Đồng chí Hoàng Quốc Việt với sự nghiệp giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát nhân dân

Ngày đăng : 13:11, 17/05/2025

(Kiemsat.vn) - Về mục tiêu đào tạo, đồng chí nói: "Trước hết phải có nhận thức đúng về vị trí, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ chế độ, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước và xã hội. Kiểm sát viên là người trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Phải vững vàng về chính trị, thông thạo về nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức".

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên của ngành Kiểm sát, một cán bộ Lãnh đạo mẫu mực, giàu tính chiến đấu cách mạng và lòng thương yêu, quý trọng đối với những người lao động. Tác phong chỉ đạo sâu sát đối với những sự việc cụ thể nhưng luôn có tầm nhìn chiến lược đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, của ngành Kiểm sát, trong đó có vấn đề gây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp: Đồng chí thường nhắc nhở lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Ngay từ những tháng năm đầu, khi ngành Kiểm sát mới được thành lập; để kiện toàn cán bộ Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, theo đề nghị của đồng chí Hoàng Quốc Việt, cấp uỷ Đảng đã điều động cho ngành Kiểm sát một số cán bộ đã tham gia cách mạng từ trước năm 1945 (có đồng chí tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, có đồng chí là đội viên cứu quốc quân, đội viên đội tuyên truyền giải phóng quân, một số đồng chí đã kinh qua Xứ uỷ, Khu uỷ, Tỉnh uỷ...) để giữ các chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Viện kiểm sát tối cao, hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành, khu tự trị. Theo quy định của Trung ương, cơ cấu cấp Uỷ Đảng các cấp tỉnh, huyện đều có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tham gia. Những cán bộ trên là rường cột, giữ vững kỷ cương trong việc thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng và các quan điểm chính trị, nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát. Nguồn tuyển dụng nhân viên vào ngành Kiểm sát thời gian này là các cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể quần chúng, các quân nhân chuyển ngành, các thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ (những người đã qua rèn luyện, thử thách trong chiến đấu). Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ 1961 đến 1969, hầu hết các Kiểm sát viên cấp huyện, cấp tỉnh, những cán bộ mới vào ngành, đều qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng), tham dự các hội nghị chuyên đề theo từng phương thức kiểm sát, do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức.

Cuối năm 1960 được sự đồng ý của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Toà án tối cao, và Bộ Tư pháp, mời chuyên gia Liên Xô, mở lớp pháp lý dài hạn (2 năm) cho cán bộ trung cao cấp của 3 ngành (số cán bộ lãnh đạo các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành và chuyên viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đi dự lớp học này, là nguồn bổ sung cho đội ngũ giáo viên của Trường đào tạo cán bộ Kiểm sát sau này).

Qua 10 năm hoạt động, từ những bước đi ban đầu và tiếp theo là trong điều kiện cả nước có chiến tranh, tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát có bước phát triển, trưởng thành, đòi hỏi trình độ của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên phải có kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát một cách có hệ thống. Cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đòi hỏi phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát cho miền Nam, sau khi được hoàn toàn giải phóng. Ngày 21/4/1970, đồng chí Hoàng Quốc Việt ký Quyết định số 62 về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có Trường bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát. Quyết định này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại phiên họp ngày 25/4/1970 (theo quyết định của đồng chí Hoàng Quốc Việt, ngày này trở thành ngày truyền thống của Trường cán bộ Kiểm sát). Ngày 13/10/1970, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản, đồng ý để ngành Kiểm sát tuyển sinh đào tạo Trung cấp kiểm sát; Thời gian 2 năm với chỉ tiêu 150 học sinh mỗi khoá.

Đây là sự kiện khá đặc biệt. Trường đào tạo Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân được thành lập, ở thời điểm nước ta chưa có trường Đại học Luật và Khoa luật của trường Đại học Tổng hợp cũng chưa ra đời. Tôi cứ nghĩ, phải chăng nhờ ở sự tin cậy của Trung ương đối với đồng chí Hoàng Quốc Việt, nên ngành Kiểm sát mới có Trường đào tạo Kiểm sát viên, những cán bộ pháp lý. Khi các đồng nghiệp của Viện kiểm sát Liên Xô sang thăm tại Việt Nam, đều có lời khen chúng ta là sáng tạo, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ pháp lý của mình (nhiều đồng chí Vụ trưởng, Vụ Phó ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố, Viện kiểm sát quân sự Quân khu, Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Cao đẳng Kiểm sát hiện nay, nhiều đồng chí học sinh các khoá Trung cấp kiểm sát trước đây).

