Hội thảo về Sổ tay kỹ năng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi
Ngày đăng : 14:35, 14/11/2024
Tham dự Hội thảo có đại diện Dự án Jica tại Việt Nam ông Chinone Koichi - Cố vấn trưởng Dự án; các đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên Vụ 7 và Vụ 13 VKSND tối cao và đại diện một số đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các phòng, khoa, trung tâm thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Các đại biểu tham dự góp ý dự thảo Sổ tay Kỹ năng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi. |
Thực hiện Kế hoạch số 245 ngày 4/11/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao, về tổ chức Hội thảo Phổ biến nội dung Sổ tay Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi; trong khuôn khổ dự án Jica, Vụ 7 và Vụ 13 VKSND tối cao được giao phối hợp tổ chức Hội thảo, để giới thiệu khái quát những nội dung chính của Sổ tay Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao cho biết: Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói chung, vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi nói riêng là chức năng hiến định của Viện kiểm sát, nhằm đảm bảo hoạt động xét xử các vụ án hình sự được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng kết án oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; từ đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân của bị cáo, nhất là đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi.
Thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát các cấp những năm gần đây số vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi ngày càng tăng về số lượng, nghiêm trọng và phức tạp về tính chất, như: Tỷ lệ bị cáo có độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi trong các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản và một số loại tội phạm khác phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng ngày càng gia tăng; số lượng bị cáo là người dưới 18 tuổi trong các vụ đồng phạm ngày càng nhiều; số vụ mà bị cáo là người dưới 18 tuổi giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội ngày càng phổ biến.
Trong khi đó, quá trình giải quyết các vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi vẫn xảy ra một số vi phạm, thiếu sót, như sai lầm trong áp dụng pháp luật khi quyết định hình phạt; không chỉ định người bào chữa theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; xác định tư cách tham gia tố tụng không đúng quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị cấp giám đốc thẩm tuyên sửa, hủy, làm cho quá trình giải quyết vụ án phải kéo dài, làm ảnh hưởng nhất định đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo là người dưới 18 tuổi.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án Jica đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa Vụ 7 VKSND tối cao và Dự án Jica trong việc xây dựng, hoàn thiện cuốn Sổ tay kỹ năng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi, đồng thời mong muốn, thời gian tới, sự phối hợp này giữa hai bên sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tốt đẹp hơn. |
Bên cạnh đó, thực tế trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đã không kịp thời phát hiện ra những vi phạm, thiếu sót của Tòa án để ngăn chặn, khắc phục. Vì vậy, dưới hỗ trợ của dự án Jica, Vụ 7 VKSND tối cao đã tiến hành xây dựng Sổ tay Kiểm sát viên với nội dung: Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Sau 3 lần tổ chức Hội thảo, tọa đàm để góp ý dự thảo Sổ tay, đến nay Vụ 7 đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung và cơ bản hoàn tất những nội dung chính của Sổ tay.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao đã tổng hợp lại toàn bộ nội dung diễn ra trong buổi Hội thảo, nhất là những ý kiến được đúc rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn của các đồng chí Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, Lãnh đạo phòng nghiệp vụ, Kiểm sát viên đến từ Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố. Để trên cơ sở đó, tổ soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa lần cuối và cho ra mắt Sổ tay theo lộ trình.