Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề "Tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước"
Ngày đăng : 09:13, 02/12/2024
1. Tự do ngôn luận và giới hạn của quyền tự do ngôn luận
Tự do ngôn luận là một phạm trù chính trị pháp lý liên quan đến quyền con người, đến mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, đến tự do báo chí, tự do thông tin và nhiều yếu tố khác về kinh tế, văn hóa xã hội. Trên thế giới, từ các tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu, đến các tổ chức quốc tế tầm khu vực và hầu hết mọi quốc gia đều ghi nhận quyền tự do ngôn luận trong các văn kiện pháp lý có hiệu lực cao nhất.
Về quan niệm: Tự do ngôn luận được hiểu là sự tự do phát biểu quan điểm. Thuật ngữ này đồng nghĩa với tự do biểu đạt diễn đạt hoặc tự do thể hiện (freedom of expression) đôi khi còn được dùng để nói đến cả hành động tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin hoặc quan niệm, quan điểm, bất kể bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông nào. Khái niệm tự do ngôn luận còn được hiểu là một quyền đa diện bao gồm không chỉ quyền được biểu đạt hay phát tán thông tin và tư tưởng, mà còn bao gồm ba khía cạnh sau: (1) Quyển tìm kiếm thông tin và tư tưởng; (2) Quyền tiếp nhận thông tin và tư tưởng; (3) Quyền chia sẻ thông tin và tư tưởng.
Về pháp lý: Tự do ngôn luận được pháp luật ghi nhận là một trong những quyền quan trọng nhất của quyền con người, liên quan trực tiếp đến mọi mặt trong đời sống con người từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục và xã hội. Quyền tự do ngôn luận được thừa nhận như là một quyền con người trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (Điều 29) và được ghi nhận tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR), đó là: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ” (khoản 2).
Ở Việt Nam, cũng như các quyền con người, quyền công dân khác, quyền tự do ngôn luận luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng và được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận ngay trong Điều 10, Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, sau đó được tiếp tục ghi nhận trong Điều 25, Hiến pháp năm 1959; Điều 67, Hiến pháp năm 1980; tại Điều 69, Hiến pháp năm 1992. Và cho đến ngày nay, quyền hiến định đó vẫn luôn được tiếp thu và ngày càng hoàn thiện, thể chế hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đặc biệt, với sự khẳng định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi công dân. Quyền tự do ngôn luận là quyền cố hữu của con người, tất cả mọi người có quyền được tiếp cận, bàn luận, nêu quan điểm và chia sẻ thông tin, ý kiến của mình. Không chỉ là những vấn đề trong quốc gia mà người đó là công dân mà còn mang tính quốc tế, không bị giới hạn về biên giới.
Tuy nhiên, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm. Tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối, khi thực hiện quyền này đồng thời công dân phải có nghĩa vụ nhất định - nghĩa là vẫn có những hạn chế nhất định được đặt ra đối với quyền này để bảo vệ những lợi ích nhất định khác. Điều 19 và Điều 20 của ICCPR đã phần nào cụ thể hóa những hạn chế cần thiết bên cạnh việc ghi nhận và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, như: “có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”. Hay mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm; Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm”.
Chúng ta có thể thấy rõ hơn những minh chứng cho sự giới hạn của quyền tự do ngôn luận khi nhìn ra thế giới, đơn cử: Từ rất sớm, Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp (năm 1789) đã khẳng định: “Liberty consists in the freedom to do everything which injures no one else; hence the exercise of the natural rights of each man has no limits except those which assure to the other members of the society the enjoyment of the same rights. These limits can only be determined by law, điều này có thể được hiểu là: “Tự do bao gồm quyền làm mọi điều không gây tổn hại cho người khác; do đó việc thực hành các quyền tự nhiên của mỗi người không có giới hạn nào ngoại trừ những giới hạn đảm bảo cho các thành viên khác của xã hội được hưởng các quyền tương tự. Những giới hạn này chỉ có thể được xác định bởi luật pháp”. Điều 29, Hiến pháp Liên Bang Nga năm 1993 cũng quy định: “1. Mỗi người đều được bảo đảm quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. 2. Cấm tuyên truyền, phổ biến gây thù hận về mặt xã hội, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo. Cấm tuyên truyền về ưu thế xã hội, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo…”.
