Kỹ năng trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tại nhà tạm giữ, trại tạm giam

Ngày đăng : 09:11, 03/02/2025

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, tác giả chia sẻ những kỹ năng trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tại nhà tạm giữ, trại tạm giam; chỉ rõ một số nội dung cần lưu ý nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Kỹ năng trực tiếp kiểm sát hằng ngày tại nhà tạm giữ, kiểm sát tuần tại trại tạm giam

Theo điểm a, khoản 3 Điều 48 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 259/QĐ-VKSTC ngày 20/7/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) (Quy chế số 259/2023) thì phạm vi trực tiếp kiểm sát hằng ngày tại nhà tạm giữ, kiểm sát tuần tại trại tạm giam là kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam; khi xét thấy cần thiết, có thể kiểm sát một số nội dung quy định tại các điều 7, 8 và 9 Quy chế này. Cần nắm rõ phạm vi kiểm sát để bảo đảm hoạt động kiểm sát đúng yêu cầu và bố trí lực lượng, thời gian kiểm sát phù hợp với khối lượng công việc.

Khi tiến hành hoạt động trực tiếp kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hiện theo 08 nội dung sau:

Một là, chủ động trao đổi với cán bộ phụ trách nhà tạm giữ, trại tạm giam để nắm được số lượng tăng, giảm người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kết quả xử lý, tình hình chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và những vụ việc đột xuất xảy ra (nếu có) để lựa chọn biện pháp kiểm sát phù hợp.

Hai là, trên cơ sở diễn biến của tình hình công tác quản lý giam giữ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên yêu cầu cán bộ phụ trách nhà tạm giữ, trại tạm giam cung cấp: (1) Hồ sơ tạm giữ, tạm giam tăng, giảm; (2) Tài liệu phát sinh liên quan đến các vụ việc đột xuất xảy ra tại nhà tạm giữ, trại tạm giam như người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết, phạm tội mới, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ; (3) Sổ quản lý liên quan.

Ba là, kiểm sát sổ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam về những nội dung sau: Việc cập nhật thông tin vào hệ thống sổ quản lý theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; việc mở sổ và cập nhật thông tin đối với các vụ việc đột xuất tại nhà tạm giữ, trại tạm giam (như người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết do tự sát, bị đánh, phạm tội mới, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ); đặc biệt, chú trọng kiểm sát việc cập nhật về thời hạn tạm giữ, tạm giam của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Hoạt động kiểm sát này giúp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đánh giá đầy đủ về thời điểm tiếp nhận, quá trình quản lý giam giữ và các thông tin đột xuất xảy ra trong quá trình quản lý giam giữ.

Bốn là, đối với hồ sơ quản lý giam giữ, cần kiểm sát về: (1) Thời điểm cơ sở giam giữ lập hồ sơ; (2) Việc cập nhật tài liệu (phải thực hiện liên tục, kịp thời, phản ánh đầy đủ quá trình quản lý giam giữ); (3) Tính hợp pháp của các tài liệu lưu trong hồ sơ (về thẩm quyền, hình thức và nội dung văn bản).

Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải đối chiếu giữa tài liệu với bảng thống kê, bảo đảm hồ sơ phải lưu giữ đầy đủ các văn bản gồm: Tài liệu do cơ quan tố tụng cung cấp khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam; tài liệu phát sinh trong quá trình quản lý giam giữ và tài liệu kết thúc quá trình giam giữ (như quyết định trả tự do; quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đưa đi chấp hành án và biên bản giao nhận, trả tự do).

Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, cần làm rõ các nội dung như: Hồ sơ có đầy đủ các tài liệu (lệnh, quyết định, biên bản và các tài liệu khác) không? Trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam có đúng quy định của pháp luật không? Hình thức, thẩm quyền ban hành hoặc tạo lập, nội dung của các tài liệu trong hồ sơ có đúng quy định của pháp luật không? Lưu ý, tài liệu lưu giữ trong hồ sơ phải thể hiện người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang được giam giữ bằng tài liệu hợp pháp, có giá trị, còn thời hạn. Nếu phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trích yếu hồ sơ, chỉ rõ vi phạm, nêu căn cứ pháp lý của vi phạm.

