Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Ngày đăng : 15:14, 20/11/2024

(Kiemsat.vn) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 và các văn bản hướng dẫn mặc dù đã quy định tương đối rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; song thực tế vẫn còn một số vướng mắc nhất định về thời hạn tiếp nhận, phân loại, tạm đình chỉ và phục hồi giải quyết... Bài viết phân tích, làm rõ những bất cập này và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

1. Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Một là, về thời hạn tiếp nhận, phân loại; giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền phải lập biên bản (Mẫu số 01) và ghi vào sổ tiếp nhận phân loại nguồn tin về tội phạm (Mẫu số 294) được ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự. Trong thời hạn 24 giờ, cơ quan tiếp nhận tổ chức phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo tác giả, quy định về thời hạn trên là ngắn và chưa hợp lý. Thực tế, có nhiều trường hợp ban đầu xác định thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, nhưng do tính chất vụ việc phức tạp đã tiến hành gia hạn (gần hết 4 tháng), cuối cùng mới xét thấy vụ này thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp tỉnh. Vấn đề đặt ra là thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố này được tính như thế nào khi mà khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của liên ngành trung ương quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017) và khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015 chưa có sự đồng nhất, gây khó khăn cho cơ quan tiếp nhận.

Có ý kiến cho rằng, căn cứ vào khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015, thời hạn được tính từ khi tiếp nhận. Tác giả đồng tình với ý kiến này, bởi vì pháp luật đã quy định cụ thể về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm phải được tính từ khi Cơ quan điều tra cấp huyện tiếp nhận và đã tổ chức phân loại, xác định thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, thời gian tổ chức phân loại như hiện nay là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; quy định của pháp luật đang đồng nhất thời hạn tiếp nhận với thời hạn giải quyết, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình áp dụng.

Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017, “thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. Ở đây cơ quan có thẩm quyền được xác định là Cơ quan điều tra cấp tỉnh. Do đó, thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được tính từ khi Cơ quan điều tra cấp tỉnh thụ lý. Như vậy, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thể lên đến tối đa là 8 tháng trong trường hợp này. Hướng dẫn này chưa thật sự phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015.

Hai là, về tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là quá trình cơ quan có thẩm quyền tạm dừng các hoạt động kiểm tra, xác minh và thuộc một trong những trường hợp được tạm đình chỉ quy định của BLTTHS khi đã hết thời hạn như: Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả; không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Thực tiễn, có những trường hợp tài liệu thu thập được không đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự nhưng cũng không thuộc các trường hợp được tạm đình chỉ đã gây khó khăn, lúng túng trong việc ra các quyết định tố tụng hình sự. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng không liên lạc được với người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm (nhất là khi tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, điện thoại) hoặc không làm việc được với người bị tố giác, bị hại do không xác định được họ đang ở đâu. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kiến nghị khởi tố (Thông tư số 28/2020), Cơ quan điều tra sẽ có công văn trao đổi, thống nhất quan điểm với Viện kiểm sát. Theo tác giả, cơ quan có thẩm quyền đồng nhất trường hợp đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu có ý nghĩa quan trọng… với chưa làm việc được với người tố giác, người bị tố giác, bị hại (và cho rằng đây là tài liệu quan trọng có ý nghĩa đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố) là chưa hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, đây là cách làm để giải quyết đối với những tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố trong thực tiễn khi không thể tạm đình chỉ hoặc ra quyết định khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự. Một mặt cũng cho thấy BLTTHS chưa thể dự liệu được các trường hợp phát sinh trong thực tiễn khi liệt kê các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Ba là, về phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Khi lý do tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, cơ quan có thẩm quyền phải phục hồi để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết là không quá 01 tháng kể từ khi ra quyết định phục hồi. Tuy nhiên, sau khi đã phục hồi và đã hết thời hạn giải quyết theo luật định thì có được tiếp tục tạm đình chỉ hay không? Nếu được thì sẽ tạm đình chỉ bao nhiêu lần? Về nội dung này, BLTTHS chưa quy định. Hướng dẫn số 2010/HDLN ngày 18/5/2021 về việc giải đáp vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, vụ việc tạm dừng giải quyết nêu rõ “BLTTHS không quy định số lần tạm đình chỉ giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Việc tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải thực hiện đúng quy định tại Điều 148, Điều 149 BLTTHS”. Như vậy, quy định của BLTTHS năm 2015 và văn bản hướng dẫn không đề cập cụ thể về số lần tạm đình chỉ và phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Điều này dễ dẫn đến việc giải quyết kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Một là, cần quy định cụ thể thời hạn tiếp nhận, phân loại; giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền có đủ thời gian để phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đồng thời phù hợp với quy định của khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2017, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017 theo hướng: “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 3 ngày kể từ khi tiếp nhận….”. Quy định như trên sẽ tách bạch được giữa thời hạn phân loại, ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố với thời hạn giải quyết; tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận có đủ thời gian phân tích, đánh giá và tránh những sai lầm trong quá trình tổ chức phân loại nguồn tin.

Đồng thời, sửa đổi đoạn đầu khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thụ lý, giải quyết; ra quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết hoặc cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phân công Cán bộ điều tra thuộc quyền hoặc ra quyết định phân công cấp phó trong việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định…”.

- Đối với trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do cơ quan cấp dưới chuyển lên Cơ quan điều tra cấp trên, BLTTHS năm 2015 cần quy định rõ về thời hạn để tiếp tục giải quyết nhằm khắc phục những bất cập giữa quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015; khoản 1, khoản 2 Điều 8, Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan có thẩm quyền cấp trên giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, theo tác giả, cần bổ sung vào đoạn cuối của khoản 2, đoạn 1 Điều 147 như sau: “Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do cơ quan có thẩm quyền giải quyết cấp dưới chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết cấp trên nếu đã hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 điều này, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng kể từ ngày tiếp nhận”.

Đối với trường hợp đã hết thời hạn giải quyết tố tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng cơ quan có thẩm quyền không có đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ giải quyết. Tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư liên liên tịch số 01/2017 hoặc ghi nhận tại Điều 147 BLTTHS nội dung “Khi đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của BLTTHS nhưng vẫn không có căn cứ để ra một trong các quyết định: tạm đình chỉ giải quyết; khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự”.

Hai là, cần bổ sung trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Với mục đích giải quyết nhanh chóng tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và không để các đơn, thư tồn đọng kéo dài. Tác giả kiến nghị bổ sung trường hợp được tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 “Đã tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh cần thiết nhưng không xác định được hoặc không biết rõ người tố giác, bị tố giác, bị hại đang ở đâu mà việc lấy lời khai của họ có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”.

Ba là, cần quy định cụ thể về số lần được phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Phục hồi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố là một nội dung quan trọng khi căn cứ tạm đình chỉ đã không còn. Đây là điều cần thiết để cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động xác minh, điều tra để không bỏ lọt tội phạm. Do vậy, tác giả kiến nghị bổ sung vào Điều 149 BLTTHS năm 2015 theo hướng “tố giác, tin báo về tội phạm chỉ có thể được phục hồi không quá 2 lần. Trường hợp đã phục hồi lần thứ hai nhưng vẫn không thể ra được quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền giải quyết trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự”.

TS. Trịnh Duy Thuyên

Theo Tạp chí Kiểm sát in số 03/2024