BCH Đoàn Thanh niên VKSND tối cao phối hợp cùng VKSND tỉnh Bắc Ninh và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức chương trình “Dâng hương và thăm nhà lưu niệm Đồng chí Hoàng Quốc Việt" - Bắc Ninh, 15/4/2024.

Trong thời gian Trường cán bộ kiểm sát chuẩn bị mở lớp học Trung cấp kiểm sát khoá I (đầu năm 1971); Tôi là Trưởng phòng Giáo vụ tổ chức của trường, được giao nhiệm vụ xây dựng nội dung, chương trình khoá học, tổ chức biên soạn giáo trình, kiện toàn đội ngũ giáo viên... Trong khi tôi đang băn khoăn lo lắng với trách nhiệm được giao, thì đồng chí Hoàng Quốc Việt đến thăm và làm việc với Lãnh đạo nhà trường. Tôi tranh thủ báo cáo với đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những khó khăn trở ngại trong quá trình chuẩn bị khai giảng khoá học đầu tiên của Trường. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cho ý kiến chỉ đạo, có tính chất định hướng cho nhà trường trong việc giải quyết những vấn đề được đặt ra.

Về mục tiêu đào tạo, đồng chí nói: "Trước hết phải có nhận thức đúng về vị trí, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ chế độ, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước và xã hội. Kiểm sát viên là người trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Phải vững vàng về chính trị, thông thạo về nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức. Phải có quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và đi đúng đường lối quần chúng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Có tinh thần đấu tranh bảo vệ công lý và giữ vững nguyên tắc. Phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn như Bác Hồ dạy.

Trong chương trình giảng dạy phải có các môn học về lịch sử Đảng, về đường lối cách mạng Việt Nam, về các chính sách lớn của Đảng như: Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với các nhân sỹ, trí thức, chính sách đối ngoại.v.v. Những môn học này các đồng chí cần mời phụ trách các ngành hữu quan ở Trung ương đến giảng bài cho học sinh”.

Nhà trường cần sớm tổ chức việc biên soạn giáo trình các môn học. Đồng chí Hoàng Quốc Việt cho biết, đã xin ý kiến của đồng chí Trường Chinh, đồng ý cho phép được tham khảo giáo trình của Liên Xô để biên soạn, nhưng phải thể hiện cho được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nhà nước, về pháp luật, pháp chế, thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, trong các bài nói của Bác Hồ, của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Giảng dạy lý luận các môn hình sự, dân sự phải gắn với tổng kết thực tiễn hoạt động tư pháp của Nhà nước ta trong 20 năm qua.

Về xây dựng đội ngũ giáo viên của nhà trường, đồng chí nói, đào tạo Kiểm sát viên là đào tạo những kỹ sư thực hành. Vì vậy, người thầy phải qua thợ, phải có kinh nghiệm thực tiễn thì khi truyền đạt lý luận mới sinh động và truyền cảm.

Cuối cùng, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh: Toàn bộ hoạt động của nhà trường, từ hoạt động quản lý giảng dạy, quản lý học tập, chăm lo đời sống, cán bộ và học sinh của Ban Giám hiệu và các phòng chức năng, đến công tác chính trị tư tưởng của tổ chức Đảng, hoạt động của các đoàn thể quần chúng đều phải xoay quanh mục tiêu đào tạo.

Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, không chỉ giúp cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách của Trường Trung cấp kiểm sát lúc đó, mà nó cũng soi sáng cho việc giải quyết những vấn đề đó, khi trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kiểm sát.

Do thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, nên đồng chí Hoàng Quốc Việt dành cho đội ngũ, cán bộ nhà trường những tình cảm ưu ái, thân thương. Tạo điều kiện cho nhà trường khắc phục những khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Điều đáng nói là, mặc dù bận rộn với nhiều công việc, nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt vẫn dành thời gian để giảng bài (về tư cách đạo đức người cán bộ Kiểm sát) cho các khoá học và trực tiếp truyền đạt các nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương cho cán bộ và học sinh nhà trường.

Sự trưởng thành nhanh chóng của Trường đào tạo cán bộ Kiểm sát trong 35 năm qua, ghi đậm những dấu ấn của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Hoàng Quốc Việt.

VŨ QUANG CHÍNH, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội

(Trích từ cuốn “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành KSND” – Hà Nội, 2012)