Hội nghị lấy ý kiến về đề án của Trung ương do VKSND tối cao chủ trì

Ngày đăng : 15:49, 14/11/2024

(Kiemsat.vn) - Ngày 14/11/2024, tại Hà Nội, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan để lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện”. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Nguyễn Duy Giảng, Nguyễn Quang Dũng, Hồ Đức Anh, Trung tướng Tạ Quang Khải.

Cùng tham dự có đại diện các cơ quan, bộ, ngành Trung ương: Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí đại diện: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Về phía đại biểu của ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND cấp cao tại: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích công là yêu cầu tất yếu của Nhà nước dân chủ tiến bộ, thể hiện chức năng, vai trò của Nhà nước đối với xã hội, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền tảng văn hóa của một đất nước.

Quá trình nghiên cứu và xây dựng Đề án thấy rằng, việc bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự thuộc trách nhiệm của nhiều chủ thể trong hệ thống chính trị. Qua thực tiễn thi hành các quy định của BLTTDS năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chủ động thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước theo quy định của pháp luật và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Thực tế hiện nay đã và đang xảy ra vụ việc dân sự xâm hại các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa có chủ thể nào được giao thực hiện việc khởi kiện hoặc chưa được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực sự quan tâm, chủ động yêu cầu và khởi kiện. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là do pháp luật chưa quy định cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.

Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến, trong thời gian qua, thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có VKSND đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng và đã có kiến nghị đề nghị khắc phục hoặc kiến nghị phòng ngừa. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước như môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm, kinh tế, tài chính, y tế, giáo dục,... vẫn chưa được phát hiện sớm để xử lý, ngăn ngừa hoặc giảm bớt thiệt hại góp phần phòng ngừa tội phạm.

Việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan để lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện” theo yêu cầu của Nghị quyết 27/NQ-TW là hết sức cần thiết. Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị, tại Hội nghị này, các đại biểu với tinh thần khách quan, trách nhiệm, cung cấp các vấn đề thực tiễn, những luận cứ để làm sáng tỏ các nội dung của đề án để có những trao đổi, thảo luận làm rõ những nội dung mà VKSND tối cao xin ý kiến. Nhất là những đề xuất đổi mới, hoàn thiện cơ chế để nâng cao vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan (trong đó có VKSND) trong việc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước, lợi ích của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương đảm bảo phù hợp với Cương lĩnh, chủ trương của Đảng; với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì lợi ích quốc gia dân tộc và phục vụ Nhân dân; bám sát mục tiêu phục vụ phát triển đất nước; theo đó, các nội dung đổi mới phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao báo cáo một số nội dung đề dẫn của Đề án.

Báo cáo một số nội dung đề dẫn tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao cho biết, nhằm cung cấp luận cứ thực tiễn cho những đề xuất về tăng cường vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và VKSND trong tố tụng dân sự, nhằm bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, VKSND tối cao đã khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, tổ chức khác về thực tiễn cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước theo Điều 187 BLTTDS năm 2015 và việc đổi mới vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự nhằm bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Kết quả lấy ý kiến tại các cuộc khảo sát đánh giá cao và tán thành về sự cần thiết, nội dung Đề án và bổ sung nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Đại biểu thảo luận, góp ý hoàn thiện Đề án.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao nội dung của Đề án, đồng thời thống nhất cao về sự cần thiết phải nghiên cứu tìm ra cơ chế, hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh đó, đã thảo luận, góp ý làm rõ thêm để Đề án đầy đủ hơn và tăng tính thuyết phục hơn ở một số nội dung: Khảo sát yêu cầu xã hội đối với yêu cầu bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công; tăng thời gian thí điểm, đồng thời xác định không gian thí điểm; đầu ra sau thí điểm thực hiện Đề án..

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, tham luận của các đại biểu về nội dung của Đề án; đồng thời khẳng định, các ý kiến này sẽ được tiếp thu và là căn cứ để VKSND tối cao có những bổ sung, điều chỉnh hợp lý, đầy đủ vào Đề án để phù hợp và bám sát thực tiễn, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo yêu cầu của Trung ương.

Trịnh Quyết