Một số giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Ngày đăng : 19:51, 13/01/2025

(Kiemsat.vn) - Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…; đòi hỏi các cơ quan chức năng có giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình mới.

Một số khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Thực tế hiện nay xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội; lợi dụng quan hệ tình cảm; trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng; xin việc làm; xuất khẩu lao động; “chạy” dự án; vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo; thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền; làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu, phường, phòng, chống dịch bệnh... Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú, nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng. Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng có giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình mới, nhất là vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, cơ quan Công an phát hiện hơn 13 nghìn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự và chỉ tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 1.670 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng qua các năm đều có xu hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng và gây thiệt hại lớn.

Qua nghiên cứu cho thấy, ngoài các đặc điểm tương tự như đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản truyền thống, thì đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường có một số đặc trưng như sau:

- Đối tượng có các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng internet, mạng viễn thông hoặc thiết bị số… làm công cụ để tham gia trực tiếp vào quá trình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Yếu tố sử dụng thiết bị công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định trong việc phạm tội, đối tượng phạm tội không cần trực tiếp tiếp xúc với người bị hại, mà thông qua các hình thức như: Chuyển khoản, nạp mã thẻ cào qua điện thoại…

- Để che đậy hành vi phạm tội, đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như mở tài khoản truy cập, tài khoản ngân hàng bằng thông tin của người khác, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm sai lệch giọng nói, đặc điểm khuôn mặt, ẩn thuê bao hoặc hiện thuê bao giống, tương tự các thuê bao đại diện của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (như ngân hàng, bưu điện, cơ quan Công an, Thuế, Tòa án, Viện kiểm sát…), tạo nhiều vỏ bọc với hình thức đăng nhập nhiều tài khoản, sử dụng nhiều thiết bị máy tính, mạng, di chuyển địa điểm truy cập, làm giả địa chỉ IP, khiến cơ quan chức năng khó xác định vị trí chính xác nơi các đối tượng đăng nhập sử dụng mạng…

Trước những hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ, số đối tượng, thiệt hại, tính chất; thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát hình sự nói riêng đã triển khai đồng bộ các biện pháp và đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều vụ sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn, một phần là do cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, chưa có hướng dẫn cụ thể, văn bản pháp luật ban hành đã lâu nhưng chưa được bổ sung, cập nhật mới… Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về lực lượng có chức năng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo quy định, lực lượng Cảnh sát hình sự, lực lượng Cảnh sát kinh tế các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, được tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; mặt khác, Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng có chức năng này. Vì vậy, thực tế có nơi, có lúc vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các lực lượng có chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Thứ hai, đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có những đặc điểm khác so với đối tượng lừa đảo theo kiểu truyền thống. Vì vậy, nếu không thay đổi và có biện pháp nghiệp vụ phù hợp thì rất khó đạt hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Thời gian qua, các chỉ thị, thông tư của Bộ Công an quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân là cơ sở quan trọng giúp lực lượng chức năng chủ động phòng ngừa, triển khai các hoạt động nghiệp vụ, góp phần kiểm soát, kéo giảm tội phạm. Tuy nhiên, các quy định trên vẫn còn hạn chế đối với vấn đề phòng, chống tội phạm trên không gian mạng nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng. Quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản như công tác điều tra cơ bản, xác minh hiềm nghi, cộng tác viên bí mật, đấu tranh chuyên án vẫn theo phương pháp truyền thống (môi trường hiện thực), chưa thật sự đổi mới và chuyển mình theo môi trường không gian mạng (môi trường ảo).

Thứ ba, chưa có văn bản quy định cụ thể về trang thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là trong giai đoạn hiện nay, muốn ứng dụng, vận dụng công tác nghiệp vụ cơ bản trên môi trường không gian mạng (môi trường ảo) vào thực tế, cần trang thiết bị chuyên dụng, kinh phí phù hợp.

Thứ tư, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần sự phối hợp giữa nhiều đơn vị, lực lượng trong và ngoài ngành Công an về nhiều nội dung như: Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cách làm hay; tham mưu đề xuất nhằm khắc phục sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên các lĩnh vực có liên quan như các nhà mạng, ngân hàng, tổ chức tín dụng, bưu điện, quản lý trang web, các ứng dụng trên điện thoại thông minh… mà các đối tượng lợi dụng để hoạt động. Mặc dù đã có các quy định liên quan về việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các đơn vị, ngành, tổ chức khác, nhưng sự phối hợp có lúc, có nơi vẫn chưa thực chất, chưa chặt chẽ, nhất là trong thu thập, chia sẻ thông tin tài liệu…

Thứ năm, nhiều thông tin, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, là cơ hội để tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thực hiện tội phạm; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhưng hiện nay chưa có Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nên tính pháp lý chưa cao.

Thứ sáu, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa tách bạch rõ ràng giữa quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174; chưa có quy định về Tội làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân.

Thứ bảy, chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về trình tự, thủ tục, biện pháp thu thập, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển chứng cứ điện tử trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021. Các dữ liệu điện tử được coi là nguồn của chứng cứ và phải được chuyển hóa sang các dạng tài liệu có thể đọc được, nhìn được, nghe được, phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử đã phục hồi, phân tích…

Một số đề xuất, kiến nghị

Thời gian tới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho bị hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh môi trường mạng. Để góp phần phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, trên cơ sở quy định về thẩm quyền trong phòng ngừa, điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mỗi lực lượng chức năng cần phát huy vai trò, trách nhiệm; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ.

Hai là, cần hoàn thiện quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản, vừa thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản trong môi trường hiện thực, vừa triển khai trên môi trường không gian mạng (môi trường ảo); tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng tầm và gắn liền với sự phát triển thời đại công nghệ số, công tác nghiệp vụ cơ bản không được đi sau tội phạm; tổ chức quán triệt, tập huấn để toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nắm và thực hiện đúng các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn, quy định mới về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an với các ngành, các cấp có liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không mạng. Thông qua việc xây dựng các quy chế phối hợp để tạo ra cơ sở pháp lý, đây là điều kiện cho các bên tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Bốn là, cần sớm ban hành quy định cụ thể về trang thiết bị, phương tiện, kinh phí phục vụ các mặt công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng.

Năm là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó cần chú ý: Rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động…

Sáu là, cần có sự tách bạch rõ ràng giữa quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành, nhất là về đối tượng lừa đảo theo phương thức truyền thống nhưng có sử dụng công nghệ cao; bổ sung Tội làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân để đảm bảo tính răn đe; nghiên cứu sớm ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân để có tính pháp lý cao hơn.

Bảy là, cần ban hành quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, biện pháp thu thập, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để chuyển hóa chứng cứ sang các dạng tài liệu có thể đọc được, nhìn được, nghe được một cách hợp pháp và có hiệu quả; ban hành hướng dẫn, quy định riêng về việc bảo quản, phục hồi, phân tích, đánh giá, sử dụng loại chứng cứ là dữ liệu điện tử.

TS. Nguyễn Tấn Thương

Theo Tạp chí Kiểm sát in số 05/2024