Quy định về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
Ngày đăng : 15:53, 03/02/2025
Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp và các cá nhân có liên quan.
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến khi hết thời hạn như sau:
- 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật.
- 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật.
- 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có thể được xác định ngắn hơn thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này và phải được xác định cụ thể trên dấu "THỜI HẠN BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC" đóng trực tiếp lên tài liệu hoặc vật chứa bí mật nhà nước khi xác định độ mật.
Đối với bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định độ Tuyệt mật thì việc giải mật một phần hoặc toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật do Bộ Chính trị quyết định.
Độ mật và thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng chứa trong một bộ hồ sơ, tài liệu được xác định theo tài liệu có độ mật cao nhất, có thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước dài nhất (nếu cùng một độ mật) được lưu trong hồ sơ đó.
Gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được gia hạn nếu thực hiện giải mật sẽ gây nguy hại đến lợi ích, an ninh quốc gia, dân tộc và của Đảng.
Chậm nhất 60 ngày trước ngày hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn quy định tại Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 5 Quy định này.
Bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng sau khi gia hạn phải được đóng dấu gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, có văn bản xác định việc gia hạn.
Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được gia hạn, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy đã gia hạn phải thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi nhận được thông báo về việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có trách nhiệm đóng dấu "GIA HẠN THỜI HẠN BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC", có văn bản xác định việc gia hạn đối với bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Giải mật bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
Bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được đương nhiên giải mật trong các trường hợp sau:
- Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian gia hạn bí mật nhà nước được quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy định này mà không tiếp tục được gia hạn.
- Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc tổ chức đảng xác định bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải đóng dấu, có văn bản xác định việc giải mật và thông báo ngay bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Giải mật bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trước thời hạn. Trường hợp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc và của Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế thì có thể xem xét, quyết định giải mật toàn bộ hoặc một phần trước thời hạn quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quy định này.
Quy trình giải mật trước thời hạn
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy (là cơ quan xác định bí mật nhà nước) căn cứ yêu cầu thực tiễn để quyết định thành lập Hội đồng giải mật bí mật nhà nước.
Thành phần Hội đồng giải mật bao gồm: Đại diện lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy làm Chủ tịch Hội đồng; đại diện đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước làm Thư ký Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan là thành viên Hội đồng, số lượng thành viên Hội đồng do người có thẩm quyền ký quyết định thành lập Hội đồng xem xét, quyết định.
Hội đồng giải mật có trách nhiệm xem xét việc giải mật; thảo luận tập thể, kết luận theo đa số và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Các ý kiến khác nhau phải ghi vào biên bản cuộc họp để báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải mật quyết định.
Bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng sau khi giải mật phải đóng dấu, có văn bản xác định việc giải mật; trường hợp giải mật một phần thì quyết định giải mật phải thể hiện đầy đủ nội dung thông tin được giải mật.
Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày có quyết định giải mật, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy ở Trung ương và địa phương quyết định giải mật phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi nhận được thông báo về giải mật có trách nhiệm đóng dấu, có văn bản xác định giải mật đối với bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Hồ sơ giải mật bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải được lưu trữ bao gồm: Quyết định thành lập Hội đồng giải mật; Tờ trình đề nghị giải mật bí mật nhà nước và danh mục bí mật nhà nước đề nghị giải mật; biên bản họp Hội đồng giải mật; quyết định giải mật và các tài liệu khác có liên quan.
Thẩm quyền quyết định giải mật
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có thẩm quyền quyết định giải mật đối với các loại hồ sơ, tài liệu do mình xác định bí mật nhà nước hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý, kế thừa sau khi cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước được sáp nhập hoặc giải thể.
Đối với bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng do Lưu trữ lịch sử của Đảng hoặc cơ quan Bảo mật lưu trữ các cấp bảo quản, nếu không xác định được cơ quan xác định bí mật nhà nước thì Lưu trữ lịch sử của Đảng hoặc cơ quan Bảo mật lưu trữ quyết định việc giải mật theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Trách nhiệm giải mật
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền được giao.
Hội đồng giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo Khoản 3, Điều 8 Quy định này.
Đơn vị hoặc người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có trách nhiệm định kỳ hằng năm rà soát, tham mưu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy thực hiện giải mật đối với bí mật nhà nước thuộc trường hợp cần giải mật theo quy định.
Quy định 225-QĐ/TW nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp thực hiện Quy định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Mọi hành vi vi phạm Quy định này và các quy định khác của Đảng, Nhà nước về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Định kỳ tháng 12 hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có trách nhiệm xây dựng kế hoạch giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cho năm tiếp theo đối với những hồ sơ, tài liệu đến thời hạn giải mật.
Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn quá trình thực hiện việc giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng của cấp ủy và các tổ chức đảng trực thuộc; định kỳ báo cáo hằng năm, báo cáo đột xuất (nếu có) với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp về kết quả thực hiện Quy định này.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy kiến nghị, đề xuất, báo cáo Ban Bí thư (qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương) xem xét, quyết định.