Một số nội dung cần lưu ý khi kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc của tòa án
Ngày đăng : 09:11, 03/02/2025
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (viết tắt là Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012), biện pháp xử lý hành chính được hiểu là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong các biện pháp đó, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi, như: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định; hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định nêu trên nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Đây chính là khái niệm về biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cũng chính là cơ sở pháp lý để Tòa án áp dụng khi thực hiện biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với một đối tượng cụ thể.
Xét về mặt nội dung, điều kiện để đưa một đối tượng cụ thể vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc của Tòa án vẫn còn trường hợp chưa đúng quy định của pháp luật.
Từ thực tiễn nghiên cứu và kiểm sát hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, tác giả nhận thấy, để phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ hồ sơ với các nội dung trọng tâm cần lưu ý sau:
Về đối tượng, trước hết, Kiểm sát viên cần xác định đối tượng bị đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc có thỏa mãn các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 hay không? Cụ thể: Đối tượng đó phải từ đủ 18 tuổi trở lên, đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi, như: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định; hoặc đối tượng đó phải từ đủ 18 tuổi trở lên và thực hiện một trong các hành vi nêu trên nhưng không phải là tội phạm và đồng thời trước đó đối tượng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, Kiểm sát viên cần kiểm sát kỹ các điều kiện sau:
Về độ tuổi: Kiểm sát viên cần xác định trong hồ sơ đề nghị phải đảm bảo giấy tờ về nhân thân của đối tượng thể hiện họ đã đủ 18 tuổi, như: Căn cước công dân hoặc giấy khai sinh, hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân thể hiện đối tượng đã từ đủ 18 tuổi trở lên.
Về hành vi và nơi cư trú: Hành vi mà đối tượng đã thực hiện có phải thuộc một trong các hành vi được quy định tại khoản 6 Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012? Đối tượng đó có nơi cư trú ổn định không?
Về thời hạn: Trong thời hạn 06 tháng, đối tượng đó có bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba hay không? Hoặc điều kiện thứ ba có thể được thay thế bằng điều kiện trước đó đối tượng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và không cần điều kiện về việc đối tượng không có nơi cư trú ổn định.
Cụ thể, về biên bản vi phạm hành chính, Kiểm sát viên cần lưu ý việc lập biên bản này phải do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 118/2021) và việc lập biên bản này phải được thực hiện trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Kiểm sát viên cần kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định, bao gồm: Xác định hành vi của đối tượng vi phạm nội dung nào? Do văn bản pháp luật nào quy định? Ví dụ như: Hành vi dùng chân đá, dùng tay đập phá… tài sản của người khác làm tài sản bị hư, hỏng thì phải được xác định là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản cá nhân, hành vi này bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội (Nghị định số 144/2021), nên thẩm quyền xử phạt hành chính thuộc Trưởng Công an huyện, thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 69 Nghị định số 144/2021… Vì vậy, việc người không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc việc lập biên bản vi phạm hành chính không hợp pháp theo quy định tại Nghị định số 118/2021; hoặc người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền; hoặc xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng… đều dẫn đến biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính không hợp pháp. Các văn bản này không được xem là căn cứ để Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc, mặc dù trên thực tế đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Việc nắm chắc các điều kiện nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cho Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ hồ sơ xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Về trình tự, thủ tục: Khi kiểm sát hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các trình tự, thủ tục mà Trưởng Công an cấp xã đã thực hiện để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng có đảm bảo tuân thủ Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Nghị định số 120/2021) hay không? Bởi lẽ, ngoài các đối tượng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì tại điểm b khoản 1 Điều 94 Luật này cũng xác định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Theo đó, Kiểm sát viên phải nắm chắc thủ tục quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng có đảm bảo căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 22; điểm e khoản 9 Điều 22 và điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị định số 120/2021 hay không? Cụ thể như: Thành phần tham gia cuộc họp tư vấn có đầy đủ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Trưởng Công an cấp xã; công chức tư pháp - hộ tịch; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện dân cư ở cơ sở hay không? Biên bản họp tư vấn xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia cuộc họp hay không? Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có được mời tham dự cuộc họp tư vấn theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 120/2021 không? Việc mời người bị đề nghị tham gia cuộc họp có được thể hiện bằng văn bản và có được gửi trước khi tổ chức cuộc họp ít nhất là 03 ngày làm việc theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 120/2021 không? Người bị đề nghị tham gia cuộc họp có được phát biểu ý kiến tại cuộc họp theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Nghị định số 120/2021 hay không?... Đồng thời, biên bản cuộc họp tư vấn có thể hiện các thành viên tham gia cuộc họp, có thảo luận về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của đối tượng, thời gian áp dụng biện pháp... theo quy định tại điểm e khoản 9 Điều 22 Nghị định số 120/2021 không? Báo cáo tóm tắt về nội dung cuộc họp và văn bản đề nghị về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn của Công an cấp xã có đề xuất thời hạn áp dụng; cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị định số 120/2021 không?
Trường hợp khi phát hiện hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn không đảm bảo căn cứ, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 120/2021; hoặc biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính không hợp pháp do không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục... theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản dưới luật hướng dẫn lĩnh vực liên quan việc xử phạt vi phạm hành chính, thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về: Tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 03/2022); kiểm sát chặt chẽ biên bản phiên họp theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh này; kiểm sát việc gửi quyết định của Tòa án cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bị đề nghị, người đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh số 03/2022, nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát khi có căn cứ xác định quyết định của Tòa án là trái pháp luật theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Pháp lệnh số 03/2022.
ThS. Đào Thị Ngọc Thuận