Hay đối với thực tiễn thi hành pháp luật, chế tài thực thi, ở Trung Quốc, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản luật và quy định khác nhằm cấm nội dung trực tuyến mà họ cho là phi pháp hoặc không phù hợp. Trong năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường sử dụng công nghệ để ngăn chặn hoặc hạn chế truy cập những tin tức, ý kiến và thông tin không có lợi cho hoạt động lãnh đạo, quản lý và trật tự xã hội; họ đưa ra quan điểm “chủ quyền quốc gia về Internet” để nghiêm trị những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc lịch sử, phát tán thông tin nhằm xuyên tạc, kích động, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng bất lợi đến sự lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội của Đảng cầm quyền, chính phủ và chính quyền các địa phương.
Và Việt Nam cũng không ngoại lệ, quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của công dân, mà theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Những hạn chế của quyền tự do ngôn luận đã được cụ thể hóa tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Điều 9, Luật báo chí năm 2016; Điều 8, Điều 16, Luật an ninh mạng năm 2018. Tóm lại, tự do ngôn luận cần tôn trọng lợi ích của quốc gia, các quyền tự do khác như: quyền được sống, quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự, quyền tôn trọng đời sống riêng tư, bí mật cá nhân…. Và việc giới hạn quyền này, hay nói cách khác, những trường hợp quyền tự do ngôn luận có thể bị hạn chế phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của mỗi quốc gia mà không được tùy tiện áp dụng, thực thi.
2. Nhận diện luận điệu của các thế lực chống phá lợi dụng vấn đề “tự do ngôn luận” để chống phá Đảng và Nhà nước
- Về nội dung:
Thứ nhất, luận điệu đồng nhất “tự do ngôn luận” với “ngôn luận tự do" để từ đó chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trong các luận điệu chỉ trích Việt Nam không có tự do ngôn luận có thể thấy các lập luận đã cố tình tập trung vào vế đầu của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, khẳng định tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, mà bỏ đi vế sau là quyền tự do đó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và thể chế mỗi quốc gia.
Thay vì xem xét các mối quan hệ giữa Hiến pháp, pháp luật và hoạt động tự do ngôn luận của công dân trên thực tiễn, các thế lực thù địch, chống phá chỉ tập trung vào các vụ việc và cá nhân cụ thể như: “đàn áp các blogger”, “bắt giam các nhà báo” để xuyên tạc về tự do ngôn luận ở Việt Nam, nhưng trong những vụ việc này, các đối tượng bị bắt giữ đều có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận để đưa tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Khái niệm mà họ sử dụng chính là “ngôn luận tự do” gần với khái niệm tự do tuyệt đối, không có giới hạn.
Do đó, cái gọi là ngôn luận tự do theo cách mà các thế lực thù địch tuyên truyền là đề cao tư tưởng của các cá nhân, không đi kèm trách nhiệm và các khuôn khổ luật pháp, đạo đức xã hội, không quan tâm hoặc xem nhẹ những hệ quả gây ra cho xã hội, cộng đồng. Điều đó khác rất xa với tự do ngôn luận chân chính, có trách nhiệm với sự phát triển tiến bộ của xã hội và nhân loại.
Thứ hai, luận điệu xuyên tạc quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam chỉ là hình thức, nhưng thực tế thì bị hạn chế tối đa bởi các chế tài thực thi. Trong những năm gần đây, đã có không ít những luận điệu từ trong và ngoài nước xuyên tạc, lên án quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Đáng lưu ý nhất là Báo cáo quốc gia về thực tiễn nhân quyền năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có những nhận định không khách quan, thiếu chứng cứ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có quyền tự do ngôn luận tự, tự do báo chí. Chẳng hạn, ngày 11/3/2019 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã tổ chức xem xét báo cáo quốc gia lần thứ III của Việt Nam về thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (Công ước ICCPR). Tại cuộc họp này đoàn Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi, chất vấn với thái độ cởi mở, cầu thị liên quan đến tình hình thực hiện các quy định của công ước ICCPR, trong đó có vai trò của cơ quan nhà nước cũng như cơ chế bảo vệ và thúc đẩy việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, không ít luận điệu vẫn cho rằng, Việt Nam đã “xảo ngôn” trong phiên họp đó. Mặc dù với lập luận dẫn chứng không hoàn toàn giống nhau, nhưng các luận điệu đều có chung quan điểm là: ở Việt Nam hiện nay, quyền tự do ngôn luận chỉ là hình thức, tuy được hiến pháp và luật quy định nhưng trên thực tế quyền này bị hạn chế tối đa bởi các yếu tố thực thi pháp luật và những cơ chế quyền lực trong hệ thống chính trị.