Mục đích của hoạt động kiểm sát này nhằm đánh giá về thủ tục và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong việc tiếp nhận, đối chiếu, soát xét tính có căn cứ, hợp pháp của tài liệu đang được lưu giữ trong hồ sơ và trách nhiệm của cơ sở giam giữ trong việc lập hồ sơ, cập nhật tài liệu.

Năm là, kiểm sát thủ tục tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo 05 nội dung sau: (1) Biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam: (a) Về hình thức, phải thực hiện theo mẫu của Bộ Công an; (b) Về nội dung, phải phản ánh đầy đủ thông tin về thời điểm, thời gian giao nhận; bên giao - bên nhận; đối tượng được giao nhận; trường hợp giao nhận; các loại tài liệu mà các bên giao nhận. Cần đối chiếu thông tin, tài liệu để xác nhận việc tiếp nhận đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Khi tiếp nhận, bảo đảm lệnh, quyết định có hiệu lực, còn thời hạn, được phê chuẩn (đối với những trường hợp luật quy định phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát); (2) Việc khám sức khỏe: Bảo đảm việc khám sức khỏe do y bác sĩ thực hiện trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Nếu chưa tổ chức khám sức khỏe ngay được thì cán bộ tiếp nhận phải hỏi để ghi biên bản ghi nhận tình trạng sức khỏe của họ; (3) Việc kiểm tra thân thể khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bảo đảm việc kiểm tra thân thể do người cùng giới tính tiến hành và thực hiện ở nơi kín đáo; (4) Việc lập danh bản, chỉ bản người bị tạm giữ, người bị tạm giam bảo đảm thực hiện đúng thời hạn, nội dung và lưu vào hồ sơ tạm giữ, tạm giam; (5) Biên bản phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ và nội quy của cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam bảo đảm về thời điểm lập biên bản, thẩm quyền và nội dung biên bản; phải có người bị tạm giữ, tạm giam ký tên.

Ngoài ra, cần chú ý kiểm sát đối với trường hợp là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt, bảo đảm cơ sở giam giữ phối hợp với Cơ quan điều tra trưng cầu người phiên dịch hoặc cử cán bộ biết ngôn ngữ của nước mà họ mang quốc tịch, tiếng dân tộc của người đó để phổ biến nội quy cơ sở giam giữ và các nội dung giáo dục, cảm hóa họ.

Khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trích yếu các hồ sơ đã kiểm sát và có thể chụp (sao y) những tài liệu có trong hồ sơ tạm giữ, tạm giam liên quan đến nội dung vi phạm để làm căn cứ cho việc lập biên bản kiểm sát.

Sáu là, lập biên bản kiểm sát: Khi kết thúc hoạt động kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải lập biên bản để ghi nhận đầy đủ những nội dung đã kiểm sát; những vi phạm, tồn tại đã phát hiện, có chữ ký xác nhận của cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm được giao quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam. Biên bản kiểm sát được thực hiện theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Bảy là, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo kết quả kiểm sát với lãnh đạo Viện; trường hợp phát hiện vi phạm, tồn tại, thiếu sót và nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ để đề xuất kiến nghị, kháng nghị theo quy định; đồng thời, theo dõi kết quả thực hiện kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đã ban hành.

Tám là, vào sổ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam: Cập nhật đầy đủ thông tin vào hệ thống sổ nghiệp vụ theo dõi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của ngành; phản ánh đầy đủ các lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam đang còn hiệu lực pháp luật; các văn bản giải quyết việc tạm giữ, tạm giam, những vi phạm, tồn tại được phát hiện thông qua quá trình kiểm sát, các biện pháp tác động của Viện kiểm sát và kết quả.

Đối với quy trình kiểm sát này cần lưu ý, Kiểm sát viên có thể kiểm sát các thủ tục khác liên quan đến tình hình tăng, giảm người bị tạm giữ, người bị tạm giam như: (1) Thủ tục điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; (2) Thủ tục trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định tại Điều 20 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; (3) Thủ tục trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; (4) Thủ tục chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm, để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên yêu cầu cơ sở giam giữ cho gặp, hỏi người bị giam giữ; làm việc với cán bộ, chiến sĩ liên quan hoặc tiến hành xác minh; trực tiếp kiểm sát tại khu giam, buồng giam, bếp ăn, căng tin, bệnh xá, nhà thăm gặp...

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chậm giao người bị giam giữ cho cơ sở giam giữ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên yêu cầu cơ sở giam giữ cho gặp, hỏi người bị giam giữ đó để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm giao người.

Trường hợp cơ sở giam giữ không phát sinh số lượng tăng, giảm người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên vẫn phải lập biên bản ghi nhận kết quả kiểm sát, đồng thời có thể mở rộng phạm vi kiểm sát theo Quy chế số 259/2023.

Kỹ năng trực tiếp kiểm sát định kỳ tại nhà tạm giữ, trại tạm giam

Theo điểm b, khoản 3 Điều 48 Quy chế số 259/2023 thì phạm vi trực tiếp kiểm sát định kỳ tại nhà tạm giữ, trại tạm giam theo từng nội dung hoặc kiểm sát toàn diện về việc tạm giữ, tạm giam. Khi tiến hành hoạt động trực tiếp kiểm sát định kỳ tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, cần chú ý thực hiện những nội dung sau:

Một là, trước khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải quản lý, tổng hợp tình hình chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam; xây dựng, tham mưu, ban hành quyết định và kế hoạch kiểm sát; gửi quyết định và kế hoạch kiểm sát; phối hợp để mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia; phối hợp với cơ sở giam giữ để nắm tiến độ xây dựng báo cáo.

Cần lưu ý về tính đặc thù của cơ sở giam giữ để xây dựng kế hoạch kiểm sát. Nếu trong kỳ kiểm sát, cơ sở giam giữ đang quản lý đối tượng tạm giữ, tạm giam là nữ, người nước ngoài, người dưới 18 tuổi, có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì phải đưa vào nội dung kiểm sát, bảo đảm tính xác thực và đầy đủ của hoạt động kiểm sát. Quá trình triển khai, thực hiện cần bám sát vào nội dung kế hoạch để đánh giá và kết luận.

Đồng thời, sau khi đã gửi quyết định, kế hoạch kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần thường xuyên liên hệ chặt chẽ với đơn vị được kiểm sát để nắm bắt tiến độ chuẩn bị, xây dựng báo cáo; cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Hai là, công bố quyết định kiểm sát; nghe Thủ trưởng cơ sở giam giữ báo cáo kết quả theo kế hoạch; đưa ra yêu cầu để Thủ trưởng cơ sở giam giữ chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện; phân công thành viên thực hiện các phần nội dung kiểm sát.

Ba là, trong quá trình kiểm sát, cần thực hiện một số thao tác nghiệp vụ sau:

Thứ nhất, yêu cầu cung cấp hồ sơ, sổ quản lý, tài liệu liên quan (thực hiện như phương pháp ở phần trên). Tuy nhiên, do đây là hoạt động trực tiếp kiểm sát định kỳ nên Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần lưu ý:

- Yêu cầu cung cấp một số loại hồ sơ cơ bản như hồ sơ tạm giữ, hồ sơ tạm giam ở các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử); hồ sơ tạm giữ, tạm giam liên quan đến các vụ việc đột xuất như người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết, phạm tội mới, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ...

- Yêu cầu cung cấp sổ quản lý: Bám sát theo quy định của Bộ Công an. Các loại sổ quản lý được nhiều cán bộ, bộ phận chuyên môn quản lý nên Kiểm sát viên cần nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận để yêu cầu cung cấp cho phù hợp, chẳng hạn như sổ quản lý của Cảnh sát quản giáo, sổ quản lý của lực lượng cảnh sát bảo vệ, sổ quản lý của bộ phận hồ sơ.

- Yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan gồm: (1) Thực hiện chế độ ăn (các chứng từ, hóa đơn mua thực phẩm); chú ý chủng loại, số lượng, đơn giá về biên bản giao nhận hàng; (2) Thực hiện chế độ cấp phát (để đối chiếu chứng từ thực hiện chế độ cấp phát đồ dùng cá nhân) về số lượng, thời gian thực hiện, danh sách, chữ ký nhận của từng người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Thứ hai, kiểm sát sổ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong thời điểm kiểm sát (phương pháp kiểm sát như đã nêu tại phần trên); kiểm sát hồ sơ quản lý giam giữ đã yêu cầu cung cấp (phương pháp kiểm sát như đã nêu tại phần trên).

Thứ ba, gặp, hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam để kiểm chứng lại toàn bộ hoạt động tổ chức thực hiện chế độ quản lý giam giữ, bảo đảm việc thực hiện chế độ cũng như bảo đảm quyền cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc hỏi có thể thực hiện tuần tự hoặc hỏi về những nội dung cần lưu tâm, nội dung có dấu hiệu vi phạm.

Thứ tư, trực tiếp kiểm sát tại khu giam, buồng giam, bếp ăn, căng tin, bệnh xá, nhà thăm gặp:

- Trước khi kiểm sát tại khu giam, buồng giam, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần trao đổi với cán bộ, chiến sĩ có liên quan để nắm rõ số lượng khu giam, buồng giam; việc cơ sở giam giữ tổ chức bố trí giam giữ theo từng khu giam, buồng giam như khu tạm giữ, khu tạm giam, khu giam người dưới 18 tuổi, người bị giam giữ là nữ, người nước ngoài, người bị kết án tử hình, phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi...

Khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trực tiếp vào các buồng giam, khu giam nơi giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam để đánh giá diện tích chỗ nằm; cũng như việc bố trí giam giữ được lưu trong hồ sơ tạm giữ, tạm giam với việc bố trí giam giữ thực tế; đồng thời, đánh giá việc phân loại giam giữ, chú trọng kiểm sát việc quản lý và giam giữ riêng đối với người bị kết án tử hình, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ, đối tượng trong cùng vụ án, người có quốc tịch nước ngoài.

- Kiểm sát tại bếp ăn: Kiểm sát sổ ghi chép, phản ánh việc tiếp nhận đồ ăn, trong đó cần chú ý đến thời gian, khối lượng, trọng lượng các loại hàng nhập, người nhập, người nhận, người chứng kiến; kiểm sát việc niêm yết, công khai chế độ ăn thực tế tại thời điểm kiểm sát, việc lưu mẫu thức ăn; kiểm sát việc Thủ trưởng cơ sở giam giữ hoán đổi chế độ ăn cho phù hợp thực tế.

- Kiểm sát tại căng tin: Kiểm sát việc Thủ trưởng cơ sở giam giữ duyệt số lượng mặt hàng bán tại căng tin, duyệt giá bán các loại mặt hàng; việc niêm yết danh sách các mặt hàng; đối chiếu các loại hàng hóa với danh sách hàng hóa được niêm yết; yêu cầu cung cấp một số sổ mua hàng lưu ký của người bị tạm giữ, tạm giam để kiểm sát về số lượng, giá cả và chủng loại hàng hóa, sau đó đối chiếu với giá cả và chủng loại hàng hóa đã niêm yết công khai đã được phê duyệt; kiểm sát việc phân phối kết quả lợi nhuận hoạt động căng tin, trong đó tập trung vào báo cáo của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị về lợi nhuận hàng tháng, bảng giá hàng hóa tại căng tin đã phê duyệt, kiểm tra các chứng từ chi về lợi nhuận.

