Chủ tịch nước Lương Cường: Mục tiêu của cải cách tư pháp là phải gần dân, bảo vệ dân
Ngày đăng : 08:39, 09/05/2025
![]() |
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ chiều 08/5/2025. |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ đồng tình với các Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội phân tích kỹ lưỡng để đóng góp, hoàn thiện các dự án luật, đạt được mục đích yêu cầu đề ra, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu hiện nay và sự phát triển sắp tới.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, mục tiêu của nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân, của dân. Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân phải tuân thủ theo Hiến pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, phải bảo đảm thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp. Theo đó, số lượng, chất lượng, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn… của cán bộ công chức những cơ quan này phải đảm bảo. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án khi bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp xã cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Chủ tịch nước Lương Cường nhắc lại mục tiêu sửa luật phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nước ta đang hướng tới tổ chức bộ máy địa phương 2 cấp, sáp nhập còn tỉnh 34 tỉnh thành, còn lại là cấp xã, phường. Vì vậy, mục tiêu của việc cải cách tư pháp là phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân, khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển.
"Luật không chỉ xử lý những người vi phạm mà còn là để giáo dục cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu được, tự giác tuân thủ pháp luật", Chủ tịch nước nêu rõ.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường: Mục tiêu của cải cách tư pháp là phải gần dân, bảo vệ dân. |
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, hiện nay trong hệ thống cơ quan tư pháp, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng vẫn có những chỗ vướng. Cùng một vụ việc nhưng quan điểm của các cơ quan tư pháp có chỗ khác nhau. Dẫn lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "luật của mình, quy định của mình, chỗ nào chưa đúng thì mình sửa", Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng, mục đích cao nhất là làm sao để người dân đồng thuận, tinh gọn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu xem tổ chức các cơ quan này đã đảm bảo gần dân, sát dân hay chưa.
Cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Chủ tịch nước quán triệt, đây là việc khó nhưng phải làm. Cơ quan Trung ương đã thống nhất chủ trương, Nhân dân cũng rất đồng tình, ủng hộ, do đó các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, tư pháp phải làm sao để đáp ứng mục tiêu này. Khẳng định đây là vấn đề rất lớn, quan trọng, có những điều chưa thể lường hết, Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ, luật pháp thì không phải một lúc là sửa được. Hiện chúng ta đang sửa Hiến pháp, nội dung Kỳ họp thứ 9 với hơn 60 luật và nghị quyết là một khối lượng rất đồ sộ, nhưng làm sao phải chắc chắn. Ngoài xét xử, thì phải làm sao nâng cao nhận thức về pháp luật. Không để hiểu pháp luật thì “lách luật” còn không hiểu thì làm sai luật. Cùng với đó, luật khi đưa vào cuộc sống phải có “tuổi thọ” thực hiện lâu dài. Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thấu đáo, việc trao đổi là cơ hội để thống nhất, đưa ra ý kiến đồng thuận. Thực tế, sẽ có những vấn đề phát sinh nên đòi hỏi các đại biểu cùng thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội khác cũng đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, các ý kiến thống nhất với sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Một số ý kiến cho rằng, dự án luật được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi, sửa đổi thêm một số nội dung lớn liên quan đến chế định Kiểm sát viên nhưng chưa thuyết minh làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn của việc đề xuất sửa đổi, chỉ nêu lý do để đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, trong khi chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân là khác nhau. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; cân nhắc thận trọng việc mở rộng phạm vi sửa đổi trong bối cảnh thời gian xây dựng Luật rất khẩn trương, chưa có điều kiện để lấy ý kiến rộng rãi, đánh giá kỹ lưỡng tác động của những nội dung mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung.