Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 09/2025

Ngày đăng : 08:27, 14/05/2025

(Kiemsat.vn) - Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới Quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số 09/2025, phát hành ngày 05/5/2025.

Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 09/2025:

Thực tiễn pháp lý là một trong những vấn đề của lý luận pháp luật, có ý nghĩa nhận thức lý luận và thực tiễn quan trọng, một hiện tượng của hiện thực pháp luật và một phạm trù có nội dung, hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, có phương diện lý luận và thực tiễn. Bài viết “Thực tiễn pháp lý: Khái niệm, cấu trúc, phân loại, chức năng, cách thức và phương hướng hoàn thiện” của các tác giả Võ Khánh Vinh,  Võ Khánh Linh trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI trình bày những nội dung trên; góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của thực tiễn pháp lý trong đời sống pháp luật.

Chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT có bài viết “Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ” của tác giả Tôn Lương Bảo. Theo tác giả, hiện trường tai nạn giao thông đường bộ là nơi xảy ra va chạm, sự cố giữa các phương tiện, người tham gia giao thông, để lại nhiều dấu vết phức tạp như vết phanh, vết trượt, mảng vỡ, vết máu, vết cọ xát… Kiểm sát viên cần nắm vững các kỹ năng cần thiết của hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ, góp phần kiểm sát chặt chẽ quá trình khám nghiệm, đảm bảo quá trình khám nghiệm hiện trường diễn ra khách quan, kịp thời, chính xác.

Hiện nay, đối thoại đã mang lại những kết quả khả quan, tạo hiệu ứng khá tốt cho công tác giải quyết các vụ án hánh chính. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, một số quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 về đối thoại còn hạn chế, vướng mắc gây khó khăn cho Tòa án trong thực tiễn xét xử, như: Chưa quy định về nguyên tắc, trình tự tiến hành đối thoại trong giải quyết sơ thẩm rút gọn vụ án hành chính; chưa quy định về cách xử lý đối thoại trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hành chính thông thường; quy định chưa rõ ràng về kết quả xử lý đối thoại… Vấn đề này được tác giả Lê Thị Mơ đặt ra qua bài viết: “Một số vướng mắc về đối thoại trong tố tụng hành chính”, chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM.

Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng là một lựa chọn thay thế khi thủ tục tố tụng hình sự không mang lại hiệu quả. Đây là biện pháp được pháp luật quốc tế khuyến nghị và sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia và mang lại những kết quả tích cực; đặc biệt là giúp thu hồi tài sản tham nhũng khi không thể kết án hình sự do người phạm tội chết trước khi bị kết án. Trong bài viết “Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” trên chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC, tác giả Lê Tiến Sinh đã phân tích một số hạn chế, bất cập của pháp luật Việt Nam về vấn đề này và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Tạp chí Kiểm sát số 09/2025 còn có một số bài viết sau: “Cần hoàn thiện pháp luật hình sự về chế định chuẩn bị phạm tội” của tác giả Trần Ngọc Minh; “Nhận diện thủ đoạn phạm tội của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của tác giả Lưu Hải Yến; “So sánh Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với Tội hành hung đồng đội” của tác giả Phạm Phương Thảo; “Thực hiện hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hoàng Chương…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Cẩm Thi