Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân
Ngày đăng : 09:28, 14/11/2024
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; đặc biệt là đối với tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo VKSND tối cao đã tập trung chỉ đạo cũng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Thanh tra VKSND tối cao. Qua đó đã góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động tư pháp; bảo đảm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng, xâm phạm sự nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật…
Để tiếp tục tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện các biện pháp trọng tâm sau:
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp, phải phát huy tối đa, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Quy định của Đảng về kỷ luật đảng, về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các đạo luật và luật về tư pháp có liên quan; đặc biệt là Chỉ thị công tác hàng năm của ngành Kiểm sát nhân dân; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân; các quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; nhất là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của ngành Kiểm sát nhân dân; kiên định nguyên tắc “gắn chặt công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh”; xác định thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, góp phần xây dựng và nâng cao uy tín, hình ảnh của ngành Kiểm sát nhân dân trước Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Nhân dân.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp phải quán triệt phương châm “phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong ngành từ sớm, từ xa”; tiếp tục rà soát, đánh giá, nhận diện chính xác các dạng vi phạm, tội phạm có thể xảy ra trong thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp thuộc lĩnh vực đơn vị, địa phương mình phụ trách; khẩn trương chỉ đạo rà soát, nghiên cứu ban hành các nội quy, quy chế, quy định của đơn vị; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng đề ra các biện pháp kiểm soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra trong nội bộ; nhằm chủ động phát hiện các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật nghiệp vụ của Ngành trong phạm vi lĩnh vực, đơn vị, địa phương mình được phân công phụ trách để kịp thời chấn chỉnh, xử lý; quan tâm chỉ đạo thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật và của ngành.
3. Thanh tra VKSND tối cao tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai, thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả, thực chất Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân; quy định về bảo vệ người phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tăng cường hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tội phạm và phòng chống 2 vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm đối với cán bộ vi phạm.
4. Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Cục 1) và Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả ngay từ hoạt động tiếp nhận, phân loại nguồn tin, bảo đảm thụ lý kịp thời, chính xác các tội phạm thuộc thẩm quyền; thực hiện tốt phương châm xử lý “kiên quyết, thận trọng, thuyết phục, nhân văn”. Tăng cường ban hành kiến nghị đến các cơ quan tư pháp, cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động tư pháp; đặc biệt là đối với Viện trưởng VKS các cấp nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các nguyên nhân phát sinh vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực, đơn vị được phân công phụ trách.
5. Vụ 6 chủ trì, phối hợp Cục 1; Thanh tra VKSND tối cao (T1); Vụ kiểm sát và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) rà soát các quy chế hiện hành; tham mưu xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị này trong tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết các đơn tố giác tội phạm, tố cáo, phản ánh vi phạm pháp luật xảy ra trong ngành Kiểm sát nhân dân; bảo đảm quản lý chặt chẽ; chuyển giao, xử lý, giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các kiến nghị phòng ngừa, thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành theo quy định, góp phần duy trì hoạt động đúng đắn của toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
6. Vụ 6 chủ trì, phối hợp với Cục 1; T1; Vụ Tổ chức cán bộ (Vụ 15); Vụ Thi đua - Khen thưởng (Vụ 16); Cục Kế hoạch - Tài chính (Cục 3) và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương nghiên cứu, xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn “Nhận diện một số tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra trong ngành Kiểm sát nhân dân”; tổng hợp rút kinh nghiệm đối với VKS các cấp trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
7. Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) chủ trì, phối hợp với Cục 3, Văn phòng VKSND tối cao tiếp tục tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị làm việc; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ; thực hiện việc số hóa và lưu trữ hồ sơ, xây dựng hệ thống trợ lý ảo trong cung cấp thông tin, xây dựng phần mềm quản lý việc tiếp nhận, xử lý, kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật xảy ra trong ngành Kiểm sát nhân dân.
8. Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng thông tin điện tử của Ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu có nhiều thành tích trong đấu tranh về phòng, chống vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (nói chung) và trong ngành Kiểm sát nhân dân (nói riêng); nhằm lan tỏa, nâng cao vị thế, vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong thực hiện chủ trương “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng chống tham nhũng”.
9. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; tổ chức quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, cán bộ, Kiểm sát viên và người lao động trong cơ quan, đơn vị mình quản lý để thực hiện.