gần hay xa điểm va chạm; nếu ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường, cần kiểm tra tại thời điểm va chạm, xe có dừng, đỗ trên phần đường xe chạy không; nếu tai nạn trong hầm đường bộ, cần kiểm tra trước khi va chạm, phương tiện có bật đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu hay không; nếu tai nạn vào ban đêm, cần kiểm tra xe thô sơ có báo hiệu bằng đèn hoặc vật phản quang hay không; có ô (dù), điện thoại di động tại hiện trường không, người điều khiển có sử dụng khi va chạm không, người điều khiển xe hay người ngồi sau cầm… Mặt khác, cần chú ý quan sát số lượng lốp xe, dấu vết vân lốp, dầu mỡ… để xác định có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường hay không; trên đoạn đường ngay trước vị trí va chạm chỉ xuất hiện lốp của 01 bánh xe không (để kiểm tra người điều khiển có đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy, đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô hay không). Ngoài ra, đối với vụ tai nạn có người đi bộ, Kiểm sát viên cần chú ý điểm va chạm có nằm ở phần đường dành cho người đi bộ không, kiểm tra dấu chân xem người đi bộ có vượt qua dải phân cách ngay trước thời điểm va chạm không, có mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông hay không để đánh giá lỗi.
Lê Minh Long