Tại cơ sở giam giữ có căng tin phục vụ mua lưu ký cho người bị tạm giữ, tạm giam và phục vụ thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam đến mua đồ gửi cho người bị tạm giữ, tạm giam, cần chú ý kiểm sát ở hai khu vực này.

- Kiểm sát tại bệnh xá: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên yêu cầu cung cấp danh sách bệnh nhân đang điều trị; yêu cầu cung cấp và kiểm sát đối với sổ quản lý, theo dõi khám chữa bệnh; sổ theo dõi cấp phát thuốc; sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám và điều trị tại bệnh viện tuyến trên; bệnh án điều trị; gặp hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang điều trị tại bệnh xá, buồng y tế về việc thực hiện chế độ y tế, chăm sóc sức khỏe đối với họ.

- Kiểm sát tại nhà thăm gặp: Kiểm sát việc niêm yết nội quy thăm gặp, sổ sách quản lý việc thăm gặp, thủ tục thăm gặp; đồng thời, yêu cầu cung cấp sổ, tài liệu liên quan phản ánh việc tổ chức thăm gặp thân nhân, người bào chữa..

Quá trình kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cần sử dụng đồng bộ nhiều phương pháp kiểm sát như thông qua kiểm sát nơi ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; gặp hỏi người bị giam giữ; yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo; làm việc với cán bộ, chiến sĩ có liên quan.

Một lưu ý quan trọng khác là, khi hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam về nội dung liên quan đến thực hiện chế độ đối với họ, cần hỏi cụ thể, chi tiết như: Cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam ăn mấy bữa/ngày, được cấp chế độ ăn gồm những gì? Một tuần được mấy bữa có cá hoặc thịt; ngày lễ, tết được ăn những gì? Cơ sở giam giữ cấp phát cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam những đồ vật gì, thời gian nào, có thực hiện việc ký nhận không? Cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mượn những đồ vật gì, thời gian nào, có thực hiện việc ký nhận không? Trong quá trình giam giữ, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có được thăm gặp thân nhân, luật sư, người bào chữa và tiếp xúc lãnh sự không? Gồm những ai? Thời điểm nào? Trao đổi về nội dung gì? Có được nhận quà do thân nhân gửi không? Thân nhân gửi ai? Thời điểm tiếp nhận? Quà gồm những gì, khối lượng, sử dụng quà thế nào? Việc thực hiện chế độ y tế như khám, chữa bệnh, cấp phát sử dụng thuốc, tiếp nhận thuốc của thân nhân; chế độ sinh hoạt tinh thần như việc cấp báo, nghe đài phát thanh được thực hiện như thế nào...

Đối với những trường hợp được cấp phát hoặc cho mượn, cần yêu cầu người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang ra để đối chiếu. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần ghi chép lại toàn bộ quá trình gặp hỏi, đồng thời, ghi rõ chủng loại, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm của các đồ vật mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam cung cấp.

Một số nội dung về thực hiện chế độ như chế độ ăn, hoạt động căng tin bảo đảm không có lợi nhuận cũng cần chú ý để kiểm sát.

Ngoài ra, lưu ý rằng nhà tạm giữ Công an cấp huyện không phải là đơn vị kế toán độc lập, việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam phụ thuộc vào đơn vị hậu cần Công an cùng cấp nên nhiều chứng từ về thực hiện chế độ, cấp phát khó có thể cung cấp ngay.

