Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

Ngày đăng : 11:53, 11/11/2024

(Kiemsat.vn) - Thời gian qua, tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tình trạng này không những xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của nhà nước, mà còn tiềm ẩn các loại tội phạm khác.

Trong những năm gần đây, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Bài viết phân tích, làm rõ các vướng mắc, khó khăn khi áp dụng quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348 - Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017); từ đó đề xuất các giải pháp, phương hướng hoàn thiện pháp luật hình sự góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm liên quan đến xuất, nhập cảnh.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội này cũng còn những ý kiến khác nhau. Từ đó tồn tại những khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, chưa thống nhất nhận thức về sự khác nhau giữa hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” và hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”. Ngày 20/4/2021, VKSND tối cao ban hành Công văn số 1557/VKSTC-V1 hướng dẫn áp dụng các Điều 347, 348 và 349 BLHS năm 2015, trong đó hướng dẫn phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” quy định tại Điều 348 và hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” quy định tại Điều 349 ở dấu hiệu mục đích. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật ở các địa phương vẫn chưa thống nhất trong khởi tố, điều tra, xử lý hành vi phạm tội của 02 tội này, bởi vì hành vi tổ chức, môi giới cho người khác để người đó trốn ra nước ngoài trái phép vẫn còn xuất hiện yếu tố vụ lợi.

Thứ hai, khung hình phạt, tình tiết định khung cũng như hình phạt bổ sung quy định tại Điều 348 và Điều 349 BLHS năm 2015 hoàn toàn giống nhau; không có sự phân biệt về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép.

Tòa án nhân dân An Giang xét xử 5 bị cáo tổ chức cho 5 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia (Hình ảnh minh họa).

Thứ ba, việc phân biệt hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép và hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trong trường hợp người xuất cảnh hợp pháp qua cửa khẩu nhằm mục đích cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép thì có quan điểm cho rằng người xuất cảnh hợp pháp qua của khẩu nhằm mục đích cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài không vi phạm pháp luật Việt Nam mà chỉ vi phạm pháp luật nước ngoài.

Tính chất trái phép của hành vi thể hiện ở chỗ sau khi xuất cảnh hợp pháp, họ đã trốn ở lại nước nước ngoài nhằm cư trú, lao động bất hợp pháp hoặc xâm nhập bất hợp pháp sang nước thứ ba. Do đó, đối tượng tổ chức, môi giới chỉ có hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép”.

Thứ tư, việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành của tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Thực tế, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép đều là các tội có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện đầy đủ hành vi khách quan của cấu thành tội phạm.

Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hay xuất cảnh trái phép bao gồm nhiều hành vi khác nhau như: Chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc trốn đi nước ngoài, xuất cảnh trái phép; dụ dỗ, lôi kéo người khác trốn đi nước ngoài hay xuất cảnh trái phép; trực tiếp đưa người qua biên giới lãnh thổ quốc gia trái phép; những hành vi khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc trốn đi nước ngoài, xuất cảnh trái phép như làm giả giấy tờ xuất nhập cảnh… Do đó, dưới góc độ pháp luật, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi trên, chưa đòi hỏi đã đưa được người qua biên giới hay chưa.

Thứ năm, phân biệt vi phạm hình sự với vi phạm hành chính về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép. Cùng một hành vi vừa được quy định là tội phạm, vừa được quy định là vi phạm hành chính, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn nào đưa ra căn cứ để phân định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi trên. Từ đó dẫn đến khó khăn, lúng túng trong áp dụng pháp luật và thiếu tính thống nhất trong xử lý giữa các địa phương.

Thứ sáu, quy định về chủ thể của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS năm 2015, chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trên thực tiễn, tội phạm đã sử dụng danh nghĩa công ty để tổ chức, môi giới (đưa dẫn, chuyên chở, giới thiệu, hỗ trợ, chuẩn bị phương tiện, tiền bạc, giấy tờ trái phép) để đưa người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Đồng thời, các công ty khi thực hiện hành vi trên phần lớn đều xuất phát từ động cơ vụ lợi. Do đó, việc quy định chủ thể của tội phạm này chỉ là cá nhân mà không bao gồm pháp nhân thương mại là một bất cập, thiếu sót lớn, dẫn đến việc bỏ lọt những hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm cao hơn do pháp nhân thương mại thực hiện.

Từ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, về phía người dân, bên cạnh nhiều trường hợp bị lừa đảo, lôi kéo trở thành nạn nhân, cũng có trường hợp chủ động kết nối với các đối tượng trong đường dây phạm tội để xuất cảnh trái phép, sau đó trở thành nạn nhân và chịu hậu quả nặng nề, chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp phát, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, người dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín, có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức.

Hai là, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn rõ ràng về việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành đối với tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Cụ thể, cần xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm kể từ khi người phạm tội có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đị nước ngoài hay xuất cảnh trái phép mà không cần đòi hỏi dấu hiệu đã đưa được người ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Ba là, cần có hướng dẫn phân biệt hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép và hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trong trường hợp người xuất cảnh hợp pháp qua cửa khẩu nhằm mục đích cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép. Điều 5 BLHS năm 2015 quy định: Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hành vi được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam khi có một giai đoạn thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh hợp pháp qua cửa khẩu cần làm rõ:

Nếu người phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh hợp pháp qua cửa khẩu nhằm mục đích để cho người đó cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài thì cần xem xét khởi tố, điều tra, xử lý về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, vì hành vi phạm tội đã bắt đầu từ trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này cũng nhằm đảm bảo yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong trường hợp người xuất cảnh chưa trốn ở lại nước ngoài được.

Nếu công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài (du lịch, xuất khẩu lao động…), sau đó mới nảy sinh ý định trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp và được các đối tượng tổ chức, môi giới cho trốn ở lại nước ngoài thì xem xét khởi tố, điều tra, xử lý về tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép, vì hành vi phạm tội xảy ra ở ngoài lãnh thổi Việt Nam.

Bốn là, cần có hướng dẫn áp dụng quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 18 Nghị định số 144/2021 và Điều 348 BLHS năm 2015 theo hướng dẫn xác định mức độ thực hiện hành vi thế nào là “đáng kể” để làm căn cứ xử phạt hành chính hay hình sự.

Năm là, cần bổ sung chủ thể là pháp nhận thương mại đối với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép để tránh bỏ lọt tội phạm, đảm bảo tính nghiêm minh trong đấu tranh, xử lý loại tội phạm này.

Sáu là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, chú trọng các địa bàn giáp biên, khu vực biên giới; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ Công an cấp xã trong nắm người, nắm hộ, quản lý tạm trú, tạm vắng; phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, đánh giá lại các đối tượng, địa bàn liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; quản lý, giám sát số đối tượng trên địa bàn có quá khứ vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh.

 

Trung tá Nguyễn Thị Đặng Dung, Phòng An ninh điều tra CATP Hải P