VKSND tối cao họp Ban chỉ đạo xây dựng ứng dụng "Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân"

Ngày đăng : 19:59, 03/12/2024

(Kiemsat.vn) - Chiều 3/12/2024, VKSND tối cao tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng ứng dụng “Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân”. Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng ứng dụng “Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân”; về phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và một số cán bộ thuộc Tập đoàn.

Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và phát biểu tại cuộc họp.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024; Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ ngày 10/4/2024 của Ban Cán sự đảng VKSND tối cao về “Chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có mục tiêu: Phấn đấu 100% vụ án hình sự được xử lý toàn trình trên môi trường số, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục 2 VKSND tối cao đã công bố Quyết định số 425/QĐ-VKSTC ngày 02/12/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao về kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nền tảng “Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân”. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên, do đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao làm Trưởng Ban; Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao làm Phó Trưởng Ban thường trực.

Đồng chí Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng ứng dụng "Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân" phát biểu tại cuộc họp.

Cục 2 VKSND tối cao cũng đã báo cáo kết quả xây dựng nền tảng quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân và lộ trình thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, nền tảng “Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân” được thiết kế, xây dựng thành 8 mô-đun chính, trong đó có 6 mô-đun về nghiệp vụ (từ mô-đun 1- 6), mỗi mô-đun tương ứng với một giai đoạn tố tụng hình sự (trong đó từ mô-đun 1 - 5 là từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án hình sự; mô đun 6 quy định về hoạt động điều tra vụ án hình sự của Cục 1) và 2 mô-đun về “Sổ thụ lý điện tử, Báo cáo thống kê án hình sự” và “Phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, báo cáo của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp” (mô-đun 7, 8).

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.

Tại mỗi mô-đun nghiệp vụ (mô-đun 1- 6) đã liệt kê đầy đủ các tình huống tố tụng theo trình tự (thứ tự) về thời gian (từ khi bắt đầu đến khi kết thúc giải quyết), các quy trình tố tụng/quy trình về nghiệp vụ.

Ngoài ra, xây dựng thêm 2 mô-đun về “Kiểm sát, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp” và “Tương trợ tư pháp về hình sự” nhằm bảo đảm tính đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Toàn cảnh cuộc họp.

Dưới sự chủ trì, điều hành của đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo, các ý kiến phát biểu của thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện Tập đoàn VNPT đã làm rõ thêm một số vấn đề về an toàn, an ninh mạng liên quan tới triển khai nền tảng; việc phối hợp xây dựng các mô-đun chức năng của nền tảng quản lý án hình sự, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và nghiệp vụ. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Hồ Đức Anh cũng mong muốn, thời gian tới VNPT tiếp tục hỗ trợ, đồng hành, phối hợp với các đơn vị liên quan của VKSND tối cao xây dựng, hoàn thiện các mô-đun của nền tảng quản lý án hình sự trong Ngành đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra.

Theo Phó Viện trưởng VKSND tối cao Hồ Đức Anh mục tiêu của việc xây dựng nền tảng quản lý án hình sự nhằm giúp tối ưu hóa việc quản lý và xử lý vụ án, nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đồng thời đáp ứng yêu cầu kết nối chia sẻ dữ liệu trong ngành Kiểm sát nhân dân và theo yêu cầu của Đề án 06. Vì vậy, đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu nền tảng quản lý án hình sự khi xây dựng hoàn thành và thực hiện thống nhất trong toàn Ngành tạo ra một hệ thống tích hợp, tập trung để quản lý toàn bộ quy trình tố tụng, quy trình nghiệp vụ từ giai đoạn kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kiểm sát khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hình sự. Cùng với đó, nền tảng cung cấp công cụ theo dõi, cập nhật trạng thái vụ án kịp thời, cải thiện năng suất và giảm thiểu sai sót trong xử lý nghiệp vụ. Đồng thời, tối ưu hóa việc lưu trữ và tìm kiếm dữ liệu, rút ngắn thời gian tra cứu, hỗ trợ phân loại, sắp xếp thông tin; bảo đảm tính bảo mật, bảo vệ dữ liệu.

Lộ trình triển khai ứng dụng “Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân” gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Phát triển ban đầu và thử nghiệm nền tảng QLAHS.
Giai đoạn 2: Thí điểm nền tảng QLAHS và phát triển mô-đun
Giai đoạn 3: Triển khai toàn bộ các mô-đun và hoàn thiện nền tảng QLAHS.

Thanh Lâm