Thứ năm, làm việc với cán bộ, chiến sĩ liên quan: (1) Làm việc với bộ phận liên quan để kiểm sát việc quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi trích xuất ra ngoài cơ sở giam giữ. Quá trình kiểm sát cần làm rõ mục đích của trích xuất để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố hoặc để khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, phải kiểm sát việc xây dựng kế hoạch áp giải, quản lý; việc giao, nhận người phải lập biên bản, ghi rõ tình trạng sức khỏe của người đó và ghi vào sổ theo dõi; bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; (2) Làm việc với quản giáo buồng giam: Phải yêu cầu cung cấp sổ liên quan đến công tác quản lý buồng giam; kế hoạch giáo dục chung và giáo dục riêng đã được phê duyệt; tài liệu về công tác giáo dục, nắm số lượng, nội dung giáo dục hằng tuần, hằng tháng, trong đó chú ý đến việc giáo dục đối với đối tượng trọng điểm (khoản 8 Điều 5 Thông tư số 22/2016/TT-BCA ngày 16/6/2016 của Bộ Công an quy định về công tác quản giáo trong nhà tạm giữ; trại tạm giam) như đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, nhiều tiền án, tiền sự, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng có hành vi chống đối, nhiều lần vi phạm, các đối tượng trong những vụ án rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đối tượng là người bị kết án tử hình và đối tượng đặc thù (như phạm tội lần đầu, đối tượng nữ, người dưới 18 tuổi, người bị bệnh tật, người đồng tính).

Thứ sáu, tiến hành xác minh vụ việc liên quan về những vấn đề cần thiết phục vụ cho hoạt động kiểm sát: Nếu thấy cần thiết, thành viên đoàn kiểm sát có thể đề xuất xác minh vụ, việc liên quan phục vụ cho hoạt động kiểm sát. Phải nêu rõ các nội dung cần xác minh; thời gian, địa điểm xác minh và thành viên tham gia. Các thành viên có thể tự thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức hoặc ủy quyền cho Viện kiểm sát khác nơi vụ việc xảy ra xác minh. Việc xác minh phải lập biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung xác minh và ý kiến của người được xác minh, biên bản được lưu vào hồ sơ.

Thứ bảy, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tạm giữ, tạm giam: Khi trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam có khiếu nại, tố cáo về quyết định, hành vi trái pháp luật, vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiếp nhận ngay thông tin hoặc yêu cầu người bị tạm giữ, người bị tạm giam viết đơn trình bày, báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách để nghiên cứu xử lý nội dung đơn. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên căn cứ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của Viện trưởng Viện kiểm sát được quy định trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 để báo cáo, đề xuất lãnh đạo phụ trách xem xét, giải quyết theo quy định.

Đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam tiếp nhận để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Kỹ năng trực tiếp kiểm sát đột xuất tại nhà tạm giữ, trại tạm giam

Theo khoản 2 Điều 48 Quy chế số 259/2023, theo yêu cầu của cấp ủy, Hội đồng nhân dân hoặc khi xảy ra các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết (do tự sát, tai nạn, bị gây thương tích, bị đánh dẫn đến chết), phạm tội mới hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác thì Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát đột xuất.

Mục tiêu của hoạt động này là làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền. Viện kiểm sát nhân dân không nhất thiết phải gửi trước quyết định trực tiếp kiểm sát đột xuất đến các cơ quan, đơn vị được kiểm sát. Quy trình tiến hành trực tiếp kiểm sát đột xuất có một số điểm riêng so với trực tiếp kiểm sát định kỳ.

Lưu ý, việc kiểm sát đột xuất thường được thực hiện ngay và tiến hành trong thời gian ngắn, do vậy khi tiến hành kiểm sát, Trưởng đoàn kiểm sát cần chuẩn bị trước nội dung yêu cầu để đơn vị được kiểm sát chủ động xây dựng nội dung báo cáo.

Một số nội dung cơ bản cần tiến hành kiểm sát đối với các trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn:

- Trước hết, cần nắm rõ diễn biến sự việc, đối tượng bỏ trốn, thời gian trốn, thời gian phát hiện ra sự việc, ai là người phát hiện ra sự việc. Kiểm tra hiện trường buồng giam, hiện trường trốn và các thông tin khác có liên quan. Phối hợp với đơn vị làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để trao đổi thông tin về nội dung liên quan đến khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường và các vật chứng thu giữ được trong quá trình khám nghiệm. Thông qua hoạt động phối hợp để kịp thời nắm bắt về số lượng đối tượng bỏ trốn, thời gian, không gian, địa điểm trốn, công cụ, phương tiện được sử dụng để thực hiện việc bỏ trốn.