Hay như thực tiễn 3 năm qua, đỉnh điểm là năm 2021, trong khi Nhà nước ta đang nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, các phần tử chống đối, phản động lợi dụng tình hình dịch bệnh để tuyên truyền thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước gây hoang mang dư luận xã hội, như: phát tán tin giả, dựng chuyện về số người mắc bệnh, số ca tử vong và loan tin tốc độ lây lan dịch bệnh lớn hơn nhiều lần con số do Chính phủ công bố, tạo tâm lý sợ hãi cho cộng đồng, làm xáo trộn đời sống xã hội, gây nghi ngờ, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Các thế lực thù địch cố tình lờ đi những kết quả quan trọng chúng ta đã đạt được, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước trong xử lý dịch bệnh, vu khống Nhà nước che giấu thông tin, không ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu… Rất nhiều phần tử cơ hội khác còn cố tình tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh nhằm trục lợi bất chính. Đó là những thông tin tiêu cực khiến người dân lo sợ, đổ xô đi mua khẩu trang, lương thực tích trữ, dẫn đến tình trạng “găm” hàng, “thổi” giá… Những hành vi như vậy không thể dùng cái gọi là “quyền tự do ngôn luận” để biện hộ.
Ngược lại, trong khi Đảng và Nhà nước ta đang ra sức ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, sai trái trên thì các thế lực phản động, thù địch lại rêu rao rằng, đây là “một hình thức kiểm duyệt thông tin”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Trong khi, sự thật là việc ngăn chặn trên là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, các quốc gia trên thế giới đều phải thực hiện.
- Về phương thức:
Bên cạnh việc đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam thì các thế lực thù địch, chống phá còn lợi dụng quyền tự do ngôn luận của công dân, kết hợp với những phương thức thực hiện quyền này để tuyên truyền những nội dung sai trái, lệch lạc nêu trên, những nội dung khác chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Thứ nhất, chúng sử dụng các phương thức truyền thống như: xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam để xuyên tạc, chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực nói chung và về quyền tự do ngôn luận nói riêng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần phải nói thêm rằng, phương thức thể hiện của tự do ngôn luận rất đa dạng. Cho nên, về hình thức, báo chí được xem là một phương thức đặc biệt để thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân, nói cách khác, đây chính là quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Nó đặc biệt ở chỗ không phải chỉ là diễn đàn để mọi công dân, mọi tầng lớp, mọi độ tuổi, giới tính, ngành nghề khác nhau được quyền phát ngôn, bày tỏ tư tưởng, ý kiến, thể hiện hành động, nơi mà tự do ngôn luận thể hiện tập trung, mạnh mẽ và được lan tỏa nhiều nhất. Mà là ở chỗ, nội dung mà công dân có thể nêu lên ở đó: Công dân có thể phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước… (Điều 11 Luật báo chí năm 2016). Chính vì lẽ đó, đây cũng chính là phương thức mà các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội có thể sử dụng để công kích mạnh vào hệ thống chính trị, vào Đảng và Nhà nước ta một cách trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất và khó bị xử lý nhất.
Thứ hai, chúng đặc biệt sử dụng Internet, truyền thông đại chúng để chống phá, đưa ra những nội dung, thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hình thức thể hiện của tự do ngôn luận có sự biến đổi lớn. Internet, mạng xã hội trở thành công cụ phổ biến để mọi cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, tư tưởng, truyền bá thông tin, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Đặc biệt là sự ra đời nhanh chóng của các nền tảng kết nối cộng đồng như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, Instagram, Google,..… đã xóa nhòa ranh giới về mặt không gian, địa lý giữa các vùng miền, quốc gia. Và theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính đến tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới.
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ số, những thuộc tính thể hiện sự ưu việt của không gian mạng là: đa dạng trong nội dung truyền tải, hình thức thể hiện, tự do trong các thức biểu đạt, nhanh chóng trong tốc độ tiếp cận, nhạy bén trong tương tác cộng đồng; lợi dụng sự quan tâm, mức độ sử dụng mạng xã hội của người dân ở Việt Nam nói trên, các thế lực thù địch, phản động đã và đang sử dụng không gian mạng như một mặt trận chủ lực, triệt để lợi dụng các website có máy chủ ở nước ngoài, khó bị kiểm soát hoặc hạn chế truy cập; những trang mạng có lượng người truy cập lớn, hội nhóm có nhiều thành viên để đăng tải hoặc chia sẻ quan điểm đối lập dưới nhiều hình thức: bài viết, tranh ảnh, clip,… để tung tin giả mạo, sai sự thật về vấn đề tự do ngôn luận nói riêng và về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung. Điều này đã mang đến không ít thách thức, khó khăn cho công cuộc xây dựng và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, cũng như công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ trước đến nay.
