Xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025
Ngày đăng : 10:13, 21/12/2024
Theo Nghị quyết này, năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của Ngành và diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong tâm thế, đất nước ta bước vào "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" với nhiều cơ hội và thách thức đan xen; với phương châm công tác của Ngành “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả", Ban cán sự đảng VKSND tối cao xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo toàn Ngành trong năm 2025 như sau:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong ngành Kiểm sát nhân dân; nhất là các văn bản liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách tư pháp. VKSND các cấp phối hợp với cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức đại hội, bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả; lựa chọn kỹ lưỡng những người có đủ bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín để giới thiệu tham gia cấp ủy; đồng thời công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.
2. Xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng, Đảng ủy VKSND tối cao; trình cấp có thẩm quyền thành lập và chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy VKSND tối cao theo Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18; xây dựng Quy chế làm việc của Đảng ủy để sớm ổn định và hoạt động có hiệu quả. Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp chỉ đạo và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 181-NQ/BCSĐ ngày 19/11/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân theo hướng "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” gắn với cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cấp ủy, lãnh đạo, quản lý, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị. Tập trung xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm": "năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung"; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Đồng thời, người đứng đầu đơn vị gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ động và tăng cường phối hợp, có ý thức giữ gìn sự đoàn kết trong mọi mặt hoạt động; tăng cường công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, quan tâm công tác tự đào tạo tại đơn vị; chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng phát triển để phân công giao việc tại những lĩnh vực khó, địa bàn phức tạp để thử thách; thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch, đào tạo gắn với phân công giao việc và đánh giá cán bộ chính xác, thực chất, có cơ chế bảo vệ cán bộ.
3. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính và ngược lại; tập trung giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tội phạm gây rối trật tự công cộng gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là các vụ, việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 164/2024/QH15 ngày 28/11/2024 của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Các Viện kiểm sát địa phương chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp nhằm kiểm sát chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trong việc thụ lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu và xuyên suốt trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan tố tụng rà soát, giải quyết án tạm đình chỉ để phục hồi khi có đủ căn cứ, chủ động tham mưu cho cấp ủy địa phương ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham những, tiêu cực và xã hội quan tâm.
4. Trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra đối với VKSND cấp dưới theo lĩnh vực phụ trách; kịp thời phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao kiến nghị về các biện pháp khắc phục, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Viện trưởng VKSND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các biện pháp công tác theo quy định nhằm phát hiện vi phạm của bản án, quyết định, kịp thời thực hiện quyền kháng nghị. Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vì phạm; không chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp. VKSND các cấp phải đánh giá, phân tích nguyên nhân, lý do đối với từng trường hợp kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận; những trường hợp do áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến quyết định kháng nghị không đủ căn cứ hoặc không cần thiết; những trường hợp do nhận thức của Tòa án trong việc áp dụng pháp luật để làm căn cứ xem xét trách nhiệm, đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân trong năm. Đối với các kháng nghị được Tòa án xét xử chấp nhận, cần tổng hợp thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới tham khảo, rút kinh nghiệm; định kỳ sơ kết, tổng kết tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Tiếp tục công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong lĩnh dân sự, hành chính; có chính sách khích lệ động viên thông qua việc quy hoạch, tạo điều kiện học tập, bồ nhiệm, bố trí chức vụ lãnh đạo quản lý đối với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi trong khâu công tác này.
5. Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo quy định, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan để thực hiện tốt Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của Bộ Chính trị góp phần bảo vệ Đảng và nâng cao uy tín của Ngành. Chủ động, tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành trong công tác phát hiện, kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự, đảm bảo việc phát hiện, khởi tố, giải quyết và phòng ngừa vi phạm, tội phạm thuộc thẩm quyền nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp bảo đảm thực thi đúng pháp luật. Nghiên cứu bổ sung các trang thiết bị và xây dựng đội ngũ chuyên gia về dữ liệu điện tử.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương đầu mối trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và hợp tác quốc tế, góp phần đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia. Ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nhất là kỹ năng thu thập, bảo quản, sử dụng chứng cứ điện tử phục vụ điều tra, truy tố xét xử.
7. Bảo đảm tiến độ và chất lượng các đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho ngành Kiểm sát nhân dân làm đầu mối, chủ trì tham mưu xây dựng: (1) “Cơ chế khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước"; (2) “Cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng"; (3) "Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ từ hình sang hình phạt tù, nhất là các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm sở hữu". Tập trung rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; các quy chế, quy định của Ngành bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục triển khai bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm “Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện".
8. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Ngành; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án, xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
9. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị, đề xuất của các đoàn kiểm tra liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (theo Kế hoạch số 20-KH/BCSĐ ngày 09/6/2023 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao); Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực (theo Kế hoạch số 22-KH/BCSĐ ngày 18/7/2023 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao); Kết luận về kết quả kiểm tra của Ban Bí thư theo Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023 (Kế hoạch số 45-KH/BCSĐ ngày 18/10/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao) và các kết luận, thông báo kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
10. Toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND, tiếp tục xác định là khâu đột phá trọng tâm năm 2025 của toàn Ngành. Chủ trọng đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Tập trung mọi nguồn lực, các điều kiện cần thiết để đưa nền tảng Quản lý án hình sự và Trung tâm điều khiển của ngành Kiểm sát nhân dân đi vào hoạt động.
11. Đẩy mạnh nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ; xây dựng hình ảnh ngành Kiểm sát trong nước và ngoài nước. Tập trung tuyên tuyền và phát động phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII hưởng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI gắn với các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân.
12. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng như: Chỉ thị số 26 - CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04- HD/TW ngày 09/2/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; các quy định mới của Bộ chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá" gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tăng cường và kiểm soát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, chủ động hơn nữa công tác tự kiểm tra, thanh tra, coi công tác thanh tra là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý, điều hành của người đứng đầu nhằm kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị; chủ động phát hiện sai phạm của cán bộ trong đơn vị, xử lý nghiêm để làm gương, nghiêm cấm bao che hoặc bỏ qua vì thành tích thi đua của đơn vị.
Nghị quyết nêu rõ, các đồng chí thành viên Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được phân công đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phụ trách tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết này.
Căn cứ Nghị quyết này và Chỉ thị công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025 của Viện trưởng VKSND tối cao, các cấp ủy, tổ chức đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đã đề ra.