- Yêu cầu cung cấp, kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam để nắm đặc điểm về nhân thân, lý lịch của đối tượng; cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án; tính có căn cứ, hợp pháp của các tài liệu lưu trong hồ sơ tạm giữ, tạm giam.

- Yêu cầu cung cấp và kiểm sát sổ quản lý, tài liệu phản ánh về công tác quản lý giam giữ để xác định công tác tuần tra, canh gác tại thời điểm xảy ra vụ việc trốn; kiểm sát việc Thủ trưởng cơ sở giam giữ phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ cơ sở giam giữ; kiểm sát tài liệu phản ánh kết quả hoạt động kiểm tra, lục soát, phát hiện đồ vật cấm; phản ánh về tình hình ca trực của cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác tuần tra, canh gác.

Kiểm sát quy trình công tác quản giáo buồng giam: Yêu cầu quản giáo cung cấp tài liệu phản ánh về việc bố trí giam giữ, việc kiểm tra khi đối tượng được đưa ra, khi tiếp nhận đối tượng vào buồng giam; việc điểm danh, kiểm diện hằng ngày; kết quả nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ quản giáo thông qua công tác giáo dục của cán bộ quản giáo.

Gặp hỏi người bị giam giữ cùng buồng giam (nếu có), làm việc với những người có liên quan, người có tiếp xúc với người trốn để làm rõ về ý định, mục đích, bản chất việc bỏ trốn của đối tượng cũng như việc giúp sức cho người bị tạm giữ, tạm giam trốn.

Hoạt động kiểm sát này sẽ giúp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên nắm được ca trực xảy ra vụ việc gồm những ai, nhiệm vụ của từng cán bộ, lý do trốn; ai là người phát hiện vụ việc trốn; trách nhiệm của từng cán bộ trong ca trực; công cụ, phương tiện sử dụng vào việc trốn cũng như nguồn gốc của công cụ, phương tiện, sơ hở của công tác quản lý dẫn đến vật cấm được đưa vào buồng giam hoặc khu giam giữ.

- Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với đối tượng trốn như chế độ ăn, nước uống, ở, cấp phát...

- Kiểm sát thủ tục, biện pháp Thủ trưởng cơ sở giam giữ áp dụng sau khi phát hiện vụ việc trốn như: Thông báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền, thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án, thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kiểm sát quản lý giam giữ; tổ chức các lực lượng truy bắt, truy nã đối tượng.

Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết do tự sát:

- Phối hợp với đơn vị làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để nắm nội dung trong các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận sơ bộ về nguyên nhân chết, các vật chứng thu giữ được. Kịp thời nắm bắt thời gian, không gian, địa điểm tự sát, công cụ, phương tiện được sử dụng để thực hiện việc tự sát.

- Yêu cầu cung cấp, kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam của đối tượng để nắm rõ đặc điểm về nhân thân, lý lịch của đối tượng; cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án, tính có căn cứ, hợp pháp của các tài liệu lưu trong hồ sơ tạm giữ, tạm giam.

- Kiểm sát về chế độ quản lý giam giữ, quy trình công tác quản giáo buồng giam: Gặp hỏi người bị giam giữ cùng buồng giam (nếu có), làm việc với những người có liên quan, người có tiếp xúc với người tự sát để làm rõ về ý định tự sát.

- Kiểm sát thủ tục, biện pháp Thủ trưởng cơ sở giam giữ áp dụng sau khi phát hiện vụ việc tự sát như: Thông báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền, thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án, thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kiểm sát quản lý giam giữ; việc thực hiện chế độ sau khi đối tượng chết.

Ngoài ra, trong trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị gây thương tích, tàng trữ vật cấm, phạm tội mới, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hiện các nội dung tương tự như trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, tự sát.

Lương Minh Thống - Bùi Trung Thành

Theo Tạp chí Kiểm sát in số 06/2024