Trong thời gian qua, thực tiễn đã cho thấy, những vụ án liên quan đến sử dụng Internet, mạng xã hội để chống phá Nhà nước như vụ: N. N. N. Q. (Đà Nẵng) phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 BLHS; vụ án L.Đ. L. (Nghệ An) phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 BLHS. Các bị cáo đều triệt để sử dụng tự do ngôn luận, sử dụng Internet, mạng xã hội như: Facebook, Block,… lập tài khoản để hoạt động hội nhóm nhằm tập hợp lực lượng, phát tán tài liệu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách, pháp luật, lịch sử cách mạng Việt Nam, lôi kéo nhiều người vào tổ chức khủng bố Việt Tân, tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân… Mục đích của tất cả những đối tượng trên là đều nhằm phát tán các thông tin sai lệch, kích động dư luận, định hướng người đọc về những suy nghĩ và hành động trái với mục tiêu của công cuộc đi lên Xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Tất cả những hành vi đó đã vượt ra khỏi khuôn khổ chính đáng của quyền tự do ngôn luận được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định như đã nêu ở mục 1. Sự can thiệp, trừng phạt của nhà nước đối với những hành vi như vậy là có căn cứ pháp lý, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Vì vậy, không thể coi đó là những trường hợp vi phạm quyền tự do ngôn luận, là bóp nghẹt quyền sử dụng Internet, mạng xã hội như một số dư luận điệu đảo vu cáo. Trái lại, thực chất đây lại là những trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng mạng xã hội vì những mục đích xấu, trái với lợi ích chung của Nhà nước, xã hội mà không một quốc gia có chủ quyền nào có thể chấp nhận được.
3. Một số giải pháp đề xuất nhằm đấu tranh phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị
Trước tình hình thực tế nêu trên, Đảng, Nhà nước, toàn dân cần tập trung thực hiện đồng bộ, kết hợp nhiều giải pháp để vẫn đảm bảo được quyền tự do ngôn luận của công dân, mặt khác để đấu tranh có hiệu quả đối với các quan điểm xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam hiện nay, cụ thể:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy nhằm tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trong toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội. Phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… Theo đó, quan điểm xuyên suốt là phải thật sự gắn kết biện chứng hai nội dung: đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch là để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ngược lại.
Và trước tiên là phải tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35NQ/TW, Văn phòng Ban chỉ đạo, các Tổ chức thư ký và giúp việc, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và của Trưởng ban chỉ đạo. Cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW chứ không coi đó là chỉ là công việc của riêng cấp Ủy, của cơ quan tuyên giáo các cấp, của các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và của các nhà khoa học.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan đến quyền tự do ngôn luận đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và có các giải pháp kỹ thuật phù hợp với sự phát triển nhanh của internet, mạng xã hội.
Theo đó, chúng ta nên áp dụng cơ chế kiểm soát thông tin “đầu vào” thay vì cách thức như hiện nay là chỉ khi xuất hiện những thông tin, nội dung xuyên tạc, chống phá trên mạng internet rồi mới tìm cách phối hợp với các trang mạng xã hội như Facebook, Google,… để yêu cầu chỉnh sửa, dỡ bỏ nội dung, truy tìm vị trí, địa chỉ tài khoản, máy đăng tải nội dung đó, mà lúc này thì rõ ràng thông tin, nội dung sai lệch, xuyên tạc đó đã được truyền tải rộng rãi khó có thể kiểm soát được. Để làm được điều này, cần bổ sung vào Luật báo chí, Luật an ninh mạng hoặc ban hành văn bản pháp luật riêng quy định những nội dung cấm, không được đăng tải trên mạng xã hội như: nội dung mang tính chống phá Đảng, Nhà nước, nội dung xuyên tạc các đường lối, chính sách, quy định của pháp luật nước ta, nội dung gây chia rẽ chính quyền với nhân dân…. Văn bản này đòi hỏi phải áp dụng với cả đơn vị, tổ chức là các trang mạng xã hội ở Việt Nam yêu cầu họ phải đồng hành, phối hợp trong việc lọc, không cho phép đăng tải những nội dung bị cấm đã quy định hoặc những nội dung như thế nào thì thông qua kiểm soát và được tải lên mạng xã hội. Đồng thời, chế tài xử lý đối với các hành vi đó nếu vi phạm phải thiết thực và phù hợp với thực tiễn.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng (hoặc để bị lợi dụng) quyền tự do ngôn luận nhằm mục đích xấu hoặc những động cơ cá nhân gây bất lợi cho hoạt động quản lý nhà nước, cho việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, của ngành và chính quyền địa phương. Đặc biệt là thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan, đơn vị báo chí trên cả nước, những địa phương thường xuất hiện, có cá nhân phát tán nội dung không đúng, sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nói chung và về vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam nói riêng. Cần kết hợp công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên với kiểm tra, thanh tra đột xuất theo vụ việc, lấy hiệu quả làm tiêu chí đánh giá. Đồng thời, có hình thức, phương pháp và cơ chế huy động sự tham gia tự giác của nhân dân và việc giám sát thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do ngôn luận trên báo chí ở từng khu vực dân cư, cơ quan đơn vị và địa phương.
