Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng : 14:30, 03/04/2025

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 03/4/2025, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Pháp lệnh được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/5/2025.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Pháp lệnh của Chủ tịch nước về Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Pháp lệnh của Chủ tịch nước về Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 13/3/2025.

Pháp lệnh được ban hành là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất tính đến thời điểm hiện nay để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát huy hơn nữa ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hô Chí Minh, góp phần tuyên truyền về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Phạm Hải Trung giới thiệu Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phần lớn các quy định pháp luật hiện hành chỉ mới tập trung vào việc quản lý, bảo vệ công trình trong Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được quy định.

Trong thực tiễn công tác quản lý còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập vì đây là nhiệm vụ có tính chất đặc thù, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ công trình lăng, vừa thực hiện đón tiếp nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật đặc thù, có nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất đặt hàng từ nước ngoài. Trong trường hợp tình hình thế giới có biến động, việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị, đào tạo nhân lực ở nước ngoài gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành pháp lệnh là hết sức cần thiết.

Xây dựng pháp lệnh nhằm đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thể chế hoá các quan điểm của Đảng, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phù hợp với đặc điểm, tình hình chính trị - quốc phòng - an ninh và sự phát triển của kinh tế - xã hội của Việt Nam tronh thời gian tới.

Quang cảnh buổi họp báo.

Pháp lệnh gồm 6 chương, 32 điều, gồm: Quy định chung; Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quản lý, bảo vệ các công trình, khu vực, hoạt động trong Khu Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngân sách bảo đảm, chế độ, chính sách đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Điều khoản thi hành.

Sau khi Pháp lệnh được ban hành, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, Bộ Quốc phòng có Thông tư quy định chi tiết các nội dung trong Pháp lệnh.

PV