VKSND cấp cao tại Hà Nội triển khai công tác năm 2025
Ngày đăng : 17:30, 24/12/2024
Đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo VKSND một số tỉnh, thành phố trong khu vực; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Viện cấp cao 1 cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Viện cấp cao 1…
Toàn cảnh Hội nghị. |
Năm 2024, tập thể lãnh đạo Viện cấp cao 1 tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt cơ chế phân công trong quản lý, chỉ đạo, điều hành theo lĩnh vực, đơn vị và địa phương phụ trách. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành” và bảo đảm “thực chất, hiệu quả”; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị. Qua đó, đề ra nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Trong năm, đơn vị đã triển khai hiệu quả 3 khâu công tác đột phá đó là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong hoạt động xét xử để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị; nâng cao chất lượng nghiên cứu và xây dựng hồ sơ kiểm sát án phúc thẩm, giám đốc thẩm, hồ sơ giải quyết đơn các loại; nâng cao chất lượng nghiên cứu và xây dựng hồ sơ kiểm sát án phúc thẩm, giám đốc thẩm, hồ sơ giải quyết đơn các loại.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2024, Viện cấp cao 1 đã thụ lý kiểm sát giải quyết 4.365 vụ, việc phúc thẩm các loại (giảm 135 vụ, việc so với năm 2023); thụ lý 195 vụ, việc có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại (giảm 51 vụ, việc so với năm 2023). Trong đó, có nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nhiều vụ án hình sự có bị cáo kháng cáo kêu oan, bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức án tử hình, án do các cơ quan tố tụng trung ương điều tra, truy tố ủy quyền địa phương xét xử.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của ngành KSND cho tập thể Viện cấp cao 1. |
Qua báo cáo, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm các loại án của Viện cấp cao 1 được Tòa án chấp nhận đều tăng so với năm 2023, đạt và vượt các chỉ tiêu của Ngành, Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp tỉnh trong khu vực được Viện cấp cao 1 bảo vệ tăng 7,1% so với năm 2023; Làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; không có vụ án Tòa án tuyên không phạm tội hoặc bị TAND tối cao hủy án do oan sai, bỏ lọt tội phạm. Phối hợp với Tòa cấp cao tổ chức 79 phiên tòa rút kinh nghiệm, 1.074 phiên tòa xét xử phúc thẩm bằng hình thức trực tuyến.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của VKSND tối cao cho 1 tập thể thuộc Viện cấp cao 1. |
Ngoài ra, thông qua công tác nghiệp vụ, Viện cấp cao 1 đã ban hành 14 kháng nghị phúc thẩm, 44 kháng nghị giám đốc thẩm, 16 kháng nghị tái thẩm, 193 kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm, 109 thông báo rút kinh nghiệm, 28 báo cáo VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Tỷ lệ kiến nghị được các cơ quan chấp nhận, tiếp thu đạt 100%. Đã giải quyết 2.141 đơn/1.555 việc (đạt 62,4% số đơn và 72,02% số việc thụ lý, vượt 12,02% so với chỉ tiêu của Ngành). Tỷ lệ giải quyết việc đã có hồ sơ đạt 84,4% (785/930 hồ sơ), vượt 4,4% so với chỉ tiêu của Ngành, 24,4% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Việc giải quyết đơn đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Năm 2025 là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, cũng là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cùng với đó, Kỷ niệm 65 năm ngày tuyền thống ngành Kiểm sát nhân dân, 10 năm thành lâp Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện cấp cao 1 tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Viện cấp cao 1 xác định thực hiện tốt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị khóa XIII; Kế hoạch của Đảng ủy cấp trên và Đảng ủy Viện cấp cao 1 về tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 181 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao; tiếp tục xác định công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động là nhiệm vụ trọng tâm…
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu; bảo đảm điều kiện, môi trường để cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự nhằm chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và kiến nghị trên các lĩnh vực; đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và của Ngành.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện cấp cao 1 phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao và kết luận Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả nổi bật trên các mặt công tác mà Viện cấp cao 1 đạt được trong năm 2024. Phó Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, những kết quả này đã góp phần vào thành tích chung mà ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong năm 2024.
Về các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng yêu cầu Viện cấp cao 1 quán triệt, thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, các nội dung tại Chỉ thị công tác năm 2025 của ngành Kiểm sát nhân dân, các chỉ thị chuyên đề, hướng dẫn công tác của Ngành cũng như các nhiệm vụ trọng tâm công tác được đơn vị xác định; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự nhằm chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm. Thực hiện tốt công tác hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường và kiểm soát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác chuyên môn và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của đơn vị; tăng cường giáo dục chính trị cho cán bộ, công chức trong đơn vị; nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và kiến nghị trên các lĩnh vực; đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và của Ngành.