Bốn là, Để đấu tranh chống lại những luận điệu và thủ đoạn nêu trên, Đảng và Nhà nước ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên không gian mạng, theo đó:
Về đối tượng tuyên truyền: mọi công dân ở mọi tầng lớp, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi độ tuổi, giới tính, ngành nghề khác nhau.
Về chủ thể tuyên truyền: Trước hết là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ, trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến toàn thể người dân: Các Bộ, ngành các cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, các cơ quan thông tấn, truyền hình. Quan trọng nhất là sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt của toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam, sự nêu gương, đi đầu của đội ngũ cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Về nội dung tuyên truyền: trước hết tuyên truyền về các quy định của pháp luật đối với quyền tự do ngôn luận của công dân, những “giới hạn của quyền tự do ngôn luận” mà Hiến pháp, Luật báo chí, Luật an ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ngày 17/6/2021 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, và các văn bản pháp luật khác có quy định (thông qua việc tuyên truyền các hành vi bị cấm và chế tài xử lý nếu vi phạm); tuyên truyền cho người dân biết những dạng hành vi, luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng về tự do ngôn luận để chống phá Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải tuyên truyền, khuyến khích người dân biết chống lại, phát hiện, tố giác những đối tượng phát tán, truyền những quan điểm sai trái, thù địch đó.
Về hình thức, cách thức tuyên truyền: đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, đặc biệt cần sử dụng mạng xã hội để nhận diện và đấu tranh thông qua các trang thông tin có lượng người xem, truy cập lớn, được đông đảo người dân biết đến để từ đó, xây dựng được “thế trận lòng dân trên không gian mạng” trước các luận điệu của thế lực thù địch, chống phá. Và với mỗi loại đối tượng cần có cách thức tuyên truyền riêng. Ví dụ: Đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên có các phần tử, tổ chức phản động, phần tử chính trị hoạt động (đơn cử như vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên) thì việc tuyên truyền thông qua loa phát thanh, tuyên truyền trực tiếp đến từng buôn, bản, làng, thôn; tổ chức họp bản, buôn để tuyên truyền là cực kỳ quan trọng.
Cuối cùng, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các luận điệu mới của các thế lực lợi dụng vấn đề “tự do ngôn luận” để chống Đảng, Nhà nước, cần sự chung tay, góp sức của tất cả người dân trên cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài…. Trong đó, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, Đảng viên; bên cạnh việc nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội và luôn tỉnh táo trước những thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, Đảng viên phải là một cây bút “chiến đấu” trực tiếp chống lại những luận điệu sai trái đó, có như vậy mới “toàn dân hóa” được cuộc chiến chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực.
Như vậy, có thể đi đến kết luận rằng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy, phát huy ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, sức mạnh tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn tích cực tiếp thu, học hỏi, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia khác để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận cho đại đa số người dân. Nhưng dù trong thời kỳ nào, tự do ngôn luận luôn được pháp luật ghi nhận trên cơ sở và trong khuôn khổ của pháp luật của mỗi quốc gia, chịu sự quản lý của Nhà nước. Nếu ai đó cố tình lợi dụng tự do ngôn luận để công khai chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc đều bị xử lý một cách nghiêm minh như nhau bằng những thiết chế nhất định. Điều này là hiển nhiên và không có gì khác biệt giữa bất kỳ một quốc gia độc lập có chủ quyền nào trên thế giới.
(Bài viết đạt giải Khuyến khích thể loại tạp chí trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương)
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Anh Tuấn (2019) "Quyền tự do ngôn luận và đấu tranh với quan điểm xuyên tạc quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam hiện nay" Tạp chí Khoa học chính trị số 02/2020.
2. Lê Minh Dũng (2016), “Cơ sở pháp lý của quyền tự do ngôn luận”, Tại chí Nghề Luật, Số 1/2016, tr. 62 - 